(Baonghean.vn) - Loại bạch tuộc này nhìn qua rất đẹp mắt với những nốt màu xanh đốm trên cơ thể. Cho nên nhiều du khách không hề cảnh giác.
Hình dạng và độc tố của bạch tuộc đốm xanh
Bạch tuộc đốm xanh (Hapalochlaena) thường sống ở những vùng biển nước nông, có độ sâu dưới 50m, hay gặp ở Ấn Độ Dương, Bắc Úc, phía Tây của Thái Bình Dương, trong đó có khu vực biển Đông của nước ta. Chúng thường sống ở các dải san hô, khe đá, có thể chúng còn ẩn mình trong vỏ con trai biển, chai lọ hoặc ống bơ vứt xuống dưới biển. Thường thì sau khi biển động hoặc cũng có thể do môi trường sống thay đổi, ta có thể thấy mực đốm xanh ở những nơi khác.
Chất độc trong bạch tuộc có là maculotoxin và tetrodotoxin có thể tồn tại ở nhiệt độ cao khi đã đun nấu hoặc sau khi chết. Tetrodotoxin có chủ yếu trong tuyến nước bọt của bạch tuộc, ngoài ra còn có trên các phần mềm khác của thân bạch tuộc. Tetrodotoxin là một độc tố thần kinh có độc tính rất cao. Độc tố của một con bạch tuộc 25g có thể giết chết 10 người nặng 75kg.
Màu sắc của bạch tuộc có thể thay đổi theo điều kiện môi trường, độ sâu của nước, độ chiếu sáng của mặt trời, từ xanh lục đến nâu đỏ; màu sắc xuất hiện sặc sỡ khi chúng bị kích động hay chuẩn bị tấn công.
Kích thước của chúng có thể nhỏ hoặc lớn, chiều dài 6-20cm, có 8 vòi. Bạch tuộc đốm xanh vừa là loài ăn thịt vừa làm mồi cho một số động vật khác. Chính vì thế chất độc (tetrodotoxin) của chúng vừa có tác dụng tự vệ, vừa để tấn công con mồi.
Dấu hiệu khi nhiễm độc bạch tuộc đốm xanh
Bệnh nhân bị ngộ độc có thể qua đường ăn uống và đường da (do bạch tuộc cắn). Thời kỳ nung bệnh qua đường ăn uống có thể từ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn. Qua đường da, sau 1-5 phút có thể xuất hiện triệu chứng nhiễm độc và có thể tử vong trong vòng 10-20 phút.
Thường thì bạch tuộc đốm xanh lẩn trốn, né tránh hơn là tấn công, tuy nhiên trong trường hợp bắt buộc phải tự vệ, nó phóng ra nọc độc có chứa maculotoxin và tetrodotoxin gây tê liệt đối phương. Thường người bị trúng độc là do vô ý giẫm phải con vật và bị nó tấn công lại.
Vết cắn rất nhỏ, khó có thể nhận biết, nhưng nọc độc thường ngấm rất nhanh vào máu gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh cơ, rối loạn hoạt động của tế bào, dẫn tới tử vong.
Cũng như ở cá nóc, maculotoxin và tetrodotoxin ở bạch tuộc rất độc và rất bền vững, có thể tồn tại với nồng độ cao ngay cả khi bạch tuộc đã chết và dù đã chế biến ở nhiệt độ cao.
Ăn bạch tuộc đốm xanh rất dễ bị ngộ độc nặng và có thể dẫn tới tử vong. Khi bị ngộ độc, nạn nhân có triệu chứng tương tự như ngộ độc cá nóc: lúc đầu là cảm giác khó chịu, mặt đỏ và xị ra, đồng tử co rồi giãn ra, có thể buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tay chân mỏi rũ, có khi rét run, đầu ngón tay ngón chân tê dại.
Trường hợp nhiễm độc nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, sau cùng là liệt cơ hô hấp, ngừng thở, trụy tim mạch và chết.
Phòng và điều trị nhiễm độc bạch tuộc đốm xanh
Đến nay chưa có huyết thanh chữa nọc độc của loại bạch tuộc này. Chính vì vậy các biện pháp điều trị chỉ mang tính hỗ trợ, như thông khí nhân tạo, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để loại bỏ phần độc tố còn trong ruột. Nếu duy trì được 1-2 ngày, bệnh nhân có thể qua khỏi. Tuy vậy, khả năng tử vong cao, đặc biệt là ở trẻ em.
Cách dự phòng với loài bạch tuộc này được khuyến cáo là bà con không tiếp xúc với các loài bạch tuộc; không sử dụng bạch tuộc để làm thực phẩm; khi bị bạch tuộc cắn phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Hoa Lê
(Tổng hợp)