(Baonghean)- Việc sử dụng thuốc chữa bệnh tùy tiện đã gây nên hiện tượng kháng thuốc - nhờn thuốc, dẫn đến hậu quả khôn lường. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến khiến bệnh lây lan nhanh, khó chữa trị và tốn kém…
Hễ nhức đầu, sổ mũi là bà Phan Thị Lương (ở phường Quán Bàu, TP. Vinh) lại ra hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc kháng sinh. Bà Lương cho biết: “Vì hầu như lần nào uống thuốc cũng thấy đỡ và khỏi nên mỗi khi ốm nhẹ tôi lại tự mua thuốc về uống, vừa tiện vừa đỡ tốn kém”.
Khảo sát thực tế tại một số quầy thuốc tân dược trên đường Nguyễn Văn Cừ, Tuệ Tĩnh, Phan Bội Châu… (TP. Vinh) cho thấy, tình trạng mua, bán thuốc không có đơn của bác sỹ diễn ra khá phổ biến. Sự dễ dãi trong mua, bán, sử dụng thuốc kháng sinh đang là một thực tế khó kiểm soát.
Theo thống kê của Bộ Y tế, thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ lớn trong các nhà thuốc ở nông thôn lẫn thành thị hầu hết được bán không theo đơn với tỷ lệ rất cao: gần 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. |
Không chỉ trong mua, bán mà ngay cả trong việc sử dụng thuốc chữa bệnh của người dân cũng còn tùy tiện. Bệnh nhân Võ Văn Xô (Nghi Xá, Nghi Lộc) phải nhập viện điều trị bệnh lao đa kháng thuốc tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An. Mặc dù trước đó đã trải qua 2 lần điều trị lao, mỗi đợt hơn 6 tháng nhưng không những thuyên giảm mà bệnh của ông càng nặng hơn.
Ông Xô cho biết: “Vì gia đình khó khăn nên trong thời gian điều trị tại nhà, tôi vẫn phải đi phụ hồ, kiếm thêm thu nhập. Công việc nặng nhọc nên nhiều hôm đi làm về mệt tôi quên uống thuốc. Với lại uống thuốc chữa bệnh lao luôn đòi hỏi vào một khung giờ nhất định trong ngày nên rất khó thực hiện”.
Bác sỹ CKI Nguyễn Hồng Hải - Trưởng khoa Nội 4 - Bệnh viện Lao và bệnh Phổi cho biết: “Bệnh lao có thể chữa khỏi và được cấp phát thuốc hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng vì mỗi liệu trình điều trị bệnh lao kéo dài trên 6 tháng, cần tuân thủ đúng phác đồ và uống thuốc đúng cách nên nhiều người bệnh không đáp ứng được. Điều trị không theo chỉ dẫn của bác sỹ, dừng điều trị khi chưa hết thời gian là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân mắc lao kháng thuốc gia tăng hàng năm”.
Trao đổi về vai trò của thuốc kháng sinh trong điều trị, TS.BSCKII Cao Trường Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh cho rằng: “Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị bệnh, nhưng thực tế người dân sử dụng thuốc kháng sinh không đúng quy định sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, dẫn đến việc áp dụng các phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu sẽ trở nên không hiệu quả, nhiễm khuẩn kéo dài (thậm chí gây tử vong) và gia tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng”.
Phòng kháng thuốc có trách nhiệm
Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về số trường hợp bệnh nhân kháng thuốc mỗi năm nhưng hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Một số loại bệnh kháng thuốc hoặc đáp ứng thuốc trong điều trị hạn chế phổ biến hiện nay như: bệnh về nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nội tiết, rối loạn chuyển hóa, tim mạch…
Trong đó, lao là một trong số những căn bệnh có tỷ lệ bệnh nhân kháng thuốc cao nhất hiện nay. Việt Nam là 1 trong 27 nước trên thế giới phải chịu gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Theo thống kê của Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, năm 2014 có 40 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc, năm 2015 tăng lên 46 trường hợp (chiếm tỷ lệ 1,7% so trong tổng số các ca mắc lao đang được điều trị tại bệnh viện).
Bác sỹ Đậu Quang Minh – Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi cho biết: “Đa phần các bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc đã có tiền sử mắc bệnh lao và đã được điều trị lao ít nhất một lần. Đáng nói hơn, khi mắc lao đa kháng thuốc không chỉ để lại những hậu quả cho chính bệnh nhân tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao, mà còn tạo gánh nặng cho xã hội do thời gian điều trị kéo dài, chi phí cho việc điều trị cũng tăng lên”.
Ông Hoàng Văn Hảo - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện ở các cơ sở y tế vẫn còn khó khăn trong việc kiểm soát kháng thuốc do thiếu trang thiết bị để thực hiện các kỹ thuật kháng sinh đồ, để có thể đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.
Bên cạnh đó, công tác quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù Bộ Y tế đã có văn bản quy định danh mục thuốc kê đơn nhưng hiện nay tình trạng bán thuốc không theo đơn vẫn khá phổ biến; chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt. Vẫn còn một bộ phận thầy thuốc do trình độ và nhận thức còn hạn chế nên kê đơn không đúng với quy định. Và người dân ở nhiều vùng, miền hoặc do thói quen hoặc do trình độ dân trí còn thấp nên vẫn tự mua và dùng thuốc không theo đơn”.
Về giải pháp cho vấn đề phòng, chống kháng thuốc trong thời gian tới, theo ông Hảo, ngành Y tế xác định nâng cao nhận thức của cộng đồng là giải pháp căn cơ cho vấn đề này, đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Ngoài ra sẽ đẩy mạnh kiểm tra xử phạt hành chính các cơ sở hành nghề dược trái phép, bán thuốc không theo đơn. Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ dược sỹ lâm sàng tại các cơ sở y tế, nhằm hình thành đội ngũ tư vấn, hỗ trợ cho bác sỹ, để đưa ra đơn thuốc hợp lý.
Bên cạnh sự vào cuộc của ngành Y tế, người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc, có như vậy mới hạn chế được tình trạng kháng thuốc trong thời gian tới.
Nguyệt Minh