(Baonghean) - Qua nhiều thập kỷ đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, đến nay tỉnh ta có trên 700 hồ chứa nước lớn nhỏ, là tỉnh có số lượng hồ chứa nước nhiều nhất cả nước. Do đặc điểm địa hình, huyện Đô Lương có 45 hồ nằm trên 21 xã, chỉ 1 hồ do doanh nghiệp quản lý, còn lại do xã, HTX quản lý.

Hồ chứa nước Bàu Nại ở xã Mỹ Sơn do xã quản lý, hồ có năng lực tưới hàng năm 60 ha trong đó vụ đông xuân 30 ha, vụ hè thu 10 ha và vụ mùa 20 ha.

Vậy nhưng, vào đầu tháng 3/2012 đang trong mùa mở nước tưới, mái hạ lưu đập đã có hiện tượng rò nước. UBND huyện Đô Lương lập tức báo cáo Sở NT& PTNT và Chi cục Thủy lợi. Nhận tin báo cán bộ Sở Nông nghiệp đã đến hiện trường trực tiếp xử lý. Về tinh thần trách nhiệm trước sự việc rò nước mái hạ lưu hồ chứa nước Bàu Nại huyện Đô Lương là đáng trân trọng.

Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là ngoài huyện Đô Lương đến nay 6 huyện, thành, thị khác ở tỉnh ta không có một cán bộ thủy lợi nào trong phòng NN&PTNT (trước khi nhập ngành ở tất cả các huyện, thành đều có phòng Thủy lợi với 3-6 cán bộ trung cao cấp thủy lợi).

Trong khi đó phân cấp công tác thủy lợi, phòng chống bão lụt cho cấp huyện ngày càng nặng nề. Giá như trong mùa bão lụt, đê sông, đê biển và các hồ chứa nước khác xuất hiện lỗ rò thì có bao nhiêu lãnh đạo sở để đi xử lý! Đó là chưa nói đến hiện nay hàng năm có tới hàng trăm tỷ đồng nhà nước cấp bù thủy lợi phí cho xã, HTX với các huyện không có cán bộ chuyên môn tham mưu thì hiệu quả ra sao. Riêng tiền cấp bù thủy lợi phí cho hồ Bàu Nại nếu được sử dụng kịp thời vào duy tu sửa chữa chắc không phải từ cái sảy nảy cái ung.


Phải chăng đây là bài học chung cho công tác quản lý công trình thủy lợi nói chung trong đó có các hồ chứa nước nói riêng ở tỉnh ta.


Quang Hòa