(Baonghean) - Tuần qua, chuyên đề 2 kỳ “Cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ” đăng ngày 9, 10/10 của Khánh Ly – Thanh Nga nhận được số phiếu bình chọn tin bài hay cao nhất và được BBT khen thưởng. Bài viết cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn cảnh về việc cấp đổi GCNQSDĐ, về những bất cập trong tiến độ thực hiện và việc quản lý; đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp sát thực nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 
 
Ở kỳ 1 “Bất cập về tiến độ và quản lý”, bài viết đã phân tích khá thấu đáo về những bất cập, tồn tại trong việc cấp đổi GCNQSDĐ ở các địa phương. Tính đến thời điểm 30/5/2014, trong 21 huyện, thành, thị trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện việc cấp đổi, có nhiều địa phương kết quả việc thực hiện cấp đổi rất thấp. Chẳng hạn, Nghi Lộc cần cấp 1.778 đất ở đô thị, nhưng mới chỉ cấp được 131 thửa, cần cấp 46.178 thửa đất ở nông thôn, nhưng cũng mới chỉ cấp được 16.732 thửa; Nam Đàn có 1.500 thửa đất đô thị cần được cấp đổi, nhưng hiện chỉ mới cấp được 80 giấy, 36.259 thửa cần cấp đổi đất ở nông thôn, nhưng chỉ mới cấp được 984 thửa; Yên Thành cần cấp đổi 63.960 thửa đất nông thôn, nhưng mới chỉ cấp được 12.923 thửa…
 
Theo đó, tác giả đi sâu phân tích các nguyên nhân: Thứ nhất, do bất cập trong quản lý đất đai. Tại các địa phương còn tồn đọng nhiều hồ sơ không thể hoàn thiện việc cấp đổi, nguyên nhân chính được xác định là do sự biến động đất đai qua các thời kỳ, hồ sơ địa chính không đầy đủ; bản đồ 299 không có ngày, tháng, năm thực hiện; Sổ mục kê được lập từ năm 1996 trong quá trình giao đất theo Nghị định 64 của Chính phủ, nên cán bộ địa chính xã không xác định được nguồn gốc, thời gian sử dụng đất của các hộ; diện tích đất sử dụng, hiện trạng so với bản đồ và giấy tờ có sự chênh lệch lớn từ 500 đến 1.000m2.
 
Nhiều trường hợp bìa đỏ của các hộ dân được cấp trước đây không có sơ đồ hình dạng đất, không có thuyết minh về giáp ranh, không có sự tham gia ký xác nhận của các hộ liền kề. Một số khu quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng trên thực địa đang sản xuất nông nghiệp, không có bản vẽ quy hoạch phải kiểm tra thực địa để đo tách bản đồ, do đó khó khăn trong việc xác định ranh giới, xác định nguồn gốc. Tình trạng 1 thửa đất nhưng nhiều chủ sử dụng hoặc trên cùng một diện tích đất ở đã được cấp GCN QSDĐ, nhiều hộ gia đình đã tách thửa, xây dựng nhà cho con cái ra ở riêng, thậm chí đã tiến hành chuyển nhượng nhưng sơ đồ quản lý vẫn là sơ đồ cũ chưa chỉnh lý khá phổ biến. 
 
Nguyên nhân thứ hai là do đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác này hiện rất "mỏng", lại phải ôm nhiều việc. Hầu hết các xã chỉ có một cán bộ chuyên trách mảng địa chính, năng lực, nghiệp vụ hạn chế. Mặt khác, do một số hộ dân chưa ý thức được quyền của người sử dụng đất khi được Nhà nước cấp GCNQSDĐ, nên không mặn mà với việc kê khai, hợp tác trong đo đạc chứng thực các mốc giáp ranh. Và, những hồ sơ vẫn “ách” lại ở khâu thẩm định. Đây là lý do mà theo chính quyền các cấp là khó giải quyết và khó tháo gỡ…
 
Ở kỳ 2 “Quyết liệt, chủ động trong thực hiện”, các tác giả đã đưa ra cách làm hay ở một số địa phương như: Hưng Chính (TP. Vinh), Đảng ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; các số liệu liên quan của từng hộ đều được cập nhật đầy đủ trên máy vi tính bằng phần mềm xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu cập nhật đất đai của Thành phố để theo dõi quá trình biến động (tặng cho, thế chấp…) và thu phí đất nông nghiệp. Hay ở xã Diễn Hùng (Diễn Châu), giữa chính quyền địa phương và đơn vị tư vấn có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong công tác tuyên truyền cũng như đo đạc bản đồ địa chính và xác lập hồ sơ…
 
Từ những mô hình, cách làm hay ở cơ sở, tác giả đưa ra các giải pháp đồng bộ. Cụ thể: làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện nghiêm các quy định về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất khi Nhà nước thực hiện chủ trương cấp đổi. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền. Đối với cấp huyện, cần chủ động rà soát, thống kê các trường hợp chưa cấp đổi GCNQSDĐ ở từng xã, phường, thị trấn; làm rõ nguyên nhân vướng mắc, tồn đọng; phân công địa bàn cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo huyện bám sát cơ sở, để đôn đốc hướng dẫn, giải quyết vướng mắc; lập kế hoạch thời gian xét duyệt hồ sơ hàng tuần tại cấp xã, thẩm định ở cấp huyện để trình UBND huyện ký GCNQSDĐ đất kịp thời; tăng cường công tác thanh tra công vụ, phát hiện xử lý nghiêm minh những tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ gây phiền hà cho nhân dân; chỉ đạo UBND cấp xã quan tâm công tác kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ; khẩn trương hoàn thành việc xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hiện đang tồn đọng và tiếp tục tiếp nhận hồ sơ đã kê khai xét duyệt theo đúng tiến độ; đảm bảo đo đạc bản đồ địa chính đến đâu, phải tổ chức kê khai đăng ký, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ngay đến đó. Nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm cao và chính quyền địa phương có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn thì ở đó tiến độ cấp đổi tích cực hơn. 
 
NGƯỜI XÂY DỰNG