10 tháng đầu năm nay, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tín dụng chính sách tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Chi nhánh Nghệ An được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ghi nhận, đánh giá cao, là 1 trong 15 chi nhánh của cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... Từ nguồn vốn vay NHCSXH, nhiều sản vật mang đặc sản của Nghệ An tiếp tục được đầu tư phát triển; Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trong ảnh: Niềm vui của chủ vườn cam Xã Đoài lòng vàng ở Nông trường Bãi Phủ, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Quang An Hiện tổng nguồn vốn chính sách của Nghệ An đạt gần 10.000 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đạt doanh số cao nhất, với trên 640 tỷ đồng. Nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất ưu đãi từ NHCSXH để chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất và kinh doanh. Trong ảnh: Nông dân Diễn Châu thu hoạch tôm. Ảnh: Quang An Làng nghề làm bánh đa thủ công truyền thống Trung Yên ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) có 32 hộ sản xuất. Đây là làng nghề có từ rất lâu đời, theo nhẩm tính của các bậc cao niên thì làng nghề này đã có cách đây từ cả trăm năm trước. Đời ông, đời cha đã làm nghề này và được các thế hệ con cháu sau này tiếp nối. Hiện nay nhiều hộ được vay vốn chính sách để làm nghề. Ảnh tư liệu Trần Cảnh Yên Trang trại chăn nuôi gà vịt của anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Từ 100 triệu đồng vay của chương trình hộ mới thoát nghèo do Hội Nông dân quản lý, anh Hùng đầu tư chuồng trại con giống, chăn nuôi hiệu quả. Ảnh: Thu Huyền Cũng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, gia đình bà Trần Thị Trung (67 tuổi) vay 100 triệu đồng vốn thoát nghèo đầu tư trang trại diện tích 4 ha ở xóm 5, xã Nam Giang (Nam Đàn). Vườn cây ăn quả gồm bưởi hồng, vải, nhãn, đu đủ... quanh năm cho quả ngọt. Cùng với chăn nuôi gà lợn, đào ao thả cá, trang trại theo mô hình VAC của vợ chồng bà Trung cung cấp thực phẩm sạch, an toàn phục vụ du lịch sinh thái khu vực Eo Gió. Ảnh: Thu Huyền Không chỉ cung cấp nguồn vốn sản xuất chăn nuôi, nguồn vốn NHCSXH còn giúp nhiều đối tượng chính sách đầu tư kinh doanh dịch vụ, tạo kênh phân phối phục vụ dân sinh hiệu quả. Trong ảnh: Hộ chị Lê Thị Hằng thuộc tổ vay vốn 4B xóm 13, xã Nam Giang, Nam Đàn vay 100 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm để đầu tư kinh doanh hàng tạp hóa. Ảnh: Quang An Nhiều hộ vay vốn NHCSXH kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Thu Huyền Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An luôn tăng cường thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quang An Thời gian tới, NHCSXH chi nhánh Nghệ An tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng, đảm bảo nguồn vốn kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng để nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Trong ảnh: Hội viên tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp xem thông tin vay vốn tại trụ sở UBND xã. Ảnh: Thu Huyền