(Baonghean) - Sau một thời gian hoạt động sôi nổi, phong trào hát dân ca ví, giặm ở một số địa phương trong tỉnh dường như đang lắng lại. 

CLB dân ca xã Khánh Sơn (Nam Đàn) thành lập năm 2013, mỗi kỳ liên hoan dân ca ví, giặm các cấp, tuy vẫn tham gia đầy đủ, nhưng sinh hoạt thường kỳ thì gần như bị rơi vào quên lãng. Anh Hà Quang Đức - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Hiện CLB có khoảng 25 thành viên, chủ yếu là nông dân, họ thường đi làm nhiều nghề phụ khác nhau, do đó, việc duy trì sinh hoạt CLB thường xuyên là vô cùng khó khăn, có khi mấy tháng cũng chưa sinh hoạt được buổi nào.

Chỉ những lúc có liên hoan, hội diễn, CLB mới quy tụ được anh em, bỏ công sức tập luyện một thời gian ngắn rồi đi tranh tài. CLB cũng đạt được một số thành tích nhất định nhưng vẫn chưa phát huy được tiềm năng về con người, về truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương”. Hiện Nam Đàn có 6 CLB dân ca nằm ở các xã: Kim Liên, Xuân Hòa, Khánh Sơn, Nam Kim, Vân Diên, Nam Cát và nhìn chung đều hoạt động cầm chừng. 

images1869566_5b.jpgNgười dân xã Tân Sơn (Đô Lương) tập biểu diễn dân ca. Ảnh: Huy Thư

Những CLB dân ca đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn đã đành, còn một số địa phương có phong trào văn nghệ sôi nổi, phong trào hát dân ca lâu năm, có hạt nhân văn nghệ lại không thành lập được CLB.

Ở xóm 7, xã Đại Sơn (Đô Lương), đội văn nghệ của Chi hội Người cao tuổi được gọi vui là “đội văn nghệ nông dân”, sinh hoạt đều đặn hàng tuần tại nhà văn hóa xóm, đặc biệt là hát dân ca ví, giặm.

Kinh phí hoạt động của đội là tự túc, trang phục biểu diễn do các thành viên tự sưu tầm, mua sắm. Nhiệt tình với hoạt động văn nghệ là vậy nhưng bao năm nay, mong mỏi của nhân dân về việc thành lập CLB dân ca để phong trào đi vào quy củ, có sức lan tỏa vẫn chưa được như ý muốn.

Tương tự như vậy là đội văn nghệ của xã Thanh Chi (Thanh Chương), đội liên tục giành được nhiều giải cao ở các kỳ hội thi, hội diễn văn nghệ ở cụm, huyện. Đội có lực lượng diễn viên không chuyên khoảng 20 người, trong đó chủ yếu là cán bộ xã, có nghệ nhân, có người đảm nhận sáng tác, dàn dựng tất cả các chương trình, không phải thuê người ngoài, thường xuyên tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ cho bà con địa phương.

Tuy sôi nổi là vậy, nhưng ở đây vẫn chưa thành lập được CLB dân ca. Lý giải về điều này, ông Trần Đức Khiếng - cán bộ văn hóa xã Thanh Chi cho biết: “Muốn thành lập lắm, song địa phương vẫn chưa hội tụ được đầy đủ các yếu tố để hình thành CLB dân ca”.

Theo ông Nguyễn Thiện Dũng - Trưởng phòng VHTT huyện Nam Đàn, việc hoạt động cầm chừng cũng như thực tế khó thành lập CLB dân ca ở một số địa phương chủ yếu vẫn là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, kinh phí hạn hẹp. Trong đó, vấn đề kinh phí đóng vai trò vô cùng quan trọng, hầu hết các CLB hiện nay đều tự bỏ kinh phí để sinh hoạt, có sự đóng góp khiêm tốn của UBND các xã, sự ủng hộ của nhà hảo tâm, con em xa quê…

Mặt khác, cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng nhiều địa phương có phong trào, có hạt nhân văn nghệ tốt và người dân rất nhiệt tình hưởng ứng nhưng việc thành lập CLB vẫn “đóng băng”, ít nhiều là do cán bộ địa phương không năng động, linh hoạt, nhiệt tình với phong trào.

Trên địa bàn tỉnh, số lượng CLB dân ca không còn tăng nhanh như trước đây. Nửa đầu năm 2013, toàn tỉnh có 60 CLB, cuối năm 2014 là 82 CLB, cuối năm 2015 là 96 CLB, cuối năm 2016 là 98 CLB và đến đầu năm 2017 là hơn 100 CLB.

Nhiều CLB mới thành lập nhưng cũng không ít CLB đã dừng hoạt động. Trao đổi về vấn đề này, NSND Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ  chia sẻ: “Nhìn chung phong trào hát dân ca ở tỉnh ta phát triển không đều, ngoài một số vùng như TP. Vinh, Anh Sơn, Hưng Nguyên… phong trào đang nở rộ, thì ở một số địa phương khác, phong trào trở nên trầm lắng. Để tiếp tục gìn giữ và phát huy di sản dân ca, đòi hỏi chính quyền các cấp, người dân các địa phương cần quan tâm, đầu tư hơn nữa”.

Huy Thư

TIN LIÊN QUAN