P.V: Năm 2019 này là năm thứ 3 liên tiếp, những kết quả hoạt động của ngành Du lịch Nghệ An được bình chọn vào 10 con số, sự kiện nổi bật về chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Ông có thể nói gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Năm 2019, hoạt động du lịch Nghệ An tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, các điểm du lịch trong tỉnh ngày càng thu hút nhiều du khách. Ước tính cả năm, toàn tỉnh đón khoảng 6,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó 4,7 triệu lượt khách lưu trú, tăng 9,5%; khách quốc tế ước đạt 145.000 lượt, tăng 12,6%; tổng thu du lịch ước đạt 8.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu các dịch vụ du lịch ước đạt 4.580 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018...

bna_dulich_v3036431381_812020.jpg

Những kết quả đang thể hiện rõ, trong những năm gần đây, du lịch Nghệ An “được mùa” một cách bền vững. Bền vững ở chỗ, mặc dù gặp những khó khăn nhất định cả về thời tiết lẫn khủng hoảng kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới ảnh hưởng tới sự phát triển của du lịch, song hệ thống môi trường du lịch của Nghệ An vẫn ổn định để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Du lịch Nghệ An đang có tốc độ tăng trưởng khá yên tâm với mức tăng mỗi năm là 10% lượng khách, trên 20% doanh thu.

Tuy vậy, thời gian tới, để du lịch Nghệ An tiếp tục giữ vững và phát huy tốc độ tăng trưởng cao là khá khó khăn khi mà sản phẩm du lịch của Nghệ An chưa phải là sản phẩm nổi trội để thu hút khách. Chính vì vậy, Nghệ An cần phải quan tâm xây dựng hệ thống sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của du khách thì mới mong có được những “mùa vụ” tốt.

Du khách nước ngoài trải nghiệm cánh đồng hoa hướng dương. Ảnh: Duy Sơn

P.V: Như ông nói thì thời gian tới du lịch Nghệ An sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và nguy cơ tụt hậu trong cạnh tranh?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Tiềm năng du lịch Nghệ An rất lớn song khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Khó khăn, thách thức thứ nhất là đầu tư phát triển du lịch đang là một xu thế của thế giới. Hiện nay có rất nhiều nước trên thế giới có sự đầu tư quảng bá xúc tiến cho du lịch tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Tương tự, các tỉnh trong khu vực cũng có sự đầu tư tốt hơn Nghệ An rất nhiều, nhất là kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Đơn cử với tỉnh Thanh Hóa kinh phí sự nghiệp dành cho du lịch là 35 tỷ đồng/năm; tỉnh Hà Tĩnh là 15 tỷ đồng/năm... Trong khi kinh phí sự nghiệp dành cho du lịch Nghệ An là 6 - 7 tỷ đồng/năm.

Khó khăn thứ hai chính là tính cách của người Nghệ An không phải là điểm cộng trong phát triển du lịch, trong việc tiếp cận với du khách nội địa và quốc tế. Khó khăn thứ ba là Nghệ An chưa thu hút được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, chiến lược vào đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng riêng của Nghệ An. Nếu nhìn sang các tỉnh khác trong khu vực chúng ta mới thấy được sự hạn chế về sản phẩm của tỉnh.

Kết quả du lịch 3 năm qua chỉ mới mang tính bản lề để mở ra một chương phát triển mới. Để du lịch tiếp tục có bước tăng trưởng cao, chúng ta cần phải quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, từ giao thông bến cảng, nhà ga, hệ thống cơ sở lưu trú, hệ thống y tế, hệ thống kho bãi cho đến hệ thống dịch vụ du khách; phải cải thiện nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Chúng ta cũng cần quan tâm đến việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với du lịch. Ngành du lịch nằm trong xu thế phát triển nóng, nếu các cơ chế chính sách, chủ trương pháp luật nhà nước không được tăng cường, đổi mới thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Và cuối cùng, chúng ta phải cải cách hành chính một cách thật sự để Nghệ An trở thành môi trường thông thoáng, rộng đẹp, phù hợp pháp luật; để các nhà đầu tư vào đầu tư sản phẩm mới, chất lượng, thay đổi cục diện hiện tại của Nghệ An. Theo cam kết đầu tư thì một số khu du lịch như Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến của Tập đoàn FLC đáng lẽ khởi công từ rất lâu rồi song đến bây giờ vẫn chưa được thực hiện.

P.V: Sự “chậm” cải cách hành chính phải chăng là biểu hiện một số địa phương vẫn “thụ động” trong phát triển du lịch? Ngoài những hạn chế ông nêu thì có một điều “dở” khác là các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh vẫn đưa người trong tỉnh đi nhiều hơn là đưa khách tỉnh khác về địa phương mình?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Thực chất, du lịch vẫn là một ngành mới. Hiện nay, nhiều địa phương cũng rất muốn thu hút các nhà đầu tư về để phát triển du lịch song lại chưa hiểu nhiều về ngành du lịch. Trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã 3 lần nhắc lại định nghĩa ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, tính liên vùng, tính xã hội hóa cao và tính văn hóa sâu sắc chính là có ý nhắc nhở điều này.

Nhiều địa phương vẫn thường “nói” du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng thực tế họ vẫn đang xem là một ngành văn hóa nhiều hơn là ngành kinh tế. Cho nên xuất hiện những sự “chậm” hay “thụ động” cũng là một điều dễ hiểu... Rõ ràng, chúng ta cần phải quán triệt lại tinh thần Nghị quyết 08 một cách sâu sắc, đổi mới tư duy để làm du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khi 1 triệu khách vào thì chúng ta không chỉ được 1 triệu tiền lưu trú mà thêm nhiều triệu khác từ tiền bán thực phẩm, tiền vận chuyển.

Còn câu chuyện doanh nghiệp lữ hành đưa khách đi nhiều, đưa khách về ít là rất phổ biến và dễ hiểu trong du lịch. Các doanh nghiệp ở các tỉnh khác cũng vậy. Từ điều này, rõ ràng chúng ta phải quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác du lịch một cách tích cực để mọi người biết tới Nghệ An nhiều hơn.

Thời gian qua chúng ta đã tổ chức nhiều chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa bàn trọng điểm du lịch: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Lâm Đồng, Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh Bắc Trung Bộ và các doanh nghiệp du lịch hàng đầu như: Saigontourist, Vietravel, Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội. Sự hợp tác liên kết này đã cho kết quả tốt, đơn cử với Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội mỗi năm vẫn đưa trên 1 triệu khách về với Cửa Lò. Hay như sau khi ký kết với Saigontourist thì doanh nghiệp này ngay lập tức tổ chức 1 đoàn du khách trên 2.000 người về với Nghệ An và trong năm 2019 vừa qua thì có hàng chục đoàn như vậy.

P.V: Năm mới đã đến, mùa Xuân đã về. Đây cũng chính là mùa du lịch tâm linh, rất nhiều du khách sẽ về Nghệ An hành hương. Với tư cách là nhà quản lý du lịch, ông muốn nói điều gì với các ngành hay với địa phương sở hữu di tích không?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Kho tàng văn hóa và tín ngưỡng phong phú tạo nên cốt cách và bản sắc của dân tộc Việt Nam, vùng miền đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách, trong đó chủ yếu là du lịch tâm linh. Nghệ An hiện sở hữu tới 2.602 di tích lịch sử văn hóa cộng thêm hàng chục lễ hội dân gian lớn nhỏ. Điều này cho thấy du lịch tâm linh ở tỉnh ta có tiềm năng rất lớn. Vấn đề cần đặt ra là chúng ta phải làm sao khai thác hiệu quả, đúng quy định mà không làm mất đi bản sắc tốt đẹp vốn có của nó, bởi vấn đề tâm linh luôn là một lĩnh vực rất nhạy cảm và nhiều khi dễ bị lợi dụng vào các mục đích xấu.

Để du lịch tâm linh phát huy hiệu quả, hằng năm ngành du lịch đã có các văn bản gửi cho các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch với những yêu cầu đảm bảo môi trường, an ninh trật tự, an toàn cho du khách khi về Nghệ An. Các địa phương cần thực hiện tốt các vấn đề này. Các ngành khi thấy các biểu hiện mặt chưa đẹp của du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh nên đứng ra giải quyết vấn đề trong phạm vi của mình, có ý kiến tham mưu cho các địa phương để xử lý, nhằm xây dựng một môi trường xã hội tốt hơn để du khách về với Nghệ An nhận thấy được tinh thần mến khách, đi rồi còn quay lại nhiều lần nữa... Các địa phương sở hữu di tích cũng nên đầu tư tìm tòi những giá trị tốt đẹp của di tích, thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá về giá trị đó, chắc chắn di tích sẽ trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh.

P.V: Xin cảm ơn ông!