(Baonghean) - Hiện có khoảng trên 55.000 người Nghệ An sinh sống ở nước ngoài; trong đó chủ yếu tập trung ở Nga, Đức, Séc, Ba Lan… và mỗi năm họ gửi về Nghệ An trên 445 triệu USD, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Kênh làm giàu
Yên Thành là một trong những huyện có lượng kiều bào, lao động sinh sống, làm việc và học tập nhiều nhất tỉnh với gần 20.000 người. Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Ngoài kiều bào định cư ở nước ngoài, Yên Thành hiện có 11.226 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... và một số nước châu Âu.
Năm 2016 lượng kiều hối người Yên Thành ở các nước chuyển về địa phương ước khoảng trên 70 triệu USD, gấp nhiều lần thu ngân sách, góp phần tạo đà cho phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội.
Một số xã có người đi XKLĐ nhiều như: Sơn Thành, Nhân Thành, Tiến Thành, Mã Thành, Thọ Thành, Đô Thành... Nhờ XKLĐ hàng nghìn hộ từ nghèo vươn lên khá giả. Nhờ đó, phong trào xây dựng NTM của địa phương luôn mạnh mẽ, nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân.
Một địa phương khác gần đây cũng phát triển mạnh XKLĐ là huyện Quỳnh Lưu. Mặc dù có lợi thế về đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hải sản, nhưng những năm gần đây, huyện vẫn chú trọng phát triển XKLĐ.
Ở xã Quỳnh Hậu có gia đình anh Hòa, chị Thủy được biết đến là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ XKLĐ. Ngoài vợ chồng, 2 người con của anh chị cũng sang Angola lao động.
Chị Thuỷ cho biết, sang đó sau thời gian tìm hiểu, chị đã mở hơn 10 cửa hàng photocopy ở các địa phương nước bạn, tạo việc làm cho khoảng 40 lao động của quê hương chủ yếu là trong huyện Quỳnh Lưu sang lao động bên đó. Ngoài ra, anh chị cũng “đưa đường chỉ lối” cho rất nhiều con em ở xã Quỳnh Hậu sang Angola làm thợ mộc, xây dựng, buôn bán... Hiện nay anh chị đã về nước xây dựng nhà cửa khang trang và đầu tư 5 tỷ đồng mua lại khách sạn ở thị xã Hoàng Mai, 1 khách sạn khác ở tỉnh Nam Định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương…
Đẩy mạnh thu hút kiều hối
XKLĐ là kênh giải quyết việc làm có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy kinh tế cho các địa phương. Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh có khoảng 13.000 lao động đi xuất khẩu. Trong hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank Nghệ An là một trong những ngân hàng có lượng kiều hối gửi về cao.
Năm 2015, Agribank Nghệ An đã chi trả 82.204 món kiều hối với doanh số chi trả đạt 98,9 triệu USD. Năm 2016, Agribank Nghệ An chi trả được hơn 82.500 món kiều hối, doanh số 105,5 triệu USD, đứng đầu toàn hệ thống Agribank và các NHTM trên địa bàn về hoạt động chi trả kiều hối.
Ngoài các sản phẩm kiều hối truyền thống, Agribank Nghệ An còn có các sản phẩm kiều hối riêng biệt cho các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… Thông qua đẩy mạnh hoạt động chi trả kiều hối, Agribank Nghệ An giúp đỡ rất nhiều kiều bào, lao động của Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài có điều kiện thuận lợi chuyển tiền về nước nhanh chóng và an toàn, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Dòng kiều hối không ngừng gia tăng, nhất là vào dịp gần Tết, hầu như ngân hàng nào cũng có chương trình nhận tiền từ nước ngoài gửi về. Vietinbank chi nhánh Nghệ An cũng chú trọng dịch vụ này và đã đạt kết quả khả quan; doanh số chi trả kiều hối năm 2016 là 11 triệu USD, tháng 1/2017 đạt 1 triệu USD.
Đối với NHTM, dịch vụ kiều hối không chỉ đem lại nguồn thu phí dịch vụ mà còn giúp ngân hàng mua được ngoại tệ, tăng nguồn tiền gửi và bán chéo được các sản phẩm khác cho người nhận tiền kiều hối, đồng thời nâng cao được uy tín và thương hiệu của ngân hàng. Nhiều sản phẩm kiều hối mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng như dịch vụ chuyển tiền nhanh Western Union, dịch vụ chuyển tiền kiều hối Online VietinBank eRemit, dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại di động...
Tăng cường quản lý
Tuy nhiên, theo phản ánh của khách hàng, hiện nay chi phí trả kiều hối tại một số ngân hàng đang khá cao. Nếu khách hàng muốn nhận tiền từ nước ngoài gửi về, phí báo có là 0,05% tổng giá trị tiền rút, phí rút tiền là 0,15%. Để rút tiền, khách hàng phải làm thủ tục mở tài khoản thanh toán, và tiền gửi về ít nhất sau 2 tuần kể từ khi tài khoản báo có mới được miễn phí tiền rút.
Chị Phan Thị Liên ở xã Đô Thành (Yên Thành) có chồng đang lao động tại Angola cho biết: “Sau 15 ngày mới cho rút miễn phí thì đem gửi tiết kiệm có khi hiệu quả hơn. Tiền người nhà mình gửi bằng USD, nhưng ngân hàng thường bắt rút bằng tiền Việt Nam đồng mới cho miễn phí. Phần lớn tôi đi giao dịch, các cô nhân viên đều khuyên bán lại USD, nhưng giá bán thấp. Thành ra, được năm đầu chúng tôi giao dịch qua ngân hàng, còn về sau chồng tôi gửi qua một tổ chức là người quen trong làng, chi phí thấp hơn nhiều mà lại thuận tiện”.
Hiện nay, lượng tiền do người Nghệ An ở nước ngoài gửi về rất lớn, nhưng rất khó thống kê chính xác, bởi ngoài việc gửi qua ngân hàng, nhiều người lựa chọn kênh gửi không chính thức, tự do qua các tổ chức, cá nhân tự đứng ra làm dịch vụ.
Gửi qua các tổ chức tín dụng phí cao hơn nhưng nếu gửi qua các tổ chức bên ngoài tính an toàn không cao, không ai đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nguồn tiền gửi về. Đây là vấn đề mà người dân cần cân nhắc để đảm bảo an toàn, các cơ quan liên quan như ngành LĐ - TB&XH, ngân hàng cần vào cuộc để tính toán lại phí chi trả, có giải pháp tranh thủ hiệu quả nguồn vốn kiều hối phong phú.
Thu Huyền