(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Người quen” của Hải Triều đăng trang 5 số báo Nghệ An cuối tuần ngày 12/10 nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao thứ 2. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết:
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bài viết ngắn gọn về một vấn đề tưởng chừng rất nhỏ, giản đơn đó là việc nêu điển hình làm ăn ở miền núi qua bức ảnh, qua tin tức hàng ngày. Thế nhưng, những điển hình làm ăn, những mô hình cây, con hiệu quả cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, cùng một con người, cùng một địa điểm, và cứ thế báo cáo thành tích thật tốt. Đó là thực tế đáng buồn, đáng day dứt, đáng trăn trở. “Cũng người ấy, vườn ấy, thậm chí cũng quả chanh ấy được đưa ra làm “đạo cụ sản xuất” mỗi khi có đoàn nhà báo lên phỏng vấn; có khách đến tham quan, có lãnh đạo, có dự án, chương trình về kiểm tra đều lấy đó làm “mô hình điểm” để khoe khoang, để báo cáo. Có lần đi thực tế, về địa phương X, khi đề nghị giới thiệu mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phóng viên được dẫn đến nhà ông N trồng cam, chanh; lần khác lên, vào hội Phụ nữ, nhờ giới thiệu một điển hình, cũng được chỉ đến nhà ông N, chỉ khác là vợ làm chủ hộ; lần sau nữa, lên huyện X, viết về thanh niên lập nghiệp, lại được dẫn vào mô hình nhà ông N, chỉ khác nhân vật lần này là anh con trai. Một mô hình, 1 gia đình nhưng lại là điển hình của cả huyện, cả xã, của cả hệ thống tổ chức đoàn thể?! Năm này qua năm khác, mỗi lần đi công tác lên miền núi cao, các nhà lãnh đạo, các phóng viên cũng chỉ được giới thiệu lại một mô hình đã có từ năm trước mà chẳng thấy có sự thay đổi khác nào. Chẳng nhẽ năm nào cũng một nhân vật đó làm tốt, không có ai học hỏi làm theo sao, hay chỉ một vài mô hình ở đâu đó, mà không lan toả ra nhiều hơn trên địa bàn? Sự ổn định có nghĩa là tụt hậu.
Từ đó, tác giả so sánh đến việc “hồi nhỏ đi chụp ảnh ở Suối Tiên, được thuê áo quần, chụp ảnh” nên “Ảnh cái nào chụp ra cũng giống cái nào, cứ như ảnh photoshop ghép mặt mình vào vậy”. Nhưng chuyện bức ảnh chỉ là chuyện nhỏ, đằng sau nó mới là chuyện lớn. Đó là câu chuyện về bệnh thành tích, nặng về báo cáo mà ít quan tâm đến giá trị thực tiễn, đến hiệu quả mô hình. Đặc biệt, nguy hiểm hơn, sâu xa hơn, tác giả muốn nói đến chuyện tư duy viết báo theo lối mòn, theo hình thức “quy nạp”, từ một sự vật, hiện tượng mà kết luận cho cả một phong trào. Điều đó, “suy cho cùng là do tư duy lười biếng, không muốn làm, không muốn nhìn những cái mới, mà chỉ tự hài lòng với những “việc quen, người quen”! Do đó, muốn xã hội phát triển thì những cái mới của năm này, sẽ là cái cũ của năm sau, và ngày càng phải có nhiều cái mới hơn, tốt hơn.
NGƯỜI XÂY DỰNG