(Baonghean) - Tôi gặp nhạc sỹ Quốc Nam lần đầu cách đây vài năm, trong đêm nhạc ủng hộ cho đồng bào miền Trung vừa trải qua cơn lũ lịch sử diễn ra tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh và được biết anh là tác giả của bài hát rất xúc động được cất lên trong đêm ấy. Ám ảnh và day dứt trong lòng người, ca từ của “Miền Trung quê lũ” khiến cho nhiều người trong hội trường hôm ấy rơi nước mắt. Và tôi đã ngạc nhiên khi nhạc sỹ Quốc Nam, còn rất trẻ, đứng trước mặt tôi…

Tôi đã nói với anh rằng: Cứ ngỡ người viết ra ca khúc ấy phải là người nhiều từng trải, thì nỗi đau mới “sâu”, mới “ngấm” đến thế? Anh đã nói, rất nhỏ nhẹ: Cái gì viết từ trái tim, từ những dâng trào, nó sẽ tìm được đến trái tim mà…

images1480680_c_ng_nh_c_s__nt_t_o.jpgNhạc sỹ Quốc Nam và nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo.

Và hôm nay, trong phòng thu nho nhỏ của anh, tại tầng 3 căn nhà trên đường Tôn Thất Tùng, tôi lại một lần nữa được nghe anh nói về cách mà anh đến với công chúng: Viết từ trái tim. Và trong cái không gian riêng của mình, cái không gian dành độc tôn cho âm nhạc, anh đã kể cho tôi về cách anh đến với âm nhạc, cách anh chọn nó để trả nợ cho những đam mê từ thuở nhỏ của mình. Người nhạc sĩ trẻ nói về những bài thánh ca đã du dương trong tâm hồn anh từ những năm thơ bé.

Những sáng chủ nhật, tiếng chuông nhà thờ, những người trong dàn nhạc với bộ lễ phục trang trọng, giờ phút thiêng liêng hướng đến Thiên Chúa để cầu mong sự an hòa cho nhân gian… Tất cả những kỉ niệm ấy ở miền quê Hưng Châu, Hưng Nguyên thuở nào giờ đây vẫn còn in đậm trong lòng Quốc Nam, vẹn nguyên như chỉ mới hôm qua, như thể tiếng thánh ca chưa từng ngưng lại sau mấy chục năm dẫu nhân gian đã có bao chuyển dời, thay đổi…

Nhạc sỹ Quốc nam trong phòng thu tại nhà của anh.

Sinh năm 1981 tại Hưng Châu, Hưng Nguyên, là con thứ 6 trong gia đình theo đạo Thiên Chúa có 9 anh chị em, thuở nhỏ Quốc Nam là một thành viên trong ca đoàn của nhà thờ, giữ chân chơi đàn organ. Thánh ca đã trở thành thứ âm nhạc đầu tiên len lỏi vào hồn cậu bé, và đó là thứ âm nhạc sang trọng, vừa buồn bã vừa hân hoan. Trên bìa những cuốn sách, cuốn vở đi học của mình, Quốc Nam thường vẽ lên những phím đàn. Phải đến những năm 17, 18 tuổi, Nam mới biết sâu hơn về âm nhạc nhờ những chia sẻ thân tình của cố nhạc sỹ Tùng Vinh lúc bấy giờ có một vài chương trình hướng dẫn về chuyên môn cho ca đoàn của nhà thờ.

Ban đầu, Nam cùng chị gái tham gia chơi nhạc đám cưới. “Cứ một buổi ra đồng làm ruộng, một buổi về chơi nhạc đám cưới” – anh nhớ lại, thoáng chút nghẹn ngào. Sau đó, Nam trở thành tay đánh organ cho các quán cà phê nhạc sống một thời thịnh hành ở Vinh như Câu lạc bộ Thời trang trẻ, Tuấn Euro… Nhưng cũng chính tại các chương trình ca nhạc nghiệp dư này, năng khiếu âm nhạc của Nam được các anh chị trong Đoàn ca múa Nghệ An phát hiện và được mời vào chơi nhạc cho Đoàn.

Đến năm 2009, Quốc Nam được đi học sáng tác âm nhạc tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, và tại đây đến năm 2012 anh lại được  học lên đại học (Khoa Sáng tác Âm nhạc). Cũng năm này, Quốc Nam được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học (2014), Quốc Nam rời Đoàn ca múa nhạc các dân tộc để về làm tại Phòng Văn nghệ của Đài Truyền hình Nghệ An. Công việc chủ yếu của anh ở đây là biên tập âm nhạc, hòa âm phối khí, thu thanh cho các chương trình âm nhạc của Phòng.

Tôi hỏi Quốc Nam về những người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp âm nhạc của anh. Nhạc sĩ cho biết, sau Tùng Vinh, người đầu tiên đã giúp Quốc Nam hiểu nhiều hơn và càng say mê với từng nốt nhạc, thì người thầy mà Nam rất ngưỡng mộ và biết ơn nữa là nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân Hoàng Thành. Chính nhạc sĩ này là người nâng bước quan trọng, định hướng cho Quốc Nam đi theo con đường sáng tác và dìu dắt anh trên mỗi chặng đường, cho anh hiểu rằng đó là con đường gian nan nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.

“Người thứ hai có ảnh hưởng tới sự nghiệp của tôi, đó chính là vợ tôi”, nhạc sĩ Quốc Nam cười. Rồi anh kể về vợ, chị Hồ Thu Trang, là nhạc công của Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV. Trong thời gian gặp và yêu nhau, chính Thu Trang đã giúp anh tiếp xúc gần gũi hơn với môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, từ đó mà anh trưởng thành hơn trên con đường sáng tác của mình. Rồi cũng chính chị, khi đã trở thành người vợ yêu thương luôn sát cánh bên anh, đã lặng lẽ lo vén việc nhà cho chồng đi học trong nhiều năm liền, động viên, khích lệ tinh thần và tạo mọi điều kiện để âm nhạc của anh được cất cánh.

Nhạc sỹ Quốc Nam và vợ - Hồ Thu Trang (nhạc công Đoàn Nghệ thuật QK4)

Quốc Nam thừa nhận rằng, thiệt thòi của anh là từ nhỏ ít được tiếp xúc với âm nhạc bác học và chỉ thực sự đến với nó, hiểu về nó mãi tận đến năm 18 tuổi, nhưng anh cũng may  mắn vô cùng khi có những người thầy đầy tài năng và tâm huyết như cố nhạc sĩ Tùng Vinh, NSND Hoàng Thành, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và người vợ lúc nào cũng yêu thương và san sẻ cùng anh. Những sự giúp đỡ, những động viên và yêu thương ấy đã giúp anh luôn có ý thức tìm tòi, nỗ lực vươn lên, để đạt được những thành công trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc.

Ca khúc “Nghệ An vươn tầm cao mới” đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi sáng tác ca khúc về Nghệ An, ca khúc “Hương tóc” được tặng thưởng Hồ Xuân Hương  năm 2011, “Bài ca thanh niên Nghệ An” đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi sáng tác về thanh niên năm 2011 do Tỉnh đoàn phát động… Các giải thưởng mà Quốc Nam đoạt được, anh biết rằng đó là niềm mong đợi và tự hào của những người thầy, là niềm vui lấp lánh trong mắt người vợ trẻ. Để rồi anh tự nhủ với lòng mình, sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa…

Bên ngoài câu chuyện giải thưởng, Quốc Nam thực sự vui khi biết rằng những bài hát của anh được nhiều người biết đến, nhiều người hát. Cho đến nay, với tổng số trên 30 tác phẩm, một số ca khúc đã đến được với đông đảo khán giả như “Nghệ An vươn tầm cao mới”, “Quê hương là núi Hồng, sông Lam” (phổ thơ Trịnh Văn Vinh), “Nhớ thương ví giặm” (phổ thơ Nguyễn Đức Hiền)…, đó là  những bài hát có sức lan tỏa, được các ca sĩ có tiếng như Quê Thương, Huyền Trang (giải Nhất Sao Mai) hát. Bài “Miền trung quê lũ” cũng là một ca khúc được Quốc Nam viết lên trong tâm trạng xúc động, nhiều người đã hát và đã khóc. Đầu năm 2016, một bài hát viết về người công an Nghệ An của anh cũng được khen thưởng…

Bản nhạc "Nhớ thương ví giặm" của nhạc sỹ Quốc Nam

Và với Quốc Nam, những ca khúc ấy chính là món quà tặng từ tâm hồn. Anh nói rằng, điều quan trọng  nhất trong quá trình sáng tác của nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng, đó chính là cảm xúc, sau mới đến những thứ như học thuật, kĩ thuật phụ trợ.

Khi viết về quê hương, cảm xúc dâng tràn trong trái tim đã làm khơi dậy những nốt nhạc và giai điệu, ca từ. Anh yêu quê hương mình, mảnh đất  miền Trung khô cằn nắng gió nhưng đẹp và thơ mộng như tranh. “Mảnh đất ấy có bao điều làm tâm hồn rung động, bao điều đáng viết mà có lẽ suốt đời cũng không khai thác hết được”, Quốc Nam nói. Nhưng  là một nhạc sĩ trẻ, nên bên cạnh mảng đề tài về quê hương, anh cũng nhanh chóng nắm bắt gu âm nhạc hiện đại của lớp trẻ và viết được nhiều mảng đề tài khác phù hợp với thế hệ mình.

Niềm mong ước lớn nhất của Quốc Nam là các tác phẩm nhạc của anh được nhiều người biết đến hơn, có sức lan tỏa hơn. Chính bởi vậy, đối với người nhạc sĩ, số lượng các tác phẩm không quan trọng, mà trong từng sáng tác của mình, từng giai điệu nhắc nhở anh rằng nó thực sự sẽ đi vào lòng công chúng nếu được viết bằng cả trái tim và được gạn lọc, trau chuốt với thái độ làm việc nghiêm túc.

 Thùy Vinh

TIN LIÊN QUAN