(Baonghean) - Ngày 16/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố một cách mập mờ rằng nước này “sẽ sớm hoàn tất” một số hạng mục xây dựng đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông mà họ đã chiếm đóng trái phép. Trong số các hạng mục này có các công trình dành cho mục đích quân sự. Tuyên bố này ngay lập tức đã trở thành “miếng đòn” phản lại những lời bao biện trước đó của Trung Quốc, khiến cộng đồng quốc tế ngày càng nhận ra “kiểu chơi hai mặt” của nước này.
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 5, trưởng đoàn Trung Quốc là Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phát biểu rằng: "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ làm việc cùng nhau trên cùng quan điểm để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”. Nhưng những lời tuyên bố đầy hoa mĩ về hòa bình, về mục đích dân sự như “tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa và bảo vệ môi trường” hoàn toàn đi ngược lại với những gì đang diễn ra trên thực tế. Hành vi của Trung Quốc đã hủy hoại nghiêm trọng sự cân bằng sinh thái ở Biển Đông. Trong một tuyên bố gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippinnes cho biết các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đã phá hủy khoảng 300 mẫu vuông (tương đương 121 ha) san hô và con số này chắc chắn chưa dừng lại.
Ngay sau khi Trung Quốc có những tuyên bố trắng trợn về hành động xây dựng trái phép của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định rằng kế hoạch của Trung Quốc “không góp phần làm giảm căng thẳng, không hỗ trợ việc đưa ra các giải pháp hòa bình và ngoại giao, hay giúp củng cố những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh”. Phát biểu ở Hà Nội hôm 22/6, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian cũng nói rằng: “Không có một lượng cát nào có thể thay đổi được vấn đề chủ quyền”. Rõ ràng những gì Trung Quốc đang làm đã vạch trần lời tuyên bố giả dối trước đó, làm tăng thêm nghi kỵ, tạo ra thế đối đầu ngày càng gay gắt với cộng đồng quốc tế.
Phương Thảo