Theo các nhà nghiên cứu chính sách, sự gia tăng số lượng người lao động đã có thời gian tham gia BHXH nhận trợ cấp BHXH một lần là thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.
Thiếu mặn mà với lương hưu
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khoảng 5 năm gần đây, trong cả nước đã có khoảng 2,5 triệu người lao động lĩnh BHXH một lần. Thực trạng này không có xu hướng giảm mà ngày càng gia tăng. Ước tính năm 2017 có khoảng 700.000 lao động nhận tiền BHXH một lần, trong năm 2016, con số này cũng tương đương. Người lao động có xu hướng thích nhận “một cục” hơn là kiên trì đóng bảo hiểm xã hội đến cùng để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Nhận định về thực trạng này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, người lao động cần ý thức rằng thời gian đóng BHXH chính là quá trình tích lũy “của để dành” cho mình khi về già. Nếu nhận BHXH một lần lúc trẻ, đến khi về già, sức khỏe suy giảm, không còn khả năng lao động thì lại trắng tay, không được hưởng lương hưu và các chế độ an sinh xã hội đi kèm (khi về hưu, ngoài lương hưu, người lao động còn được cấp Thẻ bảo hiểm y tế; khi người lao động qua đời, thân nhân được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc tiền tuất một lần).
“Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh trợ cấp BHXH một lần cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, người lao động cần tỉnh táo và cân nhắc kỹ trước khi quyết định”, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Bản chất của bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH. Do đó, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống, người lao động lại nhận BHXH một lần - tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già của bản thân.
Phân tích thêm những lợi ích của việc kiên trì tích lũy BHXH thay vì hưởng “hưu non”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Người dân, người lao động hoàn toàn yên tâm về Quỹ BHXH do Nhà nước quản lý bảo hộ. Bởi nếu khi về hưu, giá trị đồng tiền mất giá do trượt giá thì Nhà nước phải nâng tiền lương cho người về hưu. Cụ thể như năm 2018, Nhà nước đã điều chỉnh tăng thêm 7% lương hưu cho người lao động.
Sửa đổi chính sách để tăng quyền lợi
Nêu giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng làm mất đi ý nghĩa của việc đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối Quỹ, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần.
Bên cạnh đó, chính sách BHXH phải sửa đổi theo cách hấp dẫn hơn, tạo nhiều quyền lợi hơn cho người lao động, nhất là chế độ hưu trí. Lâu nay, nhiều người lao động cảm thấy pháp luật sửa theo hướng bất lợi cho người lao động nên họ có xu hướng nhận trợ cấp một lần.
Nhìn nhận vấn đề này từ góc độ lao động - việc làm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp cho rằng, Nghị quyết số 28-NQ/TW vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua cũng đã đề cập tới một số giải pháp như tăng cường các giải pháp kinh tế vĩ mô nhằm tạo sự ổn định về môi trường kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động. Đây được coi là giải pháp căn cơ nhất để giúp duy trì việc làm, ổn định thu nhập và khả năng đóng góp của người lao động.
Mặt khác, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, cần kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, như nghiên cứu sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm thay vì chỉ tập trung các giải pháp xử lý hậu quả như chi trả trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài ra, là cơ quan tham mưu, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã tính đến một số chính sách như có thể hỗ trợ một phần tiền lương, hỗ trợ đóng BHXH cho các lao động có nguy cơ bị sa thải mà sẽ rất khó tìm việc làm ở các doanh nghiệp thực sự khó khăn. Nhờ đó, người lao động vẫn có việc làm, vẫn nằm trong hệ thống BHXH, vẫn làm ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ, vẫn đóng góp vào tăng trưởng và năng suất lao động quốc gia.