Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cung cấp cho Việt Nam kỹ thuật điều chế vắcxin tổng hợp phòng chống rubella và sởi.

798192_small_100038.jpg

Ảnh minh họa

Đây là kế hoạch nằm trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu y tế được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra hồi tháng Năm vừa qua, trong đó xác định Việt Nam là một trong những đích đến quan trọng của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực.

Kế hoạch trên sẽ được triển khai thông qua vốn viện trợ ODA, theo đó Nhật Bản sẽ phối hợp với Việt Nam đến năm 2018 xây dựng hệ thống sản xuất vắcxin cần thiết phục vụ công tác tiêm phòng bệnh ở trẻ em Việt Nam.

Theo đánh giá của Nhật Bản, Việt Nam hiện cần 2,5 triệu liều vắcxin mỗi năm để phục vụ tiêm chủng cho trẻ em. Việc hợp tác với Việt Nam cũng được đánh giá sẽ có vai trò tích cực đối với việc ngăn ngừa khả năng lây lan của các dịch bệnh này ở Nhật Bản.

Theo kế hoạch, việc phối hợp sản xuất vắcxin sẽ được thực hiện qua sự hợp tác giữa một công ty con chuyên sản xuất vắcxin của Tập đoàn Daiichi Sankyo với Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắcxin của Việt Nam. Tập đoàn này sẽ cử nhân viên nghiên cứu và kỹ thuật đến làm việc tại trung tâm trên của Việt Nam, đồng thời tiến hành nghiên cứu tại Nhật Bản việc sử dụng các công nghệ sản xuất hàng loạt các loại vắcxin này.

Tại các nước Đông Nam Á, số người mắc bệnh rubella đang tăng lên trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phần lớn các nước này không có khả năng điều chế vắcxin rubella và sởi. Nếu không đủ nguồn vắcxin nhập khẩu sẽ không thể đảm bảo được việc thực hiện chế độ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em.

Trong chiến lược ngoại giao sức khỏe quốc tế, Nhật Bản sẽ thực hiện phương hướng phối hợp với các nước nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ-trẻ em, cũng như các chính sách đối phó với bệnh truyền nhiễm ở các nước đang phát triển thông qua ODA.

Theo đánh giá của Nhật Bản, nếu xây dựng được cơ chế tin cậy về y tế với các nước đang phát triển, Nhật Bản sẽ giành được nhiều lợi ích trong việc xuất khẩu công nghệ y tế và dịch vụ sang các nước này./.


Theo (TTXVN) - L.T