Thông qua giám sát, đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận, thời gian qua, ở cả 2 trung tâm đều triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.
Đối với Trung tâm Khuyến nông, đã giải thể Trạm thực nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp Mường Lống, tinh giản 11 biên chế. Trung tâm Giống cây trồng giảm được 1 biên chế.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở 2 trung tâm này là số hợp đồng diện thu hút theo chính sách thu hút nguồn chất lượng cao của tỉnh, giai đoạn 2003 - 2012 còn nhiều. Cụ thể ở Trung tâm Khuyến nông có 12 người và Trung tâm Giống cây trồng là 17 người.
Theo lãnh đạo của 2 đơn vị, số hợp đồng thu hút nêu trên đều có thời gian làm việc 6 - 17 năm và hiện nay, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì việc chuyển các hợp đồng thu hút này vào biên chế càng khó khăn. Vì vậy, đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách để tuyển dụng số hợp đồng này vào biên chế.
Ông Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cũng nêu bất cập về cơ cấu đội ngũ cán bộ chuyên môn. Cụ thể hoạt động khuyến nông bao gồm nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản... Tuy nhiên, hiện nay cán bộ kỹ thuật có chuyên môn lâm nghiệp, thủy sản còn thiếu; việc tuyển dụng trong bối cảnh này hết sức khó khăn.
Trên cơ sở các vấn đề mà thành viên đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đặt ra tại cuộc làm việc, lãnh đạo 2 trung tâm cũng thừa nhận có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Rõ nhất là các trung tâm đều tham gia xây dựng mô hình trình diễn, đồng thời đều thực hiện các dịch vụ nông nghiệp thông qua đấu thầu thực hiện các dự án trên địa bàn.
Liên quan đến chủ trương sáp nhập các trung tâm, chi cục trực thuộc Sở và các trạm phục vụ nông nghiệp cấp huyện, lãnh đạo 2 đơn vị cũng đặt ra băn khoăn về mô hình quản lý sau sáp nhập không làm ảnh hưởng đến quá trình lãnh đạo, điều hành và thực hiện chức năng quản lý cũng như phục vụ, cung ứng dịch vụ nông nghiệp.
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền ghi nhận sự tích cực, trách nhiệm của các đơn vị trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và hợp đồng lao động theo quy định.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Nghệ An vẫn là tỉnh nông nghiệp với hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vì vậy các đơn vị cần quan tâm xây dựng đội ngũ, từ cán bộ quản lý đến cán bộ chuyên môn, phục vụ dịch vụ công phải có trình độ, chuyên môn và đảm bảo hợp lý về cơ cấu, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Song song với đó cần rà soát chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, bỏ sót; đặc biệt quan tâm thực hiện tốt dịch vụ đầu ra cho nông nghiệp; ứng dụng KHKT, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu thực hiện chủ trương tự chủ và chủ động các điều kiện để thực hiện sáp nhập các đơn vị theo chủ trương chung.
Chiều cùng ngày, HĐND tỉnh làm việc với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở NN&PTNT trong chương trình giám sát về công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động của đơn vị có đến tháng 4/2018 là 152 người, trong đó có 2 người hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ - CP và 15 người là lao động hợp đồng tự trang trải của đơn vị.
Trả lời câu hỏi của thành viên đoàn giám sát về số lượng hợp đồng lao động, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Tiến Đức cho hay, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của Chi cục và các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện nên trước đây đơn vị được UBND tỉnh phân bổ hợp đồng để tuyển lao động và lương do ngân sách tỉnh chi trả.
Theo báo cáo của đơn vị này, năm 2015, 2016 đều có 24 lao động hợp đồng và 2017 có 18 hợp đồng. Các lao động hợp đồng này được tuyển dụng giai đoạn từ 2006 -2013, chủ yếu phân bổ về các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị làm công tác chuyên môn thuộc Chi cục với mức lương bình quân của giai đoạn 2015 -2017 là 3 - 5 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, ông Đức cho biết, từ sau năm 2017, ngân sách tỉnh không còn bố trí để chi trả cho các hợp đồng này mà do Chi cục tự cân đối thông qua nguồn xây dựng mô hình, đề tài.
Lãnh đạo đơn vị này lý giải: Nếu chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn của cả hệ thống vì có những trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật chỉ còn 2 - 3 người, trong khi địa bàn rộng, tình hình dịch hại diễn biến phức tạp, khó lường.
Tuy nhiên, thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần “ra 2, vào 1” nên số biên chế “trống” hàng năm để tuyển các lao động hợp đồng này giảm, do vậy vẫn còn “ách” lại 15 lao động hợp đồng, tại thời điểm năm 2018.
Cũng tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đặt nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), theo đó sắp tới Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở cấp huyện sẽ chuyển giao về Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đánh giá đơn vị đã triển khai các nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ tương đối tốt.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh cho rằng, Chi cục cần kiểm tra, rà soát, đánh giá chặt chẽ hơn về Đề án vị trí việc làm, thông qua đó rà soát bộ máy, cơ cấu đảm bảo đúng quy định; đồng thời cần rà soát, xây dựng lộ trình tinh giản biên chế, đảm bảo đến năm 2021 đạt 10%.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý, Chi cục cần tham mưu, kiến nghị tỉnh xử lý số hợp đồng lao động theo đúng quy định; hàng năm cần xây dựng kế hoạch, đề xuất biên chế phù hợp cho Chi cục và hệ thống trực thuộc đảm bảo đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao…