Chúng tập trung triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet, sử dụng các trang mạng xã hội, các blog để truyền bá quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Thế lực thù địch đã lợi dụng những ưu điểm của các phương tiện truyền thông hiện đại, đó là tính siêu liên kết, tốc độ nhanh, tương tác được với người dùng để lan tỏa các thông tin xấu, độc.
Hiện nay, có một số tổ chức truyền thông ở hải ngoại cấu kết với các đối tượng phản động trong nước để “nội công, ngoại kích” chống phá Nhà nước ta như: RFI (Đài phát thanh quốc tế Pháp) đều có các phiên bản trên Facebook, Twitter, Google+, Instagram, Dailymotion, YouTube, Soundcloud... nội dung được truyền tải bằng 14 ngôn ngữ; RFA (Đài phát thanh quốc tế Hoa Kỳ) có các phiên bản trên Blog, Facebook, Twitter, Google+, Wordpress với hơn 10 ngôn ngữ; VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ) có các phiên bản trên Facebook, Twitter, Google+, Instagram, YouTube, Soundcloud, Podcast... Họ còn thiết kết các phần mềm (như RFA app, VOA app...) để người nghe, người xem có thể tải xuống, cập nhật tự động, thường xuyên những thông tin mới nhất bằng điện thoại di động và các thiết bị cầm tay; các blog (như RFA blog) có đường link liên kết tích hợp với các blogger- là những đối tượng phản động núp danh là những "nhà phản biện dân chủ".
Nhiều trang web, diễn đàn của các tổ chức phản động còn hướng dẫn cách “vượt tường lửa” để phát tán thông tin xấu độc vào Việt Nam. Như tổ chức phản động, khủng bố Việt Tân, không chỉ sử dụng cái gọi là cơ quan tuyên truyền truyền thống, như báo “Kháng chiến”; đài “Việt Nam kháng chiến”, “Chân trời mới”, mà còn đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội, như Facebook, Twitter, Google+, Blog, Viettan app để liên tục cập nhật và phát tán thông tin phản động. Các thông tin phản động từ bên ngoài được hệ thống chân rết của chúng ở trong nước tiếp tay, hình thành những mạng lưới thông tin dày đặc để hướng lái dư luận theo ý đồ của chúng.
Lợi dụng triệt để “tính mở” của môi trường truyền thông hiện đại, cho phép các cá nhân dễ dàng chuyển tải bất kỳ thông tin chưa kiểm chứng, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, bình phẩm, nhận xét, chia sẻ về bất cứ vấn đề nào thích hoặc quan tâm, để gieo rắc những thông tin xuyên tạc, phản động. Với chiêu trò “kẻ tung người hứng”, sau khi đăng các thông tin bịa đặt, xuyên tạc lên các web phản động, chúng đồng loạt Share (chia sẻ), comment (bình luận), dẫn đường link của một số tin, bài xuyên tạc, bôi đen công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ vi phạm để “dẫn chứng” với ý đồ kích động, điều khiển, hướng lái dư luận xã hội.
Môi trường thông tin truyền thông hiện đại, đặc biệt là môi trường mạng xã hội cũng “cho phép” các cá nhân lập các trang tin ẩn danh, thậm chí là giả danh, đã tiếp tay cho những hành vi, thủ đoạn tiêu cực dễ dàng được thực hiện trên internet, mạng xã hội. Cũng thông qua mạng xã hội, lợi dụng tính năng “ẩn danh” này các thế lực thù địch hậu thuẫn cho hội, nhóm núp danh xã hội dân sự, nuôi dưỡng và phát triển các nhóm để trao đổi, cung cấp thông tin qua mạng internet, đồng thời lôi kéo người dùng trên mạng xã hội như “Hội dân chủ”, “Hội chống tham nhũng”, “Dân oan”, "Thông tin sức khỏe", "Hội bảo vệ môi trường"... với thủ đoạn là đăng tải nhiều bài viết hay và ý nghĩa về cuộc sống nhưng thỉnh thoảng chúng lại lồng ghép các bài viết đánh lạc hướng dư luận với hình thức núp danh phản biện xã hội để bình luận về các vấn đề chính trị, xã hội trong nước làm cho người đọc hoang mang, mơ hồ, “trắng đen lẫn lộn” nhưng thực chất là để cung cấp các thông tin xấu độc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết, chống đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Ngoài ra, để các trang thông tin phản động có “sức nặng”, các tổ chức, hội nhóm này đã tìm và“dựng ngọn cờ” là những người có tư tưởng bất mãn, phản động, thường xuyên viết các bài đăng tải trên các “ấn phẩm” này, như Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Phạm Chí Dũng (Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam), Bùi Thanh Hiếu (Người buôn gió), Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), Lê Dũng vova... để dụ dỗ, lôi kéo những đối tượng bất mãn hoặc non nớt về chính trị tham gia cùng bình luận, chia sẻ những thông tin xấu độc này.
Sử dụng các tính năng mới của các phần mềm kỹ thuật số để xử lý, cắt ghét hình ảnh, âm thanh... nhằm tạo nên những video clip có nội dung xuyên tạc, độc hại lan truyền trên các trang mạng, đặc biệt là trên kênh YouTube. Từ những hình ảnh chính thống trên các phương tiện truyền thông nhà nước, chúng cắt ghép, chính sửa, thêm, bớt theo ý đồ xấu để đánh lừa người xem, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ. Khai thác, sử dụng tính năng livestream (tường thuật trực tiếp bằng hình ảnh) của Facebook để tung lên các video clip như tại các phiên tòa xử các đối tượng phản động Hoàng Đức Bình, Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Văn Oai..., phỏng vấn những kẻ cực đoan tung lên mạng xã hội nhằm xuyên tạc sự thật. Các trang thông tin hải ngoại đã lấy các hình ảnh này để cắt ghép, bịa đặt và vu cáo "chính quyền vi phạm nhân quyền", "đàn áp người bất đồng chính kiến"...
Có thể nói, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng triệt để các ưu thế, tính năng của các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội để thực hiện nhiều hình thức chống phá ngày càng điên cuồng và tinh vi. Cho nên người dân khi tham gia không gian mạng phải hết sức tỉnh táo để lựa chọn thông tin chính thống, nếu không sẽ "mắc bẫy" thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, làm cho quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong tư tưởng, nhận thức và hành động khi nào không hay.