Năm nay là năm đầu tiên Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm tổ chức các chương trình hướng đến Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) và những hoạt động cụ thể của chương trình thật sự đã đem đến hạnh phúc, không chỉ cho những người tham gia.
Một trong những nội dung mà công ty phát động là Cuộc thi “Viết về người đồng nghiệp mà bạn yêu quý”. Theo thể lệ, mỗi cá nhân dự thi bằng cách gửi ảnh, clip, bài hát, bài thơ về người đồng nghiệp mà mình yêu quý cho ban tổ chức. Sau khi ban tổ chức chấm giải và tổng hợp điểm trên fanpage công ty, những phần thưởng giá trị sẽ được trao cho tác giả vào Ngày Quốc tế hạnh phúc. Từ “đề bài” thú vị này, rất nhiều nhắn nhủ, chia sẻ đầy yêu thương giữa những người đồng nghiệp đã được trao gửi.
Chị Vương Thị Hương - nhân viên Phòng Nhân sự cũng là thành viên Ban Tổ chức hào hứng chia sẻ: “Nhận bài thi, tôi thật sự bất ngờ trước khả năng văn chương của đồng nghiệp. Càng xúc động hơn trước tình cảm chân thành, tốt đẹp mà mọi người dành cho nhau. Với họ, công ty là nhà và đồng nghiệp đã trở thành những người anh em ruột thịt, bên nhau lúc buồn, vui, sẻ chia từng kỷ niệm. Cuộc thi đã trở thành một diễn đàn nhỏ để mọi người hiểu nhau và gửi gắm những thông điệp ấm áp tình thân”.
Tình người trong cuộc thi đầy cảm xúc này không chỉ giới hạn trong nội bộ công ty. Trong đoạn cuối clip dự thi của mình, anh Lê Nghĩa (bộ phận Bảo trì) đã nhắn nhủ: “Mình làm bài dự thi này mong nhận được sự ủng hộ từ mọi người. Nếu có giải, tiền thưởng xin gửi đến em Đậu Thị Nhật Lệ (SN 2009), ở làng Mai Thái, xã Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn). Em bị bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ, gia đình chỉ có 2 mẹ con, rất khó khăn. Hiện em Lệ đang điều trị tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong tình trạng sức khỏe yếu”.
Câu thơ “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” mà anh Nghĩa sử dụng trong bài dự thi cũng chính là thông điệp mà nhiều bộ phận trong công ty mong muốn lan tỏa nhân dịp này. Trong chuỗi hoạt động hướng đến Ngày Quốc tế hạnh phúc, người lao động ở các bộ phận đã sử dụng tiền phúc lợi của mình để mang đến hạnh phúc cho người khác và mang lại giá trị cho cộng đồng.
Cụ thể, bộ phận Bảo trì đăng ký sửa sang điện nước, gia cố nhà cửa cho 2 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn; bộ phận Quản lý chất lượng cùng nhân viên khối văn phòng sẽ tài trợ bao bì, thùng rác và tham gia thu gom rác thải tại biểnCửa Lò, trồng cây xanh tại sân vận động xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn)...
Là người trực tiếp đi khảo sát những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ sửa nhà, anh Tăng Ngọc Lan - Quản lý bộ phận bảo trì chia sẻ: “Hình ảnh người mẹ địu đứa con 3 tháng tuổi xuống ruộng giữa trời mưa và bữa ăn chỉ 1 món ốc luộc của 1 trong 2 gia đình này đã ám ảnh tôi mãi. Ban đầu chúng tôi chỉ định hỗ trợ sửa chữa điện và tặng một vài vật dụng thiết yếu trong nhà thôi. Nhưng chứng kiến hoàn cảnh của họ, tôi muốn đề xuất về việc quyên góp thêm để lắp cửa và đóng giường cho họ nữa...”.
Sự trăn trở của anh Lan cũng là sự quan tâm, đồng cảm rất nhân văn giữa người với người. Hiện tại, những chương trình ý nghĩa của người lao động tại Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đang hoàn thành những khâu chuẩn bị cuối cùng và sẽ được đồng loạt triển khai vào dịp cuối tuần này, đúng Ngày Quốc tế hạnh phúc.
Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” và lời kêu gọi: Kế thừa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam; yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực... Những năm sau đó, ngày này đã trở thành ngày của những hành động thiết thực, tích cực nhằm giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, đem đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người.
Những ngày tháng Ba vừa qua, nhiều bà con nông dân Nghệ An điêu đứng vì nông sản sau khi thu hoạch không được thu mua. Cảnh tượng rau, củ hư hỏng bị vứt chỏng chơ trên những cánh đồng, nước mắt mặn chát trên gương mặt những người nông dân khốn khổ khiến bất cứ ai cũng phải xót xa. Không đứng ngoài nỗi khổ của bà con, tổ chức công đoàn đã đồng hành cùng bà con giải cứu nông sản với tinh thần tương thân, tương ái.
Phát động chương trình giải cứu bắp cải ngay trong “Tuần lễ áo dài”, LĐLĐ huyện Diễn Châu đã có hơn 10 ngày đồng hành cùng bà con nông dân để tìm nơi tiêu thụ cho hơn 800 tấn bắp cải. Trong 10 ngày đó, những công nhân, viên chức, lao động của tổ chức công đoàn đã đứng trên những cánh đồng, thu hoạch bắp cải như những nông dân, kết nối cung - cầu như những thương lái, bốc vác và vận chuyển như những shipper.
Là một trong những đoàn viên tích cực nhất trong đợt giải cứu này, chị Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Công đoàn cơ sở xã Diễn Phong chia sẻ: “Ngay sau khi nhận được công văn từ LĐLĐ huyện Diễn Châu, chúng tôi đã triển khai chương trình giải cứu bắp cải ở các trường và công đoàn cơ sở. Sự chậm trễ, dù chỉ một ngày, cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng loại nông sản ngắn ngày này. Kể từ lúc đó, điện thoại của những cán bộ công đoàn như chúng tôi liên tục đổ chuông, đội ngũ giải cứu làm việc không kể ngày hay đêm, trưa hay tối, cứ có đơn hàng là chúng tôi lại chạy ra ruộng đón xe, phân bổ, hỗ trợ cho bà con”.
Cũng trong những ngày này, LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn đang kêu gọi các cấp công đoàn, các tổ chức, cá nhân chung tay giải cứu quýt PQ cho đoàn viên và nông dân trên địa bàn. Nhờ sự nhiệt tình, lan tỏa của chương trình, chỉ sau 3 ngày phát động, 40 tấn quýt đã được giải cứu. Ở nhiều đơn vị, đoàn viên công đoàn còn đến tận các vườn để tham gia hái, đóng gói, vận chuyển.
Chị Chu Thị Lê - một đoàn viên công đoàn có vườn quýt được giải cứu dịp này, đã xúc động chia sẻ: “Từ chương trình của Công đoàn huyện Nghĩa Đàn, gia đình tôi cũng như các hộ gia đình trên địa bàn xã cứu được phần lớn số quýt đến mùa thu hoạch. Tôi từng rất xúc động nhìn thấy những đoàn xe cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt, không ngờ bây giờ chính tôi lại đang nhận được sự sẻ chia tương tự như vậy. Nhìn những túi quýt ngược xuôi trên những nẻo đường, tôi cảm thấy biết ơn vô cùng”.
Không chỉ là câu chuyện giải cứu, trong nhiều năm qua, tổ chức công đoàn nói chung và các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng đã thực hiện rất nhiều chương trình ý nghĩa, mang lại giá trị cho cộng đồng. Đó là những chương trình thiện nguyện cho bà con vùng xa, hiến máu cứu người, góp gạch để xây trường, Tết Vì người nghèo, tri ân những người có công với cách mạng... Trong mỗi chương trình ý nghĩa đó, dù lớn hay nhỏ, luôn có những sự hy sinh thầm lặng của những cá nhân xem niềm vui của người khác chính là hạnh phúc của mình.