Những bài học đắt giá...
Tuy tài khoản mạng xã hội như facebook, zalo, youtube, messenger… mang tính cá nhân, người dùng có thể đăng ký tự do, song việc sử dụng chúng như thế nào để vừa đảm bảo tính tương tác, vừa không vi phạm các quy định của Luật An ninh mạng là điều không phải ai cũng đã nắm rõ.
Trên thực tế đã có nhiều trường hợp, trong đó có cả cán bộ, công chức vi phạm các quy định khi sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc bị khởi tố, truy tố trước pháp luật. Ví như việc ngày 27/5/2019, Nguyễn Năng Tĩnh - giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An đã bị cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cũng trong tháng 5/2019, một vụ việc làm xôn xao dư luận liên quan các vi phạm khi sử dụng mạng xã hội cũng được nhiều tài khoản facebook chia sẻ với mục đích cảnh cáo, xem đó là bài học đắt giá cho những ai còn thiếu hiểu biết khi sử dụng mạng xã hội.
Đó là vụ việc ông ông Lê Hữu Thuận - Trưởng Khoa Lý luận Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh của Trường Chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh đăng tải dòng trạng thái trên facebook cá nhân những thông tin sai sự thật về sức khỏe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức Đảng, cơ quan công tác. Ngay sau đó, ông Thuận đã bị nhà trường quyết định đình chỉ các chức vụ về Đảng và chuyên môn để xử lý.
Không chỉ các cán bộ, đảng viên mà bất cứ cá nhân nào nếu sử dụng mạng xã hội gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng cũng sẽ bị xử lý nghiêm. Ví như trường hợp nam thanh niên tên là Trần Văn Thước quê Nghệ An, làm công nhân xây dựng tại huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, đã đăng video cảnh công trường xây dựng và phao tin trên facebook cá nhân tại một dự án trên địa bàn xảy ra sự cố điện giật làm 24 người tử vong. Ngay sau đó, Công an huyện Gia Lâm đã xác minh và triệu tập Trần Văn Thước để điều tra, xử lý.
Tích cực đưa Luật An ninh mạng vào cuộc sống
Năm 2018, ngay từ khi Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 5 thông qua Luật An ninh mạng, chuẩn bị cho luật có hiệu lực từ 1/1/2019, Tỉnh ủy Nghệ An đã có Kế hoạch số 147-KH/TU về công tác tuyên truyền góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, trong đó có việc tuyên truyền về Luật An ninh mạng trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Theo đó, mục đích của kế hoạch đặt ra là giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân “nhận thức đúng về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề liên quan Luật An ninh mạng”.
Ông Kha Văn Tám – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền về Luật An ninh mạng, thường xuyên đề cập các nội dung này trong các cuộc họp, hội nghị và đôn đốc cơ sở lưu ý thực hiện. Trong đó các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể như Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Nông dân… phải là những tổ chức đi đầu trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, cán bộ hội viên phải là những người tiên phong thực hiện trước.
Đồng chí Dương Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết, buổi tọa đàm đã “mở” ra nhiều cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên những hiểu biết, định hướng trong sử dụng mạng xã hội, vừa đảm bảo nhu cầu thông tin, kết nối của cá nhân, đồng thời phục vụ công tác, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức.
Từ việc nhận diện rõ mạng xã hội như “con dao” hai lưỡi, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là các bạn trẻ cần nhận thức đúng về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội; tận dụng mặt tích cực của không gian mạng để lan tỏa những việc làm tốt, phòng tránh và đấu tranh với những phần tử xấu lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng không tốt đến lợi ích của cộng đồng.