(Baonghean) - Từ những năm 1940 của thế kỷ trước, bố con ông Đoàn Ngọc Cát khăn gói lên Thị trấn Con Cuông lập nghiệp. Đồng thời, mang theo nghề miến phở của quê hương lên “định danh” ở đất này...
Một đêm ở Thị trấn Con Cuông, trong lúc dạo phố núi tình cờ tôi trông thấy những hàng miến phở phơi trắng nõn dưới ánh đèn vàng. Người đàn ông mái tóc bạc trắng đang lom khom gỡ bánh phở xếp thành từng chồng. Ông Đoàn Ngọc Cát (80 tuổi), chậm rãi kể cho tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề. Ông Cát không giấu nổi niềm tự hào về nghề miến phở của Thị trấn Con Cuông: "Hiện khối 4 có hơn chục gia đình làm nghề miến phở. Làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Bình quân mỗi ngày lãi trên dưới trăm nghìn. Tháng Tết, ngày lễ phải thuê thêm người làm. Nghề này không vất vả nhưng mọi công đoạn đều làm bằng tay (trừ mỗi xay bột là đã có máy), nên cũng bận bịu...". Ông Cát cho hay, trước kia, nghề làm miến phở nhọc nhằn lắm. Điện không có, xay bột bằng cối đá, suốt cả đêm một người quay được vài cân gạo là mỏi nhừ cả tay. Mùa hè nóng nực, mồ hôi lúc nào cũng đẫm lưng áo.
Ông Đoàn Ngọc Cát sớm mất mẹ, bố ông buồn phiền đành dứt quê đưa con lên mảnh đất Con Cuông lập nghiệp. Khi ấy ông Cát chưa đầy 4 tuổi. Lên vùng đất mới, hai bố con ông sống bằng nghề miến phở. Ông Cát nhớ lại: "Bố tui thường nói, bố con mình xa quê, đem cái nghề của quê hương theo, vừa có kế sinh nhai, vừa giữ nghề, giữ hồn quê...".
Ngày qua ngày, năm qua năm, hai bố con ông Cát cặm cụi với nghề làm miến. "Dân Tương Dương hồi ấy nghèo, mấy ai mua bánh miến phở ăn", Vì vậy, mỗi mẻ miến phở làm xong, hai bố con lại đội bánh đi bán khắp huyện, xuống Anh Sơn rồi lại ngược lên Tương Dương; Kỳ Sơn. Có một vùng đất mà đến tận bây giờ ông Cát còn nhớ mãi, ấy là tộc người Đan Lai ở Khe Nóng ( Châu Khê) đói khổ. Họ không có tiền mua bánh phở, bố con ông Cát bán bánh chịu, đợi đến mùa lúa chín trả bằng gạo. Thấy bà con dân bản đón nhận sản phẩm của mình làm ra, hai bố con ông Cát mừng đến phát khóc. Nhờ đó, hai con người, một mồ côi vợ, một mồ côi mẹ dần dần vơi đi nỗi buồn tha hương. Ngày ngày vượt lên khó khăn, thiếu thốn, đặt trọn niềm tin vào nghề. Hồi ấy, dầu thắp hiếm, không có tiền dùng đèn dầu thường xuyên, trong gian bếp làm bánh bao giờ cũng nhen hai bếp lửa, một bếp làm bánh, một bếp thay cho ngọn đèn dầu. Thời đó, chưa có vỉ tre để phơi bánh, phải phơi bánh miến phở trên những chiếc lá cọ.
Xếp những chiếc bánh phở, ông Cát chia sẻ thêm: Muốn bánh miến phở ngon, khâu ngâm bột đòi hỏi có bí quyết đã đành, quy trình phơi bánh cũng khá quan trọng. Mình phải đon làm sao khi chiếc bánh vừa đủ cắt, không quá khô cũng không quá dẻo, nếu khô quá khi cắt bánh sẽ bị gãy, sợi bánh trông không được đẹp. Vì thế, mùa hè chỉ phơi độ gần 2 tiếng đồng hồ, mùa đông phơi độ trên 3 tiếng. Quy trình làm miến phở như sau: gạo ngâm khoảng 2 giờ đồng hồ, bỏ vào máy xay. Xay gạo xong cho mức nước sôi đã nấu nguội ngâm với bột gạo 1 đêm. Miến phở khi ăn thơm ngon là nhờ vào công đoạn này. Người ngâm bột gạo phải ước lượng được số lượng bột và ngâm cách nào là ngon nhất. Ấy là phải biết chia đều số lượng bột ra mà ngâm. Làm 20 kg gạo, bao giờ cũng phải chia đều ra 5 cái chậu để khỏi chua bột, khi ngâm bột cho thêm một chút muối và đánh đều.
Không khí gia đình ông Cát lúc nào cũng vui, sum vầy. Anh Nguyễn Khả Thông, con rể của ông Cát tâm sự: " Bố mình tuổi đã già, nhưng ông yêu nghề lắm. Suốt ngày loay hoay bên từng mẻ bánh, vì vậy con cháu tranh thủ lúc nhàn rỗi cũng bắt tay vào làm bánh, vừa vui, vừa tăng thêm thu nhập. Ngày trước bình quân một ngày làm dăm bảy kg gạo, có ngày lên đến cả tạ. Bây giờ sức khỏe ông không được như trước nên ngày vài ba chục ký vừa đủ bán cho bà con trong vùng.
Dọc phố núi Con Cuông, những quán ăn rộn ràng người qua lại, bát miến phở quán hàng nhà ai tỏa ra thơm phức. Những sợi miến phở ấy được làm ra từ bàn tay tảo tần của ông Cát, bàn tay người dân phố núi khối 4, Con Cuông...
Bài, ảnh: Thu Hương