(Baonghean) - Kỳ Sơn là huyện có đường biên dài nhất tỉnh, với 192 km tiếp giáp với 5 huyện thuộc 3 tỉnh của nước bạn Lào. Trong những năm qua, huyện đã không ngừng xây đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào thông qua các mô hình kết nghĩa Bản - Bản hai bên biên giới, thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
 
Kỳ Sơn có 11/ 21 xã là xã biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh nước bạn Lào anh em, những bản làng vùng biên giữa ta và bạn có mối quan hệ rất mật thiết, đoàn kết, gắn bó, thủy chung từ lâu đời. Bản Chà Nga (xã Mỹ Lý) và bản Xốp Cắng (Cụm Loọng Cắng, huyện Mương Quắn, tỉnh Hủa Phăn) là một ví dụ điển hình. Đây là 2 bản biên giới nằm dọc bên đôi bờ dòng sông Nậm Nơn, các phong tục, tập quán của nhân dân 2 bản có những nét tương đồng, nên từ lâu đã có mối quan hệ rất thân thiết, đoàn kết như anh em ruột thịt. Tình cảm ấy càng được thể hiện sâu sắc qua lễ ký kết nghĩa, xây dựng tình hữu nghị giữa 2 bản. Nói về mối đoàn kết keo sơn của bản Chà Nga và bản Xốp Cắng, ông Ngân Văn Hoàn, Phó bản Chà Nga chia sẻ: “Từ trước, hai bản chúng tôi đã có mối quan hệ hợp tác, đã cùng nhau xây dựng bản làng hòa thuận, cùng nhau làm ăn, để phát triển kinh tế. Nhưng qua buổi kết nghĩa này càng thắt chặt tình đoàn kết của anh em hai bản chúng tôi hơn, chúng tôi càng có cơ hội đi lại, thăm nom nhau thường xuyên”.
image_7027759.jpgBản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Việt Nam) ký kết nghĩa với bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Ảnh: hải thượng
 
Bên cạnh việc thể hiện mối đoàn kết, thủy chung của nhân dân 2 bản biên giới, việc kết nghĩa còn mang ý nghĩa về mặt chính trị, quốc phòng, an ninh biên giới giữa nước ta và nước bạn Lào. Thông qua các lễ ký kết hai bên đã thống nhất việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Hiệp định, Quy chế biên giới Việt Nam - Lào. Ngoài ra còn thực hiện tốt các nội quy, hương ước của làng bản, đồng thời giúp đỡ nhau trong vấn đề phát triển kinh tế. Để nói lên tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào, ông Xôm My Say, Bí thư, kiêm Chủ tịch cụm Loọng Cắng, huyện Mương Quắn, tỉnh Hủa Phăn - Lào cho biết thêm: “Kết nghĩa hai bản là việc làm hết sức quan trọng để giữ mối quan hệ, giữ được hòa bình giữa hai nước Việt - Lào chúng ta, từ đó sẽ tạo điều kiện giúp đỡ nhau lúc khó khăn và cũng vun đắp mối quan hệ lâu đời giữa hai Đảng và hai nước từ bao đời nay”.
 
Trên tinh thần “Giúp bạn như giúp mình”, từ những cặp bản kết nghĩa đầu tiên, đến nay huyện Kỳ Sơn đã tổ chức kết nghĩa được 12 cặp bản dọc tuyến biên giới của 11 xã với các cụm bản của nước bạn Lào. Trong những năm qua, tình hình biên giới giữa Việt Nam - Lào luôn ổn định, không xảy ra tranh chấp về đất đai, cũng như những mâu thuẫn giữa các bản biên giới. Ông Lô Minh Hoạt, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Theo Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh về ký kết nghĩa cụm bản 2 bên biên giới Việt Nam - Lào có 11 nội dung. Các nội dung nhằm tuyên truyền vận động nhân dân 2 bên biên giới thực hiện đúng quy chế biên giới. Ngoài ra còn giúp nhau sản xuất, lưu thông hàng hóa, cũng như trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế với một số huyện bạn tiếp giáp với Kỳ Sơn. Ngoài vấn đề ký kết, huyện cũng như các xã biên giới duy trì giao ban định kỳ giữa các cụm xã, cụm bản 1 năm 2 lần và tổ chức sang thăm nhau để thắt chặt mối đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. 
 
Cùng với việc ký kết, duy trì tình đoàn kết, người dân các bản làng dọc tuyến biên giới Việt - Lào còn có nhiều hoạt động thiết thực góp phần giữ vững an ninh vùng biên. Thành công ấy xuất phát từ nỗ lực chung của các cấp chính quyền, cán bộ và nhân dân cùng lực lượng BĐBP đóng trên địa bàn tạo nên thế trận lòng dân giữ vững bình yên vùng biên cương Tổ quốc.
 
Lữ Phú (Đài Kỳ Sơn)