(Baonghean) - Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản hồi cuối tháng 3 vừa qua đã sốc khi biết rằng 57 nước, bao gồm một số đồng minh thân thiết nhất của Mỹ, đã nộp đơn xin gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn dắt. Trong khi Trung Quốc đã đều đặn trỗi dậy, từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Mỹ đã tự thấy mình ít có khả năng can dự với châu Á hơn trước. Khoảng không chính trị đã khiến khu vực này dễ bị tổn thương trước sự bất ổn hơn. Đây chính là cơ hội để Nhật Bản trở thành một lực lượng giúp ổn định trật tự khu vực, dựa trên kinh nghiệm lâu dài và đa dạng của nước này với Mỹ và các quốc gia ASEAN. Một kênh mà Nhật Bản có thể lựa chọn để qua đó có được một vai trò đáng kể trong quá trình ra quyết định là tham gia AIIB.

Nhưng Nhật Bản sẽ bỏ lỡ cơ hội này nếu họ không rút kinh nghiệm từ những lỗi lầm đã phạm phải trong chính sách đối ngoại của mình với châu Á trong thời kỳ gọi là những thập kỷ mất mát. Vấn đề căn bản với chính sách đối ngoại của Nhật Bản là không “nghĩ lớn” và tạo ra một tầm nhìn chiến lược để định hình trật tự khu vực châu Á. Trái lại, Trung Quốc đã phát triển và thực thi một chiến lược tập trung, mở đường cho vị thế chi phối khu vực hiện nay của nước này.
 
images1181956_20150604001140923142_minihighres_400x267.jpgTổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc gặp hôm 4/6 tại Tokyo. Ảnh: AP
Trong 20 năm qua, Nhật Bản đáng lẽ có thể đóng một vai trò lớn hơn trong sự cai quản khu vực tại châu Á. Trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, Nhật Bản đã tích cực theo đuổi chủ nghĩa đa phương trong khu vực, chẳng hạn như thành lập APEC với Australia, nhưng nó đã rút lại thành ưu đãi song phương sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tại sao Nhật Bản không có khả năng đạt được điều Trung Quốc hiện nắm trong tầm tay, tức là, thiết lập một cấu trúc khu vực quy mô lớn thu hút nhiều nước trên thế giới?
 
Một lời giải đáp nằm trong chiến lược toàn diện của Trung Quốc đối với châu Á. Mang tính quyết định đối với sức mạnh của Trung Quốc trong việc theo đuổi vai trò lãnh đạo tại châu Á là chiến lược 2 mũi nhọn của nước này nhằm thành lập một thể chế kinh tế đa phương và quốc tế hóa đồng tiền của họ, hoặc làm lan rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) trong các giao dịch quốc tế. Nhất tiễn song điêu, Trung Quốc có khả năng thành lập AIIB và tận dụng nó để tăng các giao dịch thực hiện bằng đồng NDT tại châu Á.
 
Trung Quốc không chỉ nhắm vào việc quốc tế hóa đồng NDT mà còn khéo léo mô tả kế hoạch của nước này là một phần của cải cách dần dần hệ thống quốc tế thành một hệ thống dựa trên nhiều đồng tiền dự trữ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã lập luận trong một bài viết hồi năm 2009 rằng điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của thế giới vào đồng USD, vốn có phần trách nhiệm trong khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cho đến nay, điều này đã tỏ ra là một đường hướng khôn ngoan. Việc Anh quyết định tham gia AIIB cũng đem lại sự ủng hộ lớn và mang tính biểu tượng, làm tăng độ tin cậy của AIIB và đồng NDT, cho phép tiếp cận với vốn tài chính và chuyên môn của London. David Lipton, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tuyên bố hồi cuối tháng 5 rằng việc thêm đồng NDT vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) “chỉ là vấn đề thời gian”.
 
Trái lại, hoạch định chính sách tại Nhật Bản thiếu một tầm nhìn mang tính toàn cảnh và chiến lược như vậy và đã trở nên hướng nội hơn trong những năm sau khủng hoảng tài chính châu Á. Nhật Bản từng ở vị trí tương tự với Trung Quốc hiện nay, là một cường quốc kinh tế hàng đầu tại châu Á. Sau khủng hoảng, Nhật Bản đã nỗ lực tạo ra một Quỹ tiền tệ châu Á, một cơ chế đa phương trong khu vực nhằm tạo ra thanh khoản cho các nước trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tiền tệ. Nhưng đề xuất này đã thất bại, một phần là do Nhật Bản thiếu một chiến lược thuyết phục để thành lập một cấu trúc khu vực trước sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và lập trường thiếu hợp tác của Trung Quốc.
 
Ngoài việc không thành lập được một cơ chế đa phương khi còn ở đỉnh cao kinh tế vào những năm 1980 và 1990, Nhật Bản đã không tiến hành các cải cách thị trường tài chính cần thiết để đồng yen được sử dụng rộng rãi hơn trong các giao dịch toàn cầu. Sự e sợ của các nhà hoạch định chính sách về việc đánh mất quyền kiểm soát đồng yen nếu giải phóng các thị trường Nhật Bản đã ngăn họ theo đuổi việc sử dụng rộng rãi trên toàn cầu đồng tiền này.
 
Dựa vào những bài học trong những thập kỷ mất mát, Nhật Bản hiện phải tiến tới vai trò định hình tương lai cai quản châu Á. AIIB chỉ là một đấu trường trong đó Nhật Bản có thể thể hiện vai trò lãnh đạo. Một số nguyên thủ châu Á đã bày tỏ quan ngại về các tiêu chuẩn cai quản của Trung Quốc, chẳng hạn như Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tuyên bố trong chuyến thăm tới Tokyo tháng 6 này: “Chúng ta phải vô cùng thận trọng về việc có nên tham gia AIIB hay không”. Trong những hoàn cảnh này, Nhật Bản đang ở thế mạnh: Nhiều nước châu Á muốn nước này gia nhập AIIB để tham gia định hình các tiêu chuẩn. Đại sứ Thái Lan tại Nhật Bản, Sihasak Phuangketkeow, mới đây đã bày tỏ nguyện vọng này hồi tháng 5: “ASEAN nói chung ủng hộ ngân hàng này… tôi hy vọng Nhật Bản và Mỹ cũng sẽ làm vậy”.
 
Các nước châu Á tìm kiếm sự hiện diện trong khu vực của Nhật Bản với tư cách là một bên làm luật và trụ cột của trật tự quốc tế tự do. Thay vì chạy theo trào lưu, tham gia AIIB nên được xem là một nhân tố trong chiến lược chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Nhật Bản. Trong thời buổi thay đổi nhanh chóng quan trọng này, Nhật Bản cùng phần còn lại của châu Á, phải nắm lấy cơ hội tham gia định hình tương lai cấu trúc khu vực. Trong những thập kỷ mất mát, gót chân Achilles của quốc gia này là không có khả năng nhìn bao quát hơn – Nhật Bản hiện giờ phải “nghĩ lớn” và hành động một cách đa phương vì trật tự khu vực của châu Á.
 
Thu Giang
(Theo East Asia Forum)