Giới hoạch định chính sách dự báo, với tình trạng ô nhiễm ngày một nặng, dân số ngày càng tăng và hậu quả do biến đổi khí hậu, nước sạch sẽ sớm trở thành một thứ tài nguyên quý không kém dầu mỏ. Nhưng dầu mỏ có thể thay thế bằng các loại nhiên liệu khác nhiên liệu sinh học, khí đốt... hay điện, còn nước thì không thể thay thế, và trên thế giới, tất cả các dân tộc đều cần đến nó để bảo đảm cuộc sống của mình.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính số dân thế giới sẽ tăng lên 9 tỷ người vào năm 2040, trữ lượng nước ngọt sinh hoạt trên Trái Đất chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu. Các báo cáo về môi trường và phát triển ước tính, 1/8 dân số thế giới - tương đương với gần 1 tỉ người, hiện không có nước sạch để uống, và 1/5 dân số thế giới không có đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt.
Theo Viện Nước quốc tế Stockholm, nước bẩn giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 5.000 trẻ em chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn, 2 triệu người tử vong do các căn bệnh khởi phát vì dùng nước ô nhiễm.
Trong khi đó, nông nghiệp chiếm khoảng 70% tổng lượng nước ngọt toàn cầu thu hồi để đáp ứng nhu cầu lương thực. Các nguồn cung nước ngọt hiện nay trên thế giới sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu, đe dọa các nguồn cung lương thực của thế giới và hệ lụy là làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, thiên tai, sự khan hiếm và chất lượng nước giảm, kết hợp với đói nghèo, căng thẳng xã hội, sẽ góp phần làm tăng sự bất ổn, có thể dẫn đến những căng thẳng về chính trị và sự sụp đổ của nhiều quốc gia.
Thiếu nước sạch đang là một vấn đề nhức nhối, nhưng tình hình cũng trở nên tồi tệ hơn khi các nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Những sa mạc như Sahara đang ngày càng mở rộng; hồ Tchad giảm gần 100 mét nước mỗi năm; những khối băng trên dãy Himalaya - từng được mệnh danh là "tháp nước của châu Á", đang tan với một tốc độ báo động…ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng nước của các con sông chính ở châu Á.
LHQ dự báo đến năm 2025, có khoảng 1,8 tỉ người sống tại các quốc gia hoặc khu vực "hoàn toàn khan hiếm nước" và vào năm 2030, một nửa dân số thế giới sẽ sống trong những vùng căng thẳng do nước, trừ phi thực trạng hiện tại được cải thiện.
Theo các dự báo, nguy cơ chiến tranh phát sinh từ nguồn nước trong những năm tới là khá nhỏ. Tuy nhiên, sau 2022, việc sử dụng nước làm vũ khí chiến tranh hoặc công cụ của chủ nghĩa khủng bố sẽ cao hơn 40% so với hiện nay, đặc biệt là ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi - những nơi thiếu nước trầm trọng.
Ngay từ 2002, trong một cuốn sách, Viện sĩ người Nga Abalkin đã khẳng định, trên thế giới hiện hữu gần 2.000 điểm có nguy cơ bùng nổ cuộc chiến vì nước sạch. Tháng 4/2012, báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ về an ninh nước sạch nhận định rằng, lũ lụt, hạn hán và thiếu nước ngọt có thể gây ra bất ổn toàn cầu và xung đột vũ trang đáng kể trong các thập niên tới và việc lạm dụng nước có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ. Các cuộc giao tranh vì nguồn dự trữ nước đã bắt đầu manh nha, tuy còn cục bộ.
LHQ và các tổ chức môi trường toàn cầu đã không ít lần báo động về các nguy cơ của tình trạng khan hiếm nước, kêu gọi thế giới hàng năm dành 198 tỉ USD (tương đương 0,16% GDP toàn cầu) để giảm tình trạng khan hiếm nước và giảm 50% số người trên thế giới không được tiếp cận bền vững các nguồn nước sạch.
Khủng hoảng nguồn nước sẽ dẫn tới khủng hoảng về y tế, nông nghiệp, kinh tế, khí hậu và thậm chí là khủng hoảng về chính trị. Chiến tranh nước sạch là hậu họa tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai gần nếu không có quyết sách thích hợp. Chiến tranh nước sạch xảy ra tất yếu sẽ dẫn tới chiến tranh về mọi mặt, thậm chí còn khốc liệt hơn cả cuộc chiến dầu mỏ.