(Baonghean) - Ngôi nhà nhạc sỹ Phan Đăng Hải nhỏ xinh nằm trên đồi cây trái sum suê, một không gian thật đẹp và yên bình. Nhạc sỹ với dáng người tầm thước, ôm cây đàn ghi ta đang phiêu với bài hát mà anh vừa sáng tác. Xung quanh anh là các thế hệ học trò đang chăm chú lắng nghe…
 
Thuở thiếu thời, Phan Đăng Hải rất thích ca hát, thổi sáo, chơi đàn, nhưng không nghĩ rằng, mình sẽ theo đuổi con đường âm nhạc đến suốt cuộc đời. Học hết phổ thông, anh nhập ngũ và sau đó được đi học ở Trường Sỹ quan Phòng hóa. Môi trường quân đội đã giúp anh phát huy năng khiếu âm nhạc của mình. Phan Đăng Hải được cấp trên cử đi học ở Trường VHNT Quân đội (khóa 1984 - 1987).
 
Tốt nghiệp ra trường, Phan Đăng Hải trở về công tác ở Ban Tuyên huấn, phòng Chính trị, Sư đoàn Phòng không Hà Nội. Nhiều năm liên tục Phan Đăng Hải được cấp trên khen thưởng vì đã có thành tích trong xây dựng phong trào văn hóa - văn nghệ của sư đoàn. 
 
images1478384_bna_56e0ebe89a5da.jpgNhạc sỹ Phan Đăng Hải tập hát cho học trò.
 
Trong thời gian này, Phan Đăng Hải cũng đã sáng tác được nhiều ca khúc và gặt hái được nhiều giải thưởng: Năm 1995 ca khúc “Quê mình ơn Đảng” của anh được Hội nhạc sỹ Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tặng giải Ba trong cuộc thi sáng tác về đề tài: “Đảng và Bác Hồ kính yêu”;  Ca khúc “Lời ngỏ sau chiến tranh” được Tổng Cục chính trị tặng giải Khuyến khích trong cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng.
 
Ngoài ra, anh còn có nhiều ca khúc  được thu thanh phát trên sóng Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam, được chọn in trong các tuyển tập; Nhiều ca khúc, tổ khúc đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng trong và ngoài quân đội… Năm 1994, Phan Đăng Hải chính thức là hội viên CLB sáng tác ca khúc Thủ đô và được vinh dự kết nạp vào Hội Âm nhạc Hà Nội.
 
Năm 2001, Phan Đăng Hải về hưu, anh chuyển về ban âm nhạc thuộc Liên hiệp Hội VHNT Nghệ An và Chi hội VHNT Yên Thành sinh hoạt. Dù đã nghỉ hưu, nhưng Phan Đăng Hải vẫn đam mê sáng tác như con ong cần mẫn chắt chiu mật ngọt cho đời. Đến nay, anh đã sáng tác được trên 50 tác phẩm âm nhạc về quê hương, trong đó có những tác phẩm được công chúng đón nhận và đánh giá cao như : “Ví giặm bỏ bùa”, “Yên Thành địa linh, nhân kiệt”… 
 
 
Nhạc sỹ Phan Đăng Hải (người cầm đàn) trong một buổi sinh hoạt văn nghệ với các thành viên hội VHNT Yên Thành.
 
Ngoài dàn dựng các chương trình văn nghệ, Phan Đăng Hải còn dạy miễn phí và luyện thi âm nhạc cho các cháu có năng khiếu để thi vào các trường VHNT. Lớp âm nhạc của anh rất đông học sinh theo học, và phần lớn đều thi đậu vào các trường VHNT Trung ương, địa phương. Hàng chục lứa học trò của anh hiện nay đã trở thành hạt nhân văn nghệ ở các địa phương trong và ngoài huyện.
 
Nhiều người bảo anh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng đối với anh, được sáng tác, ca hát, được dàn dựng những chương trình cho các thôn, xóm, các cơ quan, trường học đi biểu diễn ở các hội thi nghệ thuật quần chúng… là niềm vui và đam mê của anh - người nghệ sĩ luôn đau đáu về quê hương. Theo anh, được quần chúng yêu mến, đó là phần thưởng lớn nhất, vô giá của người nghệ sỹ. 
 
Tiến Dũng