Hiện tả lợn châu Phi đã lan ra 13 tỉnh, thành cả nước. Dịch không lây bệnh trên người nhưng lại gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Để chọn thịt lợn an toàn, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) hướng dẫn người dân cách nhận biết thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi sẽ có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ ra, lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.
Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả bằng mắt thường. Nếu thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, khi chạm tay thấy chảy nhớt, rỉ nước... thì là thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh.
Thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường, ngón tay ấn vào không bị lõm, dính, rỉ nước.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,ngoài nguy cơ bị dịch tả châu Phi, thịt lợn còn có thể nhiễm chất tăng trọng, chất tạo nạc hay ngâm chất bảo quản.Cách nhận biết như sau:
Nhận biết thịt lợn sạch với thịt tăng trọng, siêu nạc
Thịt lợn siêu nạc do hóa chất có mùi tanh hơn thịt lợn sạch, lớp mỡ mỏng, phần nạc và phần mỡ tách rời nhau. Thịt sẽ có màu đỏ đậm khác thường, sáng và bóng, mặt da có thể xuất hiện những đốm đỏ. Một cách thử đơn giản là thái thịt thành miếng dày 3-4 cm, nếu miếng thịt không đứng thẳng được thì là thịt lợn được nuôi tăng trọng.
Thịt lợn sạch khi luộc nước trong, không váng bẩn. Khi nấu miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm. Còn thịt siêu nạc hoặc nuôi cám tăng trọng khi luộc thường nhiều váng, nước có mùi hôi, lúc rang ra nhiều nước, ăn khô.
Nhận biết thịt lợn sạch với thịt ngâm chất bảo quản
Thịt ướp chất bảo quản trông đỏ tươi nhưng thớ thịt săn cứng mất độ đàn hồi. Cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, màu hơi thâm, có mùi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt ôi sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh mua phải thịt lợn bệnh, người tiêu dùng nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch. Không nên vì giá rẻ mà chọn mua thịt lợn tại địa điểm bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi nhiều khói bụi, ruồi nhặng, không có biện pháp che chắn.
Tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay lợn chưa được chế biến kỹ. Khi chế biến thịt lợn, người tiêu dùng cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, rửa tay sạch trước và sau nấu ăn. Nấu xong nên ăn ngay, tránh để lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Không nên để thức ăn chín cạnh thức ăn sống, cạnh dụng cụ sơ chế. Các dụng cụ như dao, thớt cần được rửa sạch trước khi chế biến thực phẩm khác.