Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) khi tham gia thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. 

ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xiv_anh_ttxvn7889981_2752019.jpgKỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Nhiều bất cập trong thực hiện chính sách đất đai đô thị
Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế liên quan đến thực hiện chính sách về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, nhất là từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực.
Đó là, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập. Một số dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa. Chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Những bất cập trong việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT).

Thống kê cho thấy, hiện nay có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2 ha.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền phản ánh, hàng loạt dự án xin điều chỉnh quy hoạch đều gặp phải sự phản đối của cộng đồng dân cư, nhưng nhiều dự án vẫn được các cơ quan chức năng hợp thức hóa cho sự điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư. Ảnh: TTXVN
Có dự án quy hoạch điều chỉnh từ 1 đến 6 lần
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) đề nghị cần đi sâu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và làm rõ năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ được giao trực tiếp trong lĩnh vực này. 

“Đâu là năng lực yếu, đâu là có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, đâu là sự buông lỏng trong công tác quản lý?” – ông Hiền đặt câu hỏi và nhấn mạnh, việc điều chỉnh quy hoạch còn diễn ra khá tùy tiện.

 

Hàng loạt dự án xin điều chỉnh quy hoạch đều gặp phải sự phản đối của cộng đồng dân cư, nhưng nhiều dự án vẫn được các cơ quan chức năng hợp thức hóa cho sự điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư. Đặc biệt là có dự án điều chỉnh nhiều lần, liên tục, có những điều chỉnh liên quan cơ cấu sử dụng đất, loại công trình trong dự án làm thay đổi lớn so với kế hoạch ban đầu, gây hệ lụy rất lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội.
Dự án Khu chung cư và biệt thự cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ ở phường Nghi Hương (TX. Cửa Lò) dang dở nhiều năm nay. Ảnh: Thanh Lê
Theo báo cáo cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 đến 6 lần đã phản ánh về chất lượng công tác quy hoạch cũng như thực trạng việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Cử tri cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch như trên là để phục vụ lợi ích nhóm của chủ đầu tư và những người có liên quan mà không quan tâm đến lợi ích của người dân.

Đại biểu cũng đề xuất Quốc hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Đất đai năm 2013, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Đặc biệt, cần kịp thời rà soát quy định hiện hành và ban hành nghị định hướng dẫn về việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng chuyển giao BT. Trên cơ sở rà soát lại các phạm vi lĩnh vực được áp dụng cơ chế này để tập trung chủ yếu cho xây dựng cơ sở hạ tầng và hạn chế việc dùng quỹ đất để thanh toán các dự án chưa thực sự cần thiết, và chưa có tính chất lan tỏa. Trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp đang sử dụng cho mục đích khác, tôi đồng tình với kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đó là cần phải kịp thời nghiên cứu và áp dụng hình thức đấu giá nhằm ngăn chặn thất thoát trong lĩnh vực này...