(Baonghean) - Gần 50 năm qua, ca khúc “Tiếng hát sông Lam” đã trở nên gần gũi, thân thuộc với biết bao thế hệ người dân xứ Nghệ và bạn yêu âm nhạc cả nước. Ở một khía cạnh nào đó, cũng như bài hát “Tiếng hò trên đất Nghệ An” của nhạc sỹ Tân Huyền, “Tiếng hát sông Lam” của nhạc sỹ Đinh Quang Hợp là một trong số ít những ca khúc thường được gọi vui là “tỉnh ca” của Nghệ An…

images983021_20130713162550_imagesca86envt.jpgẢnh Internet

Trong một thời kỳ dài, gần như đi đâu, làm gì, từ công trường xây dựng đến các công trình thủy lợi, từ hội thi tiếng hát quần chúng hay trong các đêm diễn hội nông dân tập thể, hoặc trong các đám cưới, hội hè, hay trên hệ thống loa truyền thanh công cộng, chẳng mấy khi thiếu vắng ca khúc “Tiếng hát sông Lam”. Khi giai điệu và ca từ của bài hát được cất lên, ai cũng cảm thấy có dáng hình của non nước xứ Nghệ, cảm thấy tự hào và xúc động như gặp lại mình, gặp lại quê mình trong giai điệu trữ tình đẫm chất dân ca. 

Sức lan tỏa của ca khúc Tiếng hát sông Lam còn vượt tầm một bài hát mang tính vùng, miền, địa phương, trở nên phổ biến, quen thuộc với đông đảo công chúng yêu âm nhạc cả nước, là ca khúc hay thời chống Mỹ cứu nước, và trở thành ca khúc đi cùng năm tháng, đưa tên tuổi của tác giả Đinh Quang Hợp trở nên gần gũi với mọi người. Sinh năm 1935, bây giờ, ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhạc sỹ Đinh Quang Hợp không thể nghĩ rằng một trong những sáng tác đầu tay, lại chính là một trong những tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, và là tác phẩm quan trọng hàng đầu để ông được vinh dự đón nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2012.
 
Một tuần nên nghĩa
 
Giống như nhiều người khác, tôi nghe và yêu thích “Tiếng hát sông Lam” từ lâu, cứ ngỡ tác giả bài hát phải là một nhạc sỹ người Nghệ, gốc Nghệ, hay chí ít có thời gian sinh sống và gắn bó sâu đậm với Dân ca xứ Nghệ và vùng đất con người xứ Nghệ, nhưng hóa ra không phải thế. Một ngày đầu hạ chói chang, tôi tìm gặp nhạc sỹ Đinh Quang Hợp trong căn nhà của ông ở khu tập thể Học viện Âm nhạc quốc gia, nhạc sỹ xúc động kể lại hoàn cảnh ra đời bài hát như là kết quả của một mối duyên tình hết sức đặc biệt, cả đời ông vẫn không khi nào cảm thấy hết bất ngờ khi nghĩ về thời điểm đó.
 
Nhạc sỹ Đinh Quang Hợp và tác phẩm “Tiếng hát sông Lam”.
 
Sinh ra và lớn lên ở Hoa Lư, Ninh Bình, vùng quê có truyền thống hát chèo, khi đi bộ đội Đinh Quang Hợp đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc và được tổ chức cho đi đào tạo một cách chính quy, bài bản. Năm 1966, để có tác phẩm tốt nghiệp lớp đại học sáng tác âm nhạc ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), ông cùng hai người khác là Nguyễn Thế Vinh và Trần Ngọc Sương được giới thiệu đi thực tế sáng tác ở Nghệ An.
 
Giữa thời điểm chiến tranh ác liệt, 3 chàng sinh viên trường nhạc vác túi vải đi bộ vào Nghệ An. Đến cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) thì máy bay giặc đánh phá rát quá không thể băng qua được. Phải mất hàng ngày trời trú ẩn, sau đó nhờ người địa phương đưa qua sông Mã bằng thuyền nan ở mạn ngược, rồi lại đi bộ từ Thanh Hóa vào. Đến huyện Quỳnh Lưu thì quá mệt, thấy xe bộ đội đi vào nhiều, ba người xin “quá giang” vào Vinh. Quãng đường từ Quỳnh Lưu vào Vinh cũng là lúc mà Đinh Quang Hợp được các anh bộ đội kể về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Nghệ An. Đó cũng là quãng đường mà các sinh viên trường nhạc hát cho bộ đội nghe, và được các anh bộ đội hát tặng lại các làn điệu dân ca xứ Nghệ. Xe đưa thẳng đến trận địa pháo Làng Đỏ, vừa lúc máy bay địch đang đánh Ga Vinh. Mỗi lần chứng kiến một máy bay địch bị quân và dân Nghệ An bắn rơi, ông thấy sung sướng vô cùng trước cảm giác tiêm kích hiện đại của giặc Mỹ bị súng ta vít xuống như... lá bàng rơi.
 
Buổi chiều ngày đầu tiên đến Vinh, Đinh Quang Hợp đã tìm ra sông Lam tắm mát. Mấy cô dân quân bước từ phía dưới sông lên, mặc áo nâu quần đen, súng vác qua vai, rất trẻ trung và khỏe khắn, cô nào cũng tươi rói. Đêm đến, ngồi trên triền đê sông Lam, dưới gió mát trăng thanh là cảnh phà Bến Thủy đưa bộ đội qua sông, trên những cánh đồng là những tốp nông dân tay cày vai súng. Những hình ảnh sống động đó gieo vào lòng chàng trai trẻ những rung cảm đặc biệt, hối thúc anh tiếp tục đi, để hiểu, để cảm, và để viết.
 
Đinh Quang Hợp đã xin ngồi đò dọc để được ngược Vinh – Nam Đàn bằng đường sông. Tại các vùng Nam Đàn, Đô Lương, Con Cuông, đến đâu cũng được chiêu đãi món... nhút, vốn đã từng nghe nhiều, nhưng khi được mời ăn thì chàng trai sinh ra lớn lên ở Ninh Bình cảm thấy bối rối vì mùi vị rất lạ, nhưng vì xã giao, không ăn không được nên đành phải cố. Sau một tuần, Đinh Quang Hợp cũng quen được với món nhút, đó cũng là lúc Đinh Quang Hợp cho ra đời “Tiếng hát sông Lam”.
 
Sau đó, Đinh Quang Hợp đăng ký với Ty Văn hóa để báo cáo kết quả chuyến thực tế của mình. Và buổi báo cáo đó cũng là buổi trình làng đầu tiên ca khúc “Tiếng hát sông Lam”. Những người có mặt hôm đó mới nghe qua lần đầu đã thấy rất lạ, rất thích, có người đã phát biểu ngay rằng đây là bài hát sẽ “sống” được và “đứng” được lâu dài. Lập tức, lãnh đạo ngành Văn hóa tỉnh đã mời ca sỹ Song Thao thể hiện, và thật không ngờ ngay từ lần đầu, ca sỹ Song Thao đã thể hiện một cách nhập tâm và thăng hoa với từng chữ, từng lời. Chuyến thực tế của ông vì thế đã kết thúc sớm với chỉ một tuần và thành công vượt qua cả mong đợi, với một buổi liên hoan chiêu đãi của Ty Văn hóa Nghệ An, dĩ nhiên là vẫn không thiếu món... nhút.
 
Đi cùng năm tháng
 
Về đến Hà Nội, phần việc còn lại là thu âm bài viết để “hoàn tất sản phẩm” chuyến thực tế phục vụ cho lễ tốt nghiệp. Trong một tuần đó, ông về Hà Nội hoàn thiện phần đệm, phối khí. Với phần thể hiện của Tường Vi, ca khúc Tiếng hát sông Lam trở thành 1 trong 5 tác phẩm âm nhạc tốt nghiệp xuất sắc của khóa học. Không những thế, ngay sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thu thanh và “Tiếng hát sông Lam” thường xuyên được phát trên sóng. Năm 1967, Tường Vi đem Tiếng hát sông Lam tham dự Liên hoan âm nhạc toàn quân và đạt Huy chương Vàng. Nữ nghệ sĩ này tiếp tục gắn bó với Tiếng hát sông Lam và phần thể hiện ca khúc này cũng góp phần làm nên tên tuổi bà và đưa về cho bà nhiều phần thưởng cao quý khác ở những cuộc thi, liên hoan âm nhạc với quy mô lớn nhỏ khác.
 
Ngay từ khi xuất hiện trên sóng phát thanh toàn quốc, “Tiếng hát sông Lam” sớm trở nên quen thuộc và nhanh chóng đi vào đời sống, cổ vũ tinh thần chiến đấu và sản xuất của quân và dân ta ở cả hai miền Nam – Bắc vốn đang bị chia cắt. Năm 1968, trong một buổi chiêu đãi khách quốc tế, Bác Hồ đã đề nghị Tổng Cục chính trị mời nghệ sỹ Tường Vi thể hiện ca khúc “Tiếng hát sông Lam” cho Bác và đoàn khách quốc tế nghe. Khi nghe xong, mọi người đều rất thích. Hôm đó Bác rất vui, Bác giới thiệu với các vị khách quốc tế về địa danh và con người nói đến trong bài hát “Tiếng hát sông Lam” rằng: “Đây là quê hương tôi”. Bác còn dí dỏm nhắc nhớ mọi người rằng tiếng Nghệ An gọi là “nác” chứ không phải “nước”, tác giả viết “nước” là để cho nó phổ thông (trong cụm “Dòng nước sông Lam” - TG).
 
Từ năm 1969 đến 1972, nhạc sỹ Đinh Quang Hợp được cử đi Bungari để nghiên cứu sáng tác, phối khí bậc trên đại học, sau đó ông vừa sáng tác, vừa gắn bó với hoạt động giảng dạy và quản lý tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Ông thiên về sáng tác và viết nhạc kịch, hợp xướng, với những tác phẩm được sử dụng và giới thiệu rộng rãi như: Vinh quang Tổ quốc ta; Lời ca trên đất Huế; Lửa và Hoa; Ta hát tiếp lời ca thời đại... Một số tác phẩm khí nhạc Đinh Quang Hợp như các bản sonate cho piano Nước xoáy, sonate cho violon và piano Cô gái đất dừa, tam tấu thập lục Ngày hội xuân. Tại Học viện Âm nhạc quốc gia, ông đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ học trò ở khoa sáng tác, có những học trò của ông đã thành danh và là những tên tuổi quen thuộc như: An Thuyên, Trần Tiến, Trọng Đài, Mai Cường... Ông cũng là người tham gia viết sách giáo khoa phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy, biểu diễn như: Tuyển tập phối khí cho giàn nhạc giao hưởng; Tính năng các nhạc cụ cổ truyền; Phối khí cho nhạc cụ cổ truyền.
 
Tuy nhiên, với đông đảo công chúng và nhân dân lao động, ông vẫn được biết đến nhiều hơn với tư cách là tác giả của Tiếng hát sông Lam, Nhịp cầu sông Mã, Câu hò trên những dòng kênh...    
 
Đến nay, sau gần nửa thế kỷ, ca khúc Tiếng hát sông Lam vẫn được các thế hệ ca sỹ tìm đến để thể hiện và khẳng định. Theo nhạc sỹ Đinh Quang Hợp, sau thế hệ Song Thao, Tường Vi, Thu Hiền, Hồng Năm... đến thế hệ Tiến Dũng, Ngọc Hà... rồi Tân Nhàn, Phương Thảo... và hiện nay các ca sỹ Phương Thanh, Quế Thương... cũng đang hứa hẹn nhiều thành công bởi họ đã có sự kế tiếp khá ấn tượng.
 
Khi tôi sắp hoàn thành bài viết này, rất tình cờ, khi ngồi cà phê với một người bạn xa quê, cứ mỗi lần có điện thoại gọi đến, nhạc chuông lại vang lên “Hò ơi dò khoan, như sóng trào dâng Nghệ An đứng dậy trong bom rơi lửa đạn, bắn cháy quân thù giữ lấy biển trời, trăng đẹp quê ta...”. Tôi biết Tiếng hát sông Lam lại có thêm một hình thức tồn tại, yêu thích mới theo cách riêng của người trẻ, mà nghe vẫn “thiết tha vô vàn tiếng hát chiều nay”. 
 
Ngô Kiên