Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vừa cho biết đã kết thúc điều tra vụ án Nguyễn Xuân Tình (SN 1990), trú tại Cộng Hòa, Gia Lương, Gia Lộc, Hải Dương sử dụng mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, đầu tháng 1/2019, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa nhận được đơn trình báo của anh P.C.T (SN 1983), trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về việc anh bị một đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội Facebook từ tháng 4/2018.
Sự việc bắt nguồn từ chỗ, ngày 22/4/2018, anh T. vào trang “chuyên hàng nội địa Nhật” trên Facebook để tìm mua tủ lạnh cũ sử dụng thì thấy một tài khoản tên “Quang Anh” rao bán chiếc lủ lạnh rất đẹp. Sau khi anh T. gọi vào số điện thoại của chủ nhân thì được báo giá 25 triệu đồng, sau đó hai bên thỏa thuận còn 20 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu anh T. đặt cọc trước 4,8 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Xuân Tình thì mới ship “hàng”.
Tin tưởng, anh T. làm theo, song khi giao dịch chuyển tiền thành công thì Facebook “Quang Anh” kia lập tức chặn liên lạc với Facebook của anh T. Số điện thoại cũng bị chặn không thể gọi được... Biết mình bị lừa vố đau nhưng do bận công việc nên mãi 8 tháng sau anh T. mới viết đơn trình báo gửi tới cơ quan Công an. Vào cuộc điều tra, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Đống Đa đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để lần ra manh mối của người mang tên Nguyễn Xuân Tình, đồng thời triệu tập đối tượng lên làm việc.
Ngày 8/1/2019, Tình có mặt tại trụ sở Công an quận Đống Đa làm việc, thừa nhận hành vi của mình. Thủ đoạn của đối tượng là tải những hình ảnh hàng điện tử, điện lạnh lung linh ở trên mạng về rồi đăng bài rao bán trên mạng xã hội Facebook và Zalo để nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách mua hàng. Tức là rao bán hàng “ảo” chứ thực chất Tình không hề có mặt hàng nào để bán.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Nguyễn Xuân Tình còn thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác từ trước đó cho đến tháng 9/2018. Nếu không bị cơ quan Công an phát hiện, ngăn chặn thì rất có thể còn nhiều người khác mắc bẫy của đối tượng.
Chẳng hạn, ngày 26/3/2018, cũng với tài khoản “Quang Anh”, Tình đăng bài rao bán lô điều hòa trong trang “Hàng bãi Nhật Hàn” thì được anh H.T.L (SN 1982), trú Thanh Chương, Nghệ An đặt mua 2 lô hàng điều hòa gồm các hãng Daikin, Panasonic, Fujitsu với tổng cộng 400 chiếc. Thấy “cá cắn câu” với lô hàng khủng, Tình mạnh dạn báo giá 300 triệu đồng, yêu cầu anh L. chuyển khoản trước 30 triệu đặt cọc. Trong các ngày 27/3/2018 đến 3/4/2018, nạn nhân đã chuyển khoản đủ số tiền 30 triệu đồng cho Tình. Sau khi nhận được tiền, ngay lập tức đối tượng đã chặn liên lạc với Facebook của anh L.
Cũng với thủ đoạn như trên, ngày 12/5/2018, Tình đã lừa đảo chiếm đoạt của anh H.D.T (SN 1992), trú Yên Mỹ, Hưng Yên 2 triệu đồng “đặt cọc” mua máy giặt; ngày 15/5/2018 đã chiếm đoạt của anh N.V.T (SN 1985), trú Gia Lâm, Hà Nội 2 triệu đồng “đặt cọc” mua máy giặt. Sau mỗi lần lừa thành công một người, Nguyễn Xuân Tình đổi tên Facebook, Zalo để tránh bị phát hiện, theo dõi.
Đối tượng cũng chuyển đổi đa dạng các mặt hàng từ máy giặt sang tủ lạnh, điều hòa... Thậm chí là nhờ một người bạn tên Đ. ở Quy Nhơn cho mượn số tài khoản để nhận tiền lừa đảo. Ngày 15/6/2018, Tình lừa anh N.A.N (SN 1972), trú Thanh Trì, Hà Nội mua tủ lạnh giá 10 triệu đồng, chuyển tiền vào tài khoản anh Đ. Tiếp đó, ngày 19/6/2018, đối tượng lừa anh T.V.T (SN 1976), trú Ninh Giang, Hải Dương chuyển trước 10 triệu đồng đặt cọc mua tủ lạnh và điều hòa qua tài khoản anh Đ.
Được biết, Nguyễn Xuân Tình chưa có tiền án, tiền sự, chưa vợ con, sống lang thang. Mỗi lần lừa được tiền đối tượng lại rút ra tiêu xài cá nhân, ăn chơi. Đến tháng 9/2018 hết tiền tiêu, đối tượng lại vào mạng xã hội “thả câu”. Trong hai ngày 26 và 27/9, đối tượng đã liên tiếp lừa anh V.N.T (SN 1983), trú Tam Nông, Phú Thọ và N.C.D (SN 1969), trú Hạ Long, Quảng Ninh chuyển khoản tiền đặt mua tủ lạnh, chiếm đoạt 9,5 triệu đồng.
Đặc biệt, ngày 29/9/2018, anh Đ.C.T (SN 1972), trú Hà Đông, Hà Nội đã bị Tình lừa một vố to khi đặt mua lô hàng đồ gia dụng gồm 7 tủ lạnh, 3 máy giặt, 5 nồi cơm điện, 3 bếp từ trị giá 112 triệu đồng, có tặng kèm 2 máy rửa chén. Nghĩ mua được một món hời lại còn có khuyến mãi, anh T. ngay lập tức chuyển khoản cho Tình 24 triệu đồng để đặt cọc. Ngờ đâu khi tiền trong tài khoản vừa bị trừ thì anh T. cũng mất luôn liên lạc với chủ lô hàng trên...
Một điều tra viên cho biết, hành vi lừa đảo của Tình không mới, nhưng do đối tượng từng có thời gian làm thủy thủ tàu viễn dương nên khá am hiểu thủ tục hải quan, nhập bến bãi, giao nhận hàng hóa từ tàu xuống cảng... nên khi nói chuyện với các nạn nhân thì dễ thuyết phục.
Bản thân Tình dù không nghề ngỗng gì nhưng trước đó là sinh viên Đại học Hàng hải, khá am hiểu về công nghệ thông tin nên những bức ảnh tải về trên mạng được chọn lựa, cắt ghép rất kỹ càng, hợp lý, thậm chí có ảnh chụp cán bộ hải quan đang kiểm tra hàng... từ đó tạo lòng tin, khiến nhiều bị hại mắc bẫy.
Thêm vào đó, những người đặt mua hàng của Tình thường có tâm lý ham rẻ, tin tưởng, có người mua để sử dụng nhưng cũng có người mua cả lô để bán lại kiếm lời nên khi thấy giá rẻ thì dễ dàng mắc bẫy “đặt cọc, chuyển tiền ngay”.
Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi mua hàng trên mạng, đặc biệt khi không biết chủ nhân thực sự của lô hàng thì cần hẹn gặp xem hàng rồi mới đặt cọc, tránh bị lừa tiền như những vụ việc ở trên.