Sau nhiều tháng căng thẳng dâng cao liên quan tới tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, tình hình bán đảo Triều Tiên thay đổi đáng kể trong những ngày gần đây.
Trong bài phát biểu mừng năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết Triều Tiên đã hoàn tất năng lực hạt nhân cần thiết để bảo vệ nước này trước mối đe dọa tấn công của Mỹ. Ông Kim khẳng định nút bấm hạt nhân đã nằm sẵn trên bàn làm việc của ông.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ chìa “nhành ô liu” hòa hoãn với Hàn Quốc và đưa ra đề xuất đối thoại với quốc gia láng giềng. Ông Kim Jong-un không chỉ “chân thành” chúc Hàn Quốc tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông với tư cách là nước chủ nhà, mà còn tuyên bố sẵn sàng cử đoàn vận động viên Triều Tiên tham dự sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới này.
“Vì chúng ta là những đồng bào cùng dòng máu với người dân Hàn Quốc, nên việc chúng ta chia sẻ niềm vui với họ về sự kiện tốt đẹp này và giúp đỡ họ là lẽ đương nhiên”, ông Kim Jong-un phát biểu.
Từ sau bài phát biểu của ông Kim Jong-un, hàng loạt sự kiện xuất hiện sau đó cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong tình hình bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng và Seoul đã bắt đầu mở lại đường dây nóng liên lạc ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ) sau hơn 2 năm “đóng băng”, sau đó tiếp tục nhất trí tổ chức hội đàm cấp cao tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 9/1 tới. Ngoài ra, Mỹ cũng nhất trí với đề nghị do Hàn Quốc đưa ra, đó là dừng các cuộc tập trận quân sự chung. Các cuộc tập trận này từng là động thái khiến Triều Tiên “nóng mặt” trong nhiều năm qua.
Đây là sự thay đổi 180 độ của Triều Tiên - quốc gia từng phớt lờ mọi đề nghị đàm phán trước đó của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thậm chí dọa sẽ nhấn chìm thủ đô Seoul trong “biển lửa”. Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Kim Jong-un đang tìm cách chia rẽ đồng minh trong bối cảnh Mỹ hiện có khoảng 28.500 quân đồn trú tại Hàn Quốc và sẵn sàng đối phó với Triều Tiên bất kỳ lúc nào.
"Nhành ô liu" bất thường
“Rõ ràng, bài phát biểu nhân dịp năm mới của ông Kim Jong-un nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc. Điều quan trọng đối với Hàn Quốc là không để rơi vào cuộc chơi của Triều Tiên”, Giáo sư khoa học chính trị Park Won-gon tại Đại học Handong nhận định.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster, bất kỳ ai nghĩ rằng những tuyên bố của ông Kim Jong-un là động thái tích cực để xoa dịu tình hình hiện nay tức là người đó “đã uống quá nhiều sâm panh trong những ngày nghỉ lễ” năm mới.
Trong khi đó, nhà phân tích Ankit Panda nhận định bài phát biểu của ông Kim Jong-un cho thấy thiện chí và sự “xuống thang” bất thường của Triều Tiên, và điều này chắc chắn sẽ đi kèm với những điều kiện nhất định. Nếu các cuộc hội đàm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thực sự diễn ra trong vài ngày tới, Bình Nhưỡng có thể xem đây là cơ hội để đưa ra những yêu cầu liên quan tới hai cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc với tên gọi “Giải pháp Then chốt” và “Đại bàng non”.
Nhà phân tích Panda cho rằng “nhành ô liu” liên Triều là nội dung quan trọng nhất trong bài phát biểu của ông Kim Jong-un, song cũng chứa đựng mục tiêu lâu nay của Triều Tiên tại khu vực Đông Bắc Á, đó là làm rạn nứt mối quan hệ Mỹ - Hàn trước khi phá hủy hoàn toàn mối liên minh này.
Theo nhà phân tích Panda, chỉ thời gian mới có thể chứng minh được rằng ông Kim Jong-un có thành công với “nước cờ” này hay không. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên cẩn trọng để bảo đảm rằng, nỗ lực đánh lạc hướng từ phía Triều Tiên sẽ không đẩy liên minh Mỹ - Hàn, vốn tồn tại từ hàng chục năm nay, rơi vào tình thế hỗn loạn.
Một số nhà phân tích khác cho rằng, Triều Tiên thực sự cảm thấy áp lực trước cả lập trường cứng rắn của chính quyền Mỹ cũng như các lệnh trừng phạt của Washington và cộng đồng quốc tế.
“Ông Kim Jong-un rõ ràng lo ngại rằng nguy cơ Mỹ sử dụng biện pháp quân sự ngày càng tăng. Ông ấy buộc phải tìm ra lối thoát trong quan hệ với Hàn Quốc”, Giáo sư Koh Yu-hwan tại Đại học Dongguk cho biết.
Theo chuyên gia Kim Dong-yub tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul, những đề xuất do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra cùng Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc là cơ hội thực sự đối với Triều Tiên.
“Bằng cách tận dụng Thế vận hội PyeongChang, Triều Tiên muốn tìm kiếm không gian dễ thở hơn giữa lúc phải chịu sức ép và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt”, chuyên gia Kim nhận định.
Hiện chưa rõ sự hòa hoãn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có kéo dài tới sau khi Thế vận hội kết thúc hay không, đặc biệt trong trường hợp Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận trong tương lai.
“Các động thái mang tính biểu tượng như cử vận động viên tham gia Thế vận hội hay tổ chức hội đàm ở Panmunjom không mang nhiều giá trị. Tuy nhiên, nếu các động thái đó có thể góp phần tạm hoãn các vụ thử nghiệm (vũ khí của Triều Tiên) hoặc đóng vai trò như một bước đệm cho các cuộc hội đàm mở rộng hơn, chúng vẫn mang ý nghĩa sống còn”, chuyên gia Adam Mount tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ nhận định.