(Baonghean) - Khi nói về thế giới chính là nói về những yêu thương, san sẻ  hay giao tranh, xung đột của hàng tỷ con người đang tồn tại trên hành tinh này. Bởi vậy, nhận diện thế giới cũng chính là nhận diện loài người. Như tác giả Lê Văn Cương đã có bài viết "Nhận diện thế giới 2013", đăng trong số báo Nghệ An Tết Dương lịch 2013. Đây là bài viết có số phiếu bình chọn cao thứ hai trong tuần (14 phiếu) và được xem như là “một công trình nghiên cứu nghiêm túc và trí tuệ về những biến động của thế giới trong năm 2013” như một lời bình luận của độc giả giành cho bài viết “Nhận diện thế giới 2013”...

Như ông đã viết "Mọi chuyện đã xảy ra và thực tiễn 2013 chỉ có một, nhưng do cách tiếp cận vấn đề, sự kiện, do khả năng thu thập và xử lý thông tin, do quan điểm chính trị khác nhau nên sẽ có nhiều cách lý giải, nhận diện đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau". Bởi vậy, với cách nhìn riêng của mình, Thiếu tướng Lê Văn Cương đã lựa chọn 10 sự kiện nổi bật thuộc 4 nhóm: Nhóm những sự kiện mang tính toàn cầu; Nhóm những sự kiện an ninh-chính trị khu vực nổi bật; Sự trở về cõi vĩnh hằng của các nhân vật để lại dấu ấn lịch sử sâu rộng; Nhóm các sự kiện đột xuất bất ngờ. Đây là một cách lựa chọn, điểm vấn đề có tầm bao quát rộng mà tác giả đã rất "có tầm" khi nhìn nhận.
 
Bởi ông đã "đi" theo tuyến trình tự vấn đề từ toàn diện đến khu vực, tới các nhân vật có tầm ảnh hưởng đến những biến động trên chính trường. Đây được xem là 4 nhóm vấn đề có liên quan mật thiết đến nhau. Vì từ sự kiện mang tính toàn cầu sẽ có ảnh hưởng đến sự kiện khu vực, cũng như các nhân vật lịch sử để lại dấu ấn sâu rộng cũng sẽ góp ảnh hưởng lớn để tạo nên những sự kiện trong chính trường quốc tế hoặc đủ tầm vóc để tạo ra những sự kiện đột xuất bất ngờ. Trong cách bình luận của tác giả Lê Văn Cương, có thể thấy rõ nét một điều, ngoại trừ "điểm" đúng và trúng sự kiện đáng đề cập, ông còn có cách dẫn giải và bình luận cho từng mục được đưa ra. Mặc dù chỉ là những câu ngắn gọn, nhưng tóm lược được bản chất của sự việc, khiến cho những vấn đề khá "trừu tượng" hay "cao xa" như dân gian thường nói "ăn cơm cà nói chuyện thế giới" trở nên sinh động và dễ hiểu hơn rất nhiều. 
 
Và như thế, sự kiện đầu tiên mà tác giả chọn ra của "Nhóm vấn đề mang tính toàn cầu" là kỳ họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Liên hợp quốc và coi đó là một kỳ họp lịch sử. Diễn ra vào mùa Thu 2013, cuộc họp quy tụ hơn 100 tổng thống, thủ tướng các nước thành viên này có chủ đề "Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015". Bên cạnh chủ đề nói trên, ông Tổng thư ký Liên Hợp quốc Bankimoon cũng đưa vấn đề tìm kiếm giải pháp cho điểm nóng ở Xyri, cuộc xung đột dài 13 năm đầu đẫm máu nhất của thế kỷ 21. Sau hàng chục cuộc gặp gỡ thương thảo song phương, cuối cùng Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã nhất trí 100% để cho ra đời Nghị quyết 2118 nhằm buộc Xyri từ bỏ vũ khí hóa học để đổi lại việc ngừng tấn công quân sự vào nước này từ phía Mỹ và các đồng minh EU, Trung Đông. Bình luận về sự kiện này, tác giả chỉ dùng một câu rất ngắn gọn, nhưng đầy đủ "Với kỳ họp 68, Liên Hợp quốc đã thể hiện đầy đủ, đúng đắn vai trò trung tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến hòa bình, chiến tranh trên thế giới". 
 
Tiếp đó là phần của nhóm những sự kiện an ninh-chính trị khu vực nổi bật. Đây là nhóm được tác giả "để ý" nhiều nhất với 5 vấn đề được đưa ra. Một loạt vấn đề từ bán đảo Triều Tiên, đảo chính quân sự Ai Cập, cuộc gặp P5+1 về Iran  cho đến Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không và bất ổn chính trị ở Ukraine đều được "điểm" tới. Những sự kiện, vấn đề đều rất khó để tóm lược trong khuôn khổ một bài viết. Tuy nhiên, với bút pháp già dặn của mình, tác giả đã biến chúng thành những vấn đề không còn khô cứng và dễ "nhận diện" đến không ngờ. Đối với sự kiện "Thỏa thuận P5+1 và Iran 24/11/2013", là vấn đề đã kéo dài suốt 34 năm (từ cách mạng Hồi giáo 1979 ở Iran), xoay quanh chuyện Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở phương Tây và Bắc Phi-Trung Đông luôn trong thế đối đầu với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, vì vậy Iran coi Mỹ và các đồng minh của Mỹ là kẻ thù truyền kiếp và ngược lại.
 
Để bình luận sự kiện này, tác giả  đưa ra nhiều dẫn chứng có giá trị, lớp lang qua nhiều thời điểm lịch sử để chứng minh. Nhận định vấn đề, tác giả cho rằng thỏa thuận ngày 24/11 có ý nghĩa lịch sử để tạo ra bước ngoặt trong việc giải quyết một cuộc tranh chấp dai dẳng và phức tạp nhất ở Trung Đông. Tuy nhiên, vẫn đang còn nhiều ý kiến trái chiều giữa P5+1 và Ixraen, Arập Xeut. Bình luận một cách tổng quát, tác giả nhấn mạnh "Mặc dù con đường đi đến Hiệp ước Toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran còn dài, lắm chông gai, trải qua nhiều bước thăng trầm, có cả thụt lùi, nhưng thỏa thuận (P5+1) - Iran 24/11 có ý nghĩa lịch sử và là một trong những sự kiện trọng đại của thế giới trong năm 2013". 
 
Trong nhóm vấn đề "Sự trở về cõi vĩnh hằng của các nhân vật lịch sử để lại dấu ấn lịch sử sâu rộng", tác giả đưa ra 2 nhân vật. Với Huga Chavez, ngọn cờ của cánh tả Mỹ Latinh mất ngày 5/3, ông dẫn lại lời của một số nhân vật tầm cỡ nói về sự kiện này, trong đó ngắn gọn và súc tích là lời của Tổng thống Brazil Dilma Rouseff  :"Chavez mất đi để lại một khoảng trống trong trái tim, trong lịch sử và các cuộc chiến tranh ở Mỹ La tinh". Để rồi, với phong cách quen thuộc, Thiếu tướng Lê Văn Cương đã có ý kiến bình luận riêng của mình rất xác đáng "Dù chưa phải là con người hoàn hảo và trong 13 năm lãnh đạo đất nước Chavez cũng mắc phải một số sai lầm (chủ yếu trong chính sách kinh tế), nhưng không ai có thể phủ nhận Chavez là ngọn cờ của cánh tả, là người khơi nguồn cảm hứng cho sự phát triển của cánh tả ở Mỹ Latinh trong hơn 10 năm đầu của thế kỷ 21". Bình luận như vậy về một con người như Chavez, thiết tưởng cũng là quá đầy đủ và trọn vẹn. 
 
Đặc biệt, khi nhắc đến sự ra đi của huyền thoại Nelson Mandela, tác giả Lê Văn Cương đã hạ một câu bình luận không thể ngắn hơn, nhưng cũng không thể hay hơn "Nelson Mandela không phải là Cầu vồng mà là một Ngôi sao". Như tất cả chúng ta đều đã biết, Nelson là huyền thoại, là anh hùng chống chủ nghĩa Apartheid, tư tưởng, hình bóng của ông đã bao trùm lục địa Đen, cả thế giới đều biết và quý trọng ông. Một trong rất nhiều câu nói của ông vẫn làm cho bất kỳ ai trong số chúng ta nghiêng mình vì tầm vóc "Tôi không thể quên, nhưng tôi có thể tha thứ". Hẳn chúng ta đều thừa nhận, khi nhắc đến Cầu vồng, chúng ta thường nghĩ đến 7 sắc quang phổ huyền diệu, vắt qua đường chân trời và độ lung linh trong thoáng chốc, trong mờ ảo của bụi nước. Còn Ngôi sao, là một hành tinh cụ thể hiện hữu, được định danh gần như vĩnh hằng trong hệ Thiên hà vô tận với tất cả những giá trị mà nó tỏa sáng. Bởi thế, câu bình luận của tác giả về huyền thoại Nelson Mandela, không thể ngắn hơn và không thể hay hơn là vì vậy.
 
Nhóm vấn đề cuối cùng "Các sự kiện đột xuất bất ngờ", tác giả "nhặt" ra 2 vụ, 1 là "nhân tai" và vụ còn lại do "thiên tai".  Đó là việc Edward Snowden, vụ "nhân tai" làm "lộ thiên cơ" lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Thứ 2 là cơn siêu bão Haiyan ở Philippines ngày 8/11. Cơn bão khủng khiếp này đã ồ ạt tràn vào 2 tỉnh đảo Samar và Layete làm cho 720 ngàn người dân thuộc 29 tỉnh phải sơ tán. Hậu quả, Haiyan đã làm hơn 4.000 người chết, gần 1 triệu người mất nhà ở, xóa sổ 1 thị trấn ven biển. Đánh giá cơn siêu bão này, tác giả coi đó là "cơn thịnh nộ và là sự trả thù của tự nhiên đối với hành động tàn phá môi trường của con người". Bởi suốt 3 thế kỷ theo đuổi công nghiệp hóa, con người đã làm tồn dư một lượng khổng lồ CO2 và các chất khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, nhờ siêu bão Haiyan, lương tri loài người phần nào được thức tỉnh. Đó là việc hồi chuông được gióng lên tại phòng họp COP-19 ở Ba Lan vào tháng 11 với những câu hỏi khẩn thiết: Không lúc này thì khi nào? Không ở đây thì ở đâu? Cũng nhờ vậy mà COP-19 các nước đã đi đến một cam kết có tính đột phá và mang tầm vóc lịch sử, đó là đồng thuận trong việc hợp tác quốc tế chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
 
Bài bình luận "Nhận diện thế giới 2013" mở ra bằng Kỳ họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Liên hợp quốc với một chủ đề mang tính toàn cầu, cũng chính là nơi loài người tìm tiếng nói chung "Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015". Sự kiện thứ 10 khép lại bài viết bằng sự tàn phá của cơn bão Haiyan, nhưng từ đây cũng kéo con người lại gần nhau để chung tay giải quyết vấn đề về khí hậu, thiên tai, cũng là vấn đề mang tính sống còn toàn cầu. Tác giả đã khéo mở ra và kết thúc bài viết bằng những sự kiện nhằm kéo nhân loại lại bên nhau để tìm tiếng nói chung vì hòa bình. Bởi xét cho cùng "Hòa bình cho trái đất" chẳng phải là mong ước bất biến của hơn 7 tỷ con người đó sao? 
 
Người xây dựng