(Baonghean) - Nghệ An có gần 884.000 ha rừng, trong đó đất có rừng trồng gần 149.460 ha. Năm 2011, độ che phủ rừng của tỉnh đạt hơn 53%. Nhiều khu rừng liền vùng, liền giải hàng ngàn ha giữa các xã, huyện của tỉnh và có vùng tiếp giáp với Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Điều đó đặt ra cho Ban chỉ huy (BCH) các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng, chống, chữa cháy rừng (PCCCR) tỉnh và huyện phải đặc biêt quan tâm.

 

Để làm tốt công tác này, ngay từ đầu năm, Văn phòng Thường trực BCH tham mưu cho UBND tỉnh, huyện triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp bảo vệ rừng và PCCCR theo phương án đã phê duyệt của chính quyền các cấp. Năm 2011, tỉnh và 20 huyện, thành phố, thị xã thành lập được 345 Ban chỉ huy PCCCR các cấp, trong đó 1 BCH cấp tỉnh, 20 BCH cấp huyện và 325 BCH cấp xã và chủ rừng. Cùng với đó, hơn 1.920 tổ, đội quần chúng chữa cháy rừng ở cơ sơ thôn, bản, chủ rừng với gần 22.200 thành viên tham gia. Nòng cốt cho lực lượng này là các đội kiểm lâm cơ động, dân quân tự vệ và bộ đội thường trực đóng quân trên địa bàn gần rừng.

 Đi đôi với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân, các đơn vị quản lý về bảo vệ rừng và PCCC rừng, BCH tổ chức kiểm tra các đơn vị, địa phương thực hiện phương án 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); việc thực hiện chế độ thường trực, quy hoạch vùng nương rẫy và dọn thực bì; kiểm tra điều kiện an toàn ở các khu rừng trọng điểm. Ban chi huy còn chỉ đạo các địa phương tổ chức cam kết không để xảy ra cháy rừng giữa huyện với xã và chủ rừng; cam kết giữa xã, chủ rừng với thôn, bản và chủ hộ sống trong rừng và ven rừng.

Các đơn vị chủ rừng, UBND huyện Nam Đàn, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu đã ký kết hiệp đồng với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn như Trường Quân sự Quân khu 4, Lữ đoàn 144 công binh, kho K852 - Cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng... Quy chế PCCCR vùng giáp ranh các xã liền kề được hoàn thiện, nhất là ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Thanh Chương.


774720_small_73233.jpg

Lực lượng quân đội tham gia diễn tập chữa cháy rừng tại xã Hưng Tây(Hưng Nguyên).

Một số đoàn thể hưởng ứng PCCC rừng như Tỉnh đoàn đã phát động lễ ra quân PCCCR và tuyên truyền vận động toàn xã hội tham gia bảo vệ rừng, ký cam kết thi đua bảo vệ rừng (BVR). Tổ chức Đoàn Thanh niên huyện Nam Đàn cùng với hưởng ứng phong trào BVR đã tham gia dọn thực bì, nguồn vật liệu dễ cháy, làm sạch môi trưởng cảnh quan trên 100 ha rừng đặc dụng khu mộ Cụ Bà Hoàng Thị Loan thân mẫu Bác Hồ tại xã Nam Giang. Ngoài ra, các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương đã xây dựng mới 300 km đường băng cản lửa tại các khu rừng trọng điểm cháy và có hoạt động khai thác nhựa thông, đồng thời xử lý thực bì trên 2.300 ha.

Các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu xây dựng 200 km đường băng trắng bảo đảm an toàn phòng cháy trong sản xuất nương rẫy. Các chòi canh lửa được duy tu phục vụ thường trực phát hiện sớm lửa rừng như Nam Giang (Nam Đàn), Hòa Sơn (Đô Lương) và lập phương án xây dựng mới chòi canh lửa Diễn Phú (Diễn Châu). Hệ thống bể chứa nước chữa cháy rừng tại khu rừng đặc dụng Nam Giang và hệ thống phương tiện thông tin tuyên truyền tại khu rừng lâm viên Núi Quyết (Thành phố Vinh). Các đội chữa cháy và kiểm lâm cơ động được đầu tư các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác PCCCR như: quần áo bảo hộ, đèn pin, loa cầm tay, dụng cụ chữa cháy cầm tay.


Để đáp ứng yêu cầu PCCCR, năm qua, BCH phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND huyện Hưng Nguyên tổ chức diễn tập thao diễn chữa cháy rừng cấp tỉnh tại địa bàn xã Hưng Tây để rút kinh nghiệm cho toàn tỉnh về cơ chế vận hành chỉ huy chữa cháy rừng khi có nhiều lực lượng cùng tham gia chữa cháy rừng. Ngoài ra, tỉnh và huyện đã tổ chức trên 50 lớp tập huấn cho hơn 2.100 cán bộ chủ chốt tại các địa phương cấp xã, thôn, bản; lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên và các đơn vị chủ rừng nắm được tình huống, kỹ năng chỉ huy, kỹ thuật chữa cháy rừng.


Ngoài văn phòng BCH tổ chức lực lượng thường trực 24/24h để nhận thông tin, xử lý thông tin, tổ chức lực lượng chữa cháy rừng, tất cả chòi canh lửa cũng trực 24/24h để phát hiện sớm các điểm cháy như chòi Nam Giang, chòi canh Hòa Sơn (Đô Lương) và chòi canh ở Nghi Lộc. Tại những vùng rừng trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao, BCH các cấp đều bố trí lực lượng tuần tra, giám sát chặt chẽ người ra vào rừng và việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng. Nhờ vậy, năm 2011, trong tỉnh chỉ xẩy ra 6 vụ cháy, giảm 32 vụ, tương đương 84% (năm 2010 cháy gần 230 ha rừng) tại địa bàn các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và Diễn Châu. Diện tích bị cháy gần 61 ha, nhưng diện tích có rừng chỉ hơn 7,3ha.


Năm 2012, BCH các cấp về PCCCR tập trung thực hiện nghiêm túc Công điện số 300/CĐ-TTg ngày 6/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 16/3/2012 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên cơ sở quan tâm xây dựng lực lượng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng từ cấp tỉnh đến cơ sở huyện, xã, chủ rừng và thôn bản; thành lập Ban chỉ đạo về kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo tinh thần Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sát nhập Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR&PCCCR và Ban chỉ đạo thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Trong đó thành lập các tổ đội PCCCR tại địa bàn cơ sở; các tổ đội dân quân tự vệ tại các địa phương; lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn các huyện có rừng. Cùng với xây dựng phương án PCCCR, ký cam kết PCCCR với các đơn vị, Ban Chỉ huy PCCCR các cấp tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị cơ sở và chủ rừng nhằm vận hành có hiệu quả, đồng bộ các biện pháp PCCCR. BCH các cấp coi trọng công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và toàn xã hội về nghĩa vụ và trách nhiệm trong bảo vệ rừng và PCCCR.


P.N