Hiện đang cao điểm của nắng nóng, lượng điện năng tiêu thụ rất lớn nên vấn đề chi phí cho tiền điện luôn được mọi người quan tâm. Không thanh toán tiền điện trực tiếp với công ty điện lực, hầu hết sinh viên trên địa bàn TP.Vinh sử dụng công tơ phụ của chủ nhà trọ và phải thanh toán tiền điện cho chủ nhà trọ với giá cao ngất ngưởng. Hiện nay, giá điện tại các xóm trọ sinh viên đa phần là 3.000 đồng/kWh, cao hơn nhiều giá điện sinh hoạt chung áp dụng cho các hộ dân tại TP.Vinh. Ảnh: Quang An
Theo tìm hiểu tại hơn 10 xóm trọ sinh viên trên địa bàn phường Hưng Dũng và Bến Thủy (TP.Vinh), giá điện chủ trọ thu một giá, dao động từ 2.500 - 3.500 đồng/kWh.
Bạn Lê Văn Thành, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết: Chúng em thuê trọ 2 người, chỉ dùng đèn thắp sáng, nồi cơm, quạt, máy tính mỗi tháng cũng mất từ 150.000 - 200.000 đồng tiền điện. Trước đây chủ trọ thu với giá 2.500 đồng/kWh, nhưng sau đó nghe bảo giá điện tăng nên nay giá ở mức 3.000 đồng/kWh.
Bạn Phan Thị Hiền, sinh viên Trường Đại học Vinh chia sẻ: Hầu hết sinh viên đều không biết biểu giá điện bán lẻ theo quy định của Nhà nước, chủ nhà trọ nói bao nhiêu thì nghe bấy nhiêu. Chưa kể đến những đợt thanh toán tiền điện thì không có hóa đơn hay giấy tờ, bọn em đa phần chỉ biết "đọc số điện và thanh toán tiền".
Đề cập đến vấn đề này, một chủ trọ tại đường Phong Định Cảng cho hay: Nhà tôi có 10 phòng trọ khép kín cho thuê, lượng tiêu thụ điện năng lớn nên phải chịu mức giá ở khung cao nhất, do đó việc thu tiền điện từ 3.000 đồng/kWh đối với từng phòng cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, theo bảng giá bán điện lẻ được áp dụng trên địa bàn TP.Vinh (theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công thương) thì giá bán lẻ điện bậc thang cho mục đích sinh hoạt, cụ thể: bậc 1 từ 0 - 50 kWh là 1.549 đồng/kWh; cao nhất là bậc 6 cho mức tiêu thụ trên 401 kWh là 2.701 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chính sách giá điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở được quy định cụ thể tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc Hướng dẫn thực hiện giá bán điện. Trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) được cấp định mức hoặc áp 01 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ).
Và cũng theo quy định, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh: 1.858 đ/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Vì thế, việc quy về mức giá thu tiền điện đối với các nhà trọ sinh viên từ 3.000 đồng/kWh trở lên là quá cao so với quy định chung, gây thiệt thòi cho sinh viên.
Ông Nguyễn Phúc Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng, một trong những địa phương có nhiều nhà trọ cho thuê cho biết: Giá tiền điện thường được chủ cho thuê và người thuê thống nhất trước khi nhận phòng, do đó khó có thể kiểm soát hết được trong điều kiện ngày càng có nhiều nhà trọ mọc lên.
Hiện nay, vấn đề tự ý tăng giá điện so với quy định chung của các chủ trọ vẫn diễn ra tại các điểm trọ trên địa bàn TP.Vinh, đặc biệt là các xóm trọ sinh viên. Việc tăng giá này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sinh hoạt của sinh viên, nhất là trong mùa nắng nóng đang diễn ra vì đây là lực lượng hầu hết chưa có được thu nhập ổn định mà chủ yếu phụ thuộc vào gia đình.
Điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.