Dù đã trở lại “trạng thái bình thường mới” cả tháng nay nhưngtuyến phố thời trang Nguyễn Văn Cừvẫn đìu hiu, vắng vẻ. Các shop thời trang trưng biển “Khuyến mãi sốc, giảm giá khủng”, “Mua 1 tặng 1”, “Thanh lý cửa hàng”… nhưng vẫn ế ẩm.
Chị Nguyễn Mỹ Dung, chủ một cửa hàng thời trang thiết kế chuyên dành cho nữ cho biết: “Đóng cửa thời gian dài, hàng Hè ế giảm giá đã đành, nay vừa nhập hàng Thu - Đông về cũng bán rất sát giá, còn chấp nhận khuyến mãi, mua hàng Đông tặng kèm hàng Hè hoặc quà tặng khác nhưng khách mua hàng rất ít, chỉ bằng 20-30% so với các năm trước”.
Thậm chí, có nhiều hãng thời trang có thương hiệu giảm giá sâulên mức 70-80% nhằm hút khách nhưng doanh thu vẫn không cải thiện. Chị Nguyễn Thúy Quỳnh, nhân viên một hãng thời trang ở 273 Nguyễn Văn Cừ cho biết: “Nhiều sản phẩm mới được giảm giá kịch sàn, ngang giá vốn nhưng vẫn khó bán. Có nhiều mẫu sản phẩm giá niêm yết lên đến cả triệu đồng nhưng giờ sau giảm giá chỉ còn vài trăm ngàn nhưng cũng ít người mua”.
Ngoài ra, các hãng thời trang, các chủ shop đã liên tục cập nhật mẫu mới kèm theo chương trình giảm giá, khuyến mãi lên Fan Page, Facebook, Zalo để tiếp cận khách hàng. Anh Võ Quang, chủ một cửa hàng thời trang nam trên đường Kim Đồng cho biết: “Bỏ tiền chạy quảng cáo trên mạng xã hội những mong sẽ hút khách vào tham khảo, lựa chọn mẫu mã hoặc đến cửa hàng xem trực tiếp song sau 2 tuần thử nghiệm thì lượng hàng bán ra rất khiêm tốn”.
Bình thường, các cửa hàng thời trang chỉ giảm giá một số mặt hàng đã lỗi mốt, đã “qua mùa” nhưng nay, bất kể hàng mới hay hàng cũ đều có chương trình sale với mức giảm sâu từ 30-80%. Trong đó, có nhiều mặt hàng giảm sâu, chủ cửa hàng chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn song vẫn khó tiêu thụ.
Không chỉ quần áo người lớn mà thời trang trẻ em cũng đìu hiu, ế ẩm. Từ các chợ sỉ như chợ Vinh, chợ Ga Vinh, các đình chợ lớn hàng bình dân đến các shop cao cấp ở đường Hồng Bàng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Văn Cừ… đều ế ẩm dù đã đua nhau giảm giá, hạ giá “sập sàn”.
Chị Hoàng Quỳnh Anh, một khách hàng cho biết: “Thật ra, dịch bệnh nên không có nhu cầu đi đây, đi đó, làm việc cũng chủ yếu là online; con cái thì học online, không đến trường, không đi chơi nên cũng không có nhu cầu mua sắm áo quần. Với lại, do dịch nên thu nhập giảm, các khoản chi tiêu không thiết yếu được thắt chặt, chỉ có giao mùa này thì bổ sung thêm ít áo quần ấm đã quá chật, quá cũ cho con thôi”.
Thời điểm dịch bệnh phức tạp, nắm được tâm lý người dân hạn chế đi lại, hầu hết các cửa hàng đều tập trung vào bán hàng online. Trên mạng xã hội, các chủ shop liên tục đăng bài, livestream về chương trình, sản phẩm giảm giá nhưng đơn hàng cũng khá ít ỏi. Trong khi đó, đặc thù của ngành hàng thời trang là chạy theo mốt, theo mùa, theo thời điểm, ế ẩm không những tồn đọng vốn mà còn lỗi mốt, tồn kho, thua lỗ nặng.
Trước thực tế đó, nhiều cửa hàng thời trang trước đây chuyên nhập các loại trang phục dạ hội, đám cưới, dã ngoại… thì nay chuyển sang các mã hàng mặc nhà, công sở sát với nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời chọn cách chuyển cửa hàng về các địa điểm có giá cho thuê mặt bằng ít hơn, cắt giảm nhân viên cửa hàng, đẩy mạnh bán online giảm chi phí để cầm cự.