1. Đa thành phần chống phá
Những luận điệu xuyên tạc, chống phá Hồ Chí Minh xuất hiện khá sớm. Nhưng từ sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, thì sự chống phá Hồ Chí Minh càng gay gắt. Chủ thể chống phá chính là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế; các tổ chức, cá nhân phản động người Việt Nam ở nước ngoài; các đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị ở trong nước; các đối tượng có nhận thức chính trị thấp kém, lệch lạc hoặc vì tham danh, hám lợi.
Trong âm mưu xuyên tạc, chống phá Hồ Chí Minh, có luận điệu thuộc về chiến lược, mục tiêu chống cộng nói chung; có luận điệu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế; có luận điệu vì mục đích cá nhân, chủ yếu là lợi ích kinh tế; có luận điệu vì động cơ chính trị bản thân; có tổ chức, cá nhân phản động người Việt Nam ở nước ngoài; có đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị, nhận thức chính trị thấp kém, lệch lạc hoặc vì tham danh, hám lợi ở trong nước.
Nội dung chúng tập trung xuyên tạc, phủ nhận tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, di sản Hồ Chí Minh. Trong đó có sự xuyên tác, phủ nhận ý nghĩa hoạt động tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, xuyên tạc động cơ sang phương Tây năm 1911 và quan hệ cá nhân giữa Người với các tổ chức, chính giới quốc tế.
2. Đủ chiêu bài xuyên tạc, vu khống
Để xuyên tạc động cơ Hồ Chí Minh sang phương Tây năm 1911, họ bám vào cứ liệu mấu chốt là Đơn xin vào Trường thuộc địa mà Người gửi cho Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ngày 15/9/1911. Họ vin vào đó rồi lập luận khiên cưỡng, xuyên tạc một cách vô lối, cho rằng Hồ Chí Minh ban đầu theo ý muốn của cha là học tập sau này làm quan triều đình nhà Nguyễn, nhưng sau hy vọng không thành vì ông Nguyễn Sinh Sắc bị mất chức, nên tìm cơ hội sang Pháp với “mộng làm quan cho thực dân Pháp”. Khi “bị từ chối thì bất đắc phiêu lưu kiếm sống, không có thời giờ suy nghĩ chuyện đất nước”; “đến Liên Xô học tập là hy vọng có việc làm kiếm lương hằng tháng, chứ không phải vì cách mạng Việt Nam”. Họ còn đặt điều rằng: “Quốc tế cộng sản và Đảng Cộng sản Liên Xô đánh giá khả năng của Hồ Chí Minh dưới trung bình, làm việc không chuyên nghiệp, không có tinh thần cách mạng, không chú tâm làm việc mà lo hẹn hò trai gái”...
Từ những xuyên tạc về động cơ sang phương Tây tìm đường cứu nước, thế lực phản động, thù địch xuyên tạc quan hệ cá nhân của Hồ Chí Minh với các tổ chức, chính giới trong hành trình tìm đường cứu nước. Luận điệu mà chúng rêu rao nhiều là: “Hồ Chí Minh đã bán Phan Bội Châu cho Pháp năm 1925 để nhận khoản tiền và tạo thuận tiện trong việc gây thanh thế, bành trướng cộng sản ở trong nước của Hồ Chí Minh”. Họ còn quy chụp vu vơ là “trong quá trình tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh lấy bí danh, bút danh là tên người nước ngoài, thể hiện phục vụ cho ngoại quốc, không phải vì cách mạng Việt Nam”. Họ vu cáo, lên án Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đã “thủ tiêu” đảng viên các đảng Quốc Dân đảng, Đại Việt, Duy Dân, Phục Quốc, tờrốtkít, các tôn giáo: Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo.
Họ bịa ra sự kiện, con số, thời gian với những tình tiết “ghê sợ”, “rùng rợn” và trắng trợn kết “tội” cho Hồ Chí Minh với dân tộc và nhân dân. Chúng quy kết kiểu phản động với “tội” lớn nhất là “dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi theo chủ nghĩa cộng sản dẫn đến cuộc chiến tranh với Pháp (1945-1954) và Mỹ (1954-1975)”; “Hồ Chí Minh đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin, góp phần xây dựng thế giới đại đồng, vô Tổ quốc, độc quyền kháng chiến, giết hại hàng chục ngàn người Việt Nam yêu nước”.
3. Luận cứ từ lịch sử
Bạn đọc rất phẫn nộ và đương nhiên là lịch sử dân tộc không thể dung tha những kẻ phản nước hại dân đã dã tâm xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, cống hiến của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam. Lịch sử còn ghi đủ cứ liệu chứng minh cống hiến của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam và sự nghiệp hòa bình, tiến bộ của nhân loại, đó là:
(1) Từ khi thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân Việt Nam sống dưới ách thống trị, áp bức của đế quốc, phong kiến ngày càng cơ cực, nên đã vùng lên nhiều cuộc đấu tranh. Nhưng các phong trào đấu tranh, cách mạng từ nửa cuối thế kỷ XIX đến trước khi thành lập Đảng đã thể hiện sự tiếp nối truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta nhưng lần lượt bị thất bại vì thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức vững mạnh, thiếu lực lượng tiên phong, “tình hình đen tối như không có đường ra”[1]. Đất nước yêu cầu khẩn thiết về con đường cứu nước vừa giải phóng dân tộc đồng thời giải phóng giai cấp.
(2) Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đáp ứng được yêu cầu ấy của dân tộc Việt Nam. Để làm được điều đó, Người phải đối diện với nhiều gian truân, vào tù ra tội, vượt qua bao sóng gió, vừa lao động kiếm sống vừa tìm hiểu thời cuộc, có tư duy độc lập, sáng tạo khảo cứu từng bước:
- Không đi theo con đường của các vị tiền bối, vì nhận thấy Phan Chu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”; Phan Bội Châu hy vọng Nhật Bản giúp đỡ để đuổi Pháp, “chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; Hoàng Hoa Thám trực tiếp đấu tranh chống Pháp nhưng “còn nặng cốt cách phong kiến”[2].
- Tìm hiểu Đại cách mạng Pháp năm 1789 với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền và khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái”nổi tiếng; cách mạng Bắc Mỹ với Tuyên ngôn độc lập năm 1776 tuyên bố về quyền con người thiêng liêng bất khả xâm phạm, nhưng Hồ Chí Minh nhận thấy nó chưa đáp ứng yêu cầu của dân tộc Việt Nam. Bởi vì: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”, còn “cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”, “cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”[3].
- Cuối cùng, Hồ Chí Minh tìm được và đã quyết định đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 của Lênin - lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới - người đã kế thừa và phát triển di sản vĩ đại của Mác - Ănghen. Bởi vì Người nhận thấy: 1) “Lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế… Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng Bônsêvích lãnh đạo”[4]. 2) “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[5]. 3) “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”, “chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[6].
(3)Sau khi tìm được con đường cứu nước phù hợp, Hồ Chí Minh xúc tiến các điều kiện thành lập Đảng để lãnh đạo cách mạng thắng lợi. Qua thời gian chuẩn bị về lý luận, tổ chức và cán bộ, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Công sản Việt Nam vào tháng 2/1930 tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, xác định những vấn đề cơ bản đường lối cách mạng Việt Nam. Lịch sử gọi đó là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.
Từ đó đến nay, qua thực tiễn 91 năm với 13 kỳ đại hội, Đảng không ngừng hoàn chỉnh chủ trương, đường lối phù hợp từng giai đoạn lịch sử, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại, đó là: Một là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Hai là, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.Ba là,thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
(4) Những thắng lợi to lớn của đất nước ta trong 91 năm qua là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Hồ Chí Minh là người có công khởi đầu, tìm đường, dẫn lối. Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc quý trọng công ơn của Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước; ra sức thi đua cống hiến vào mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”[7]- con đường mà Người đã chọn.
Đó không đơn thuần là đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn là đền ơn đáp nghĩa với Hồ Chí Minh và đập lại những luận điệu xuyên tạc, hại dân, phản quốc!
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb. CTQG, HN, 2011, tr.401.
[2] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, 1975, tr.12-13.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 2, tr.296.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Tâp 15, tr.387.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2, tr.304
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2, tr.289 và Tập 12, tr.563.
[7] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, HN, 2011, tr.326.