(Baonghean) - Thời gian qua, người dân một số nơi đăng ký tiêm vắc-xin Pentaxim 5 trong 1 cho trẻ. Nhưng hiện nay, tại Nghệ An, vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 luôn trong tình trạng khan hiếm...
"Mất tiền thì tốt hơn miễn phí" ?!
Mỗi ngày nhân viên y tế của Phòng tiêm chủng vắc-xin Safpo, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phải trả lời rất nhiều vấn đề liên quan đến tiêm chủng vắc-xin dịch vụ 5 trong 1. Tuy nhiên, dù với câu hỏi nào, thì câu trả lời thường gặp nhất đó là: Hiện chưa có vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 và chưa biết đến bao giờ vắc-xin này mới về.
Theo bác sỹ Phan Đình Nghĩa, phụ trách phòng tiêm: “Từ đầu năm 2015 đến nay, chúng tôi chỉ nhận được khoảng 300 liều vắc-xin dịch vụ. Con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và phòng chỉ thực hiện tiêm dịch vụ đối với những mũi tiêm nhắc lại”.
Bước sang năm 2016, tình trạng này cũng không khả quan hơn. Gần đây nhất, mặc dù 40.000 liều vắc-xin dịch vụ Pentaxim đã được cấp cho 161 điểm tiêm chủng trong cả nước nhưng Nghệ An không nằm trong danh sách được cấp. Trước thực tế trên, thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã liên tục thông báo về việc khan hiếm vắc-xin dịch vụ, đặc biệt là vắc-xin Pentaxim (5 trong 1 của Pháp) và vắc-xin Infanrix Hexa (6 trong 1 của Bỉ). Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý chờ đợi các loại vắc-xin này.
Chị Đặng Thị Huệ ở phường Vinh Tân (TP. Vinh) lo lắng: “Theo quy định, trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi nếu tiêm đủ 3 mũi vắc-xin 5 trong 1 thì sẽ đạt tỷ lệ miễn dịch cao nhất. Thế nhưng con tôi thì chưa tiêm được mũi nào cả. Tôi cũng chưa nhận được thông báo bao giờ sẽ có vắc-xin trở lại...”.
Sở dĩ phụ huynh thường trông chờ vào vắc-xin dịch vụ vì nhiều người cho rằng: Trẻ tiêm vắc-xin này sẽ an toàn, ít bị phản ứng sau khi tiêm. Bên cạnh đó, nhiều người quan điểm, vắc-xin dịch vụ mất tiền chắc chắn sẽ tốt hơn vắc-xin tiêm miễn phí.
Vắc-xin 5 trong 1, hoặc vắc-xin 6 trong 1 được sử dụng để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ (Hib). Đây là những bệnh gây nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Nếu tiêm đủ mũi, tỷ lệ miễn dịch sẽ đạt 80 - 90%, còn tiêm muộn, tiêm ngắt quãng quá lâu, tiêm thiếu mũi thì khả năng miễn dịch sẽ giảm. |
Cần đưa trẻ đi tiềm đúng lịch
Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Trẻ dưới 1 tuổi khả năng miễn dịch kém, đặc biệt là với bệnh ho gà. Khi đứa trẻ không được tiêm chủng bị nhiễm vi khuẩn hoặc vi-rút, cơ thể của trẻ sẽ không đủ sức mạnh để chống lại, trẻ sẽ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của trẻ em, phụ huynh phải cho trẻ đi tiêm theo đúng lịch tiêm chủng. Tiêm chủng mở rộng tại Trạm y tế xã Cẩm Sơn
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, trong năm 2015 trên 90% trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được tiêm vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc tiêm chủng.
Ngay cả thời điểm tháng 10 và tháng 11, mặc dù có một số thông tin bất lợi sau sự việc 1 trường hợp trẻ bị tử vong do sốc phản vệ ở huyện Quế Phong nhưng tại Quế Phong và các huyện lân cận tỷ lệ trẻ tiêm chủng vẫn rất cao với trên 13.000 liều/tháng. Chỉ một vài trường hợp bỏ tiêm do với lý do bị ốm, sốt hoặc điều kiện sức khỏe không cho phép.
Ông Thái Sỹ Thân - Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi. Riêng vắc-xin Quinvaxem được cung ứng đầy đủ; tất cả các trẻ nếu đăng ký đều được tiêm đúng theo lịch tiêm chủng quy định. Kết quả nghiên cứu đánh giá cho thấy, hơn 97% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra sau tiêm chủng 3 liều cơ bản với Quinvaxem. Hơn 91% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh viêm gan B sau khi tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem theo lịch.
Để đảm bảo an toàn cho công tác tiêm chủng, ngành Y tế cũng đã yêu cầu tất cả các điểm tiêm chủng ở các phường, xã rà soát lại quy trình tiêm vắc-xin cũng như các điều kiện, chế độ bảo quản. Những địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa trung tâm cũng đã kịp thời trang bị các tủ chuyên dụng giúp cho việc bảo quản được thuận lợi, tránh xảy ra sai sót trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được vai trò quan trọng của việc tiêm vắc-xin đối với trẻ; khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thay vì bị động chờ đợi vắc-xin dịch vụ.
Trong năm 2016, tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ sẽ còn kéo dài, vì thế cho trẻ tiêm theo Chương trình tiêm chủng mở rộng là biện pháp thiết thực nhất hiện nay. Qua đó, người dân vừa tiết kiệm được chi phí, phòng bệnh kịp thời và tránh tình trạng “sốt” vắc-xin dịch vụ kéo dài như lâu nay.
Ông Lê Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Các phụ huynh cần nhận thức đúng đắn về vắc-xin Pentaxim 5 trong 1 dịch vụ và vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng. "Mọi vắc-xin trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đều được kiểm định chất lượng, vì vậy người dân không phải lo lắng về nguồn gốc hoặc quy trình bảo quản. Riêng 2 vắc-xin này chỉ khác nhau bởi vắc-xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào, vắc xin Pentaxim có thành phần ho gà vô bào. Trẻ tiêm vắc-xin toàn tế bào thường gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn so với vắc-xin ho gà vô bào. Tuy nhiên, đó cũng có một ưu điểm quan trọng bởi vắc-xin ho gà toàn tế bào kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả cao hơn so với vắc-xin ho gà vô bào. Với điều kiện, môi trường, khí hậu ở Việt Nam (môi trường kháng thể kém) thì trẻ tiêm vắc-xin toàn tế bào sẽ có tác dụng miễn dịch tốt hơn. Hơn thế, còn giúp người dân tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ" |
Mỹ Hà