(Baonghean) - Doanh nghiệp ngành xây dựng là những doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất trong tình hình hiện nay. Chủ đầu tư nợ, làm không thu được tiền, trong khi đó phải vay lãi suất cao từ “tín dụng đen” khiến không ít đơn vị nhỏ đổ vỡ…
Vì giành giật nhau để có từng hợp đồng, có việc làm, không ít doanh nghiệp ngành xây dựng đã lao vào cơn lốc “ đỏ, xanh, chạy công trình, dự án” nhằm thắng thầu. Để có được tiền, không ít người phải vay nóng từ “tín dụng đen”, rồi khi có được việc làm, công trình, họ lại lao vào “cơn lốc” vay vốn: nào từ ngân hàng, từ người thân cho đến “tín dụng đen” để mua sắt, thép, xi măng, trả tiền nhân công… cho kịp tiến độ. Hiện nay, có thực trạng là nhiều doanh nghiệp lớn lại “nằm chơi, xơi nước”, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại có việc làm, đó cũng là vì các doanh nghiệp này dễ “quay trở”, linh hoạt trong “tác nghiệp”, trong khí đó doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có nhiều ban bệ, nhiều thủ tục rườm rà… Nhưng không có nghĩa là các doanh nghiệp nhỏ giàu tiềm lực, mà không ít đơn vị “tay không bắt giặc”, vay mượn tứ tung, thể hiện “chơi đẹp” khiến không ít người lầm tưởng. Để rồi, khi gặp tình hình khó khăn, họ rất dễ “bể nợ” do vay mượn quá nhiều với lãi suất cao ngất, 1 triệu đồng trả ngày 3-4 ngàn đồng, có khi 5 ngàn đồng mà vẫn phải vay để “đáo nợ” ngân hàng, để trả ông A, ông B… Trong khi đó công việc làm xong không được thanh toán.
Một doanh nghiệp xây dựng vừa bị vỡ nợ phải bán nhà
(chụp ở Nghi Phú - TP. Vinh)
Mới đây, một doanh nghiệp xây dựng ở Nghi Phú (Công ty S.T) đã phải bán nhà, bán đất vì vỡ nợ, mãi đến ngày cuối dọn đi hàng xóm mới biết. Nghe nói anh ta đã mất khả năng thanh toán với cả ngân hàng lẫn khách hàng cả chục tỷ đồng. Khổ nỗi bán đất, nhà vào thời điểm nhà đất “đóng băng” thì thật là xót. Trong lúc đó, công trình anh thi công từ 2008 vẫn chưa được thanh toán. Một doanh nghiệp xây dựng ở Nghi Lộc thi công trụ sở cho siêu thị điện máy C.K, nay siêu thị này bị cháy, cũng không biết đòi nợ thế nào, trong lúc đó chủ doanh nghiệp ngày ngày phải vay tín dụng đen 1 triệu/ 5 ngàn đồng, lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất. Doanh nghiệp Th. Lợi thì vỡ nợ vì lý do khác, doanh nghiệp này “ôm” quá nhiều đất của một số chủ đầu tư vào lúc thị trường đất đang sốt, nay không bán được, trong lúc đó tiền vay chủ yếu không phải từ ngân hàng…
Do không vay được vốn từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp xây dựng và các doanh nghiệp khác đã phải vay vốn từ “tín dụng đen”. Đây là một hoạt động kinh doanh tiền nằm ngoài ngân hàng mà nhà nước không kiểm soát được vì thủ tục cho vay quá đơn giản, chỉ cần chứng minh thư, biết nhau và biết nơi ở của người vay, có khi không cần thế chấp. Vay dễ nhưng trả thì khó, bởi sự gia tăng chóng mặt đến kinh hoàng của các món nợ, người vay không biết làm gì ra tiền để trả nợ, trong khi họ lại đang rất “khát vốn”. Thời gian gần đây, nhiều vụ đổ vỡ tín dụng đen do mất khả năng thanh toán từ các “đầu mối” ở các thành phố lớn, nên lan nhanh ra các tỉnh. Đặc điểm là nếu trong dây chuyền của “tín dụng đen”, họ có thể cứu nhau, nhưng với khách hàng không thể “chạy nợ”, vì đa số “tín dụng đen” có người chuyên đi đòi nợ, đòi bằng mọi cách, khiến các cơn nợ mất ăn, mất ngủ, chỉ có bán nhà trả nợ.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng bị nợ đọng thuế đến nay vẫn còn nợ hàng tỷ đồng mà không biết lấy đâu thanh toán. Nợ thuế cũng có lãi suất bằng lãi suất ngân hàng, bên cạnh đó, dịp cuối năm, các ngân hàng ráo riết đòi nợ, các chủ nợ vật tư cũng nóng ruột đòi, các doanh nghiệp đã khó càng thêm khó… Trong 9 tháng đầu năm, đã có 508 doanh nghiệp Nghệ An xin đóng mã số thuế và 1.600 doanh nghiệp xin tạm đóng, trong đó có không ít là các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Chính phủ vẫn chưa dừng các chính sách chống lạm phát, vẫn cắt giảm đầu tư công. Không chỉ các doanh nghiệp xây lắp, các doanh nghiệp đầu tư các khu đô thị, khu nhà ở cũng đang rất khó khăn do không bán được hàng. Nhiều doanh nghiệp đang thi công dở dang các công trình giao thông ở Tân Kỳ, Con Cuông, Kỳ Sơn, Diễn Châu đành dừng lại.
Dân kêu, dân khổ cũng đành chịu, vì không có vốn. Sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp thật đáng tiếc, nhưng cũng cho thấy thị trường thật nghiệt ngã, và cái gì đến dễ dàng thì cũng dễ ra đi…