(Baonghean) - Được sự giúp đỡ của hội LHPN Trung ương, Dự án “thúc đẩy quyền người cao tuổi thiệt thòi ở Việt Nam” (Dự án nước ngoài, viết tắt là VIE 022) tại Nghệ An được triển khai tại 4 huyện Nghi Lộc, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, do các ban đại diện người cao tuổi (NCT) từng địa phương đảm nhiệm. Tại Nam Đàn, dưới hình thức các câu lạc bộ “tự giúp nhau”, phong trào đã phát huy hiệu quả rộng lớn.
Sau khi khảo sát địa bàn, thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý dự án từ huyện xuống xã, tháng 7/2010, Hội NCT huyện Nam Đàn đã chọn ra 5 xã nghèo thành lập 10 CLB “tự giúp nhau”, thu hút 500 thành viên tham gia. Đối tượng gồm 70% hộ nghèo và cận nghèo, 70% là phụ nữ, 70% từ 55-80 tuổi , 30% trẻ tuổi, 30% là nam giới, 30% hộ khá giả. Cơ chế hoạt động các CLB tập trung vào 5 nội dung: nâng cao nhận thức, kiến thức cho các thành viên về KHKT trong sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hoạt động tình nguyện viên qua kênh tập thể và hoạt động cộng đồng. Trong đó, hoạt động sản xuất tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo được xem là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm. Mỗi CLB sẽ được hỗ trợ 100 triệu để cho các thành viên vay với mục đích hoạt động tăng thu nhập.
Nhờ được hỗ trợ vay vốn, các thành viên CLB “tự giúp nhau” ở Xuân Lâm phát triển tốt chăn nuôi trâu bò vỗ béo.
Chị Phan Thị Hoa - thành viên CLB 9 , xóm 3, Xuân Lâm, phấn khởi: Gia đình tôi trước tính bán con lợn nái trong nhà để mua xe bò lốp làm sức kéo, nhưng được hội NCT tạo điều kiện cho vay 3 triệu từ dự án nên có tiền mua xe và phát triển nuôi lợn đến tuổi sinh sản. Đến nay, sau hơn một năm, gia đình đã có xuất bán 2 lứa lợn con với số lượng 20 con, thu lãi gần 10 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, hàng tháng đã tiết kiệm từ 20 - 50 ngàn theo chủ trương của CLB để tạo quỹ cùng các thành viên, giúp cho các hội viên nghèo khác chưa được vay vốn từ dự án để phát triển sản xuất chăn nuôi . Ông Nguyễn Thụy Thủy - Chủ nhiệm CLB 9, xóm 3, Xuân Lâm, cho biết: CLB 9 hiện tập trung thu hút 70% đối tượng là người cao tuổi, 70% là các cụ bà, 30% là các cụ ông, 70% là hộ nghèo và cận nghèo trong xóm.
Do điều kiện tự nhiên và truyền thống tại Xuân Lâm rất thuận lợi để phát triển phong trào nuôi bò vỗ béo và chăn nuôi lợn sinh sản, sau khi được tiếp nhận nguồn vốn 60 triệu từ dự án, CLB đã giải quyết cho 23 hộ nghèo vay để đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi. Đến nay CLB có gần 4 triệu đồng quỹ để duy trì hoạt động của CLB, 2,6 triệu từ tiền tiết kiệm các cá nhân, hỗ trợ 2 thành viên trong CLB chưa có cơ hội vay vốn. Hiện tại trong CLB 9, nhà nào cũng chăn nuôi trâu bò vỗ béo và lợn nái sinh sản. Nhà nhiều nhất có tới 4 đến 5 con bò, 2-3 con lợn nái, 10 đến 15 con lợn thịt. Một số thành viên nhờ chăn nuôi, có thêm điều kiện mở rộng hoạt động dịch vụ, mua bán nông sản, điển hình như cụ Nguyễn Thị Cháu, cụ Lưu Thị Loan...
Ông Nguyễn Mạnh Tuyên - Trưởng ban đại diện hội NCT huyện Nam Đàn cho biết: sau hơn một năm triển khai hoạt động, 10 CLB “tự giúp nhau” sinh hoạt được 15 kỳ, mỗi tháng 1 lần. Các hoạt động tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh trong phương châm hoạt động chung của các CLB. Các thành viên được tổ chức thông qua đồng vốn tự huy động của mình và sự hỗ trợ vốn của dự án. Đến nay, dự án đã hỗ trợ 3 đợt với tổng số vốn 600 triệu đồng, tương đương mỗi CLB 60 triệu. Có trên 200 thành viên tham gia vay vốn (đạt 42% so với tổng số thành viên CLB). Đặc biệt, trong lúc chờ nguồn bổ sung từ dự án, Ban chủ nhiệm các CLB đã huy động tiền lãi tiết kiệm gần 30 triệu đồng, cho 10 hộ thành viên nghèo vay để phát triển các mô hình chăn nuôi. Đây là nguồn vốn tự giúp nhau của các thành viên CLB. Điều đáng nghi nhận là các thành viên hoạt động có hiệu quả để tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều thành viên thu nhập giỏi và khá. Điển hình như mô hình nuôi gà nhốt chuồng tại CLB 3 xã Nam Lĩnh, mô hình nuôi chim câu nhốt ở CLB 2 xã Nam Thanh...
Ông Nguyễn Mạnh Tuyên cho biết thêm: Do nguồn vốn tài trợ từ dự án VIE 022 được đưa về tận các CLB theo phương thức rải vốn, phân tán (60 triệu chia làm 3 lần/CLB ) nên rất khó khăn trong việc triển khai vì có nhiều thành viên đều mong được vay.
Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tiếp cận kiến thức KHKT trong sản xuất chăn nuôi bằng các mô hình cho các thành viên vay vốn, các cấp hội mong nhận được sự quan tâm kịp thời từ phía dự án để các CLB có thể đảm bảo được vay vốn 30 hộ/ CLB, có thêm điều kiện mới trong cho vay từ nguồn vốn tự giúp nhau, mỗi CLB giải quyết được thêm cho 10 hộ vay.