Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ ngày 20/3/2019, với 6 bậc thang sử dụng cho khách hàng sinh hoạt: bậc 1 từ 0 - 50kWh, người tiêu dùng sử dụng đến 50kWh sẽ chịu chi phí tăng thêm khoảng 7.000 đồng; bậc 2 từ kWh 51-100 kWh, người tiêu dùng sử dụng đến 100kWh phải trả thêm khoảng 14.000 đồng, tăng 8,4%; bậc 3 từ kWh 101-200, người tiêu dùng nếu sử dụng đến 200kWh phải trả thêm 31.600 đồng; bậc 4 từ 201 - 300 kWh thì khách hàng phải trả thêm khoảng 53.100 đồng; với mức trên 400kWh thì khách hàng trả thêm khoảng 77.200 đồng.
Hiện nay có hơn 25,8 triệu khách hàng sử dụng điện; trong đó 35,6% sử dụng dưới 100kWh; mức trên 300 kWh chỉ có chưa đến 15%; trên 400 kWh chiếm 7,1%... Do vậy, thiết kế giá điện theo bậc thang để hỗ trợ hộ nghèo sử dụng điện bậc thấp, đồng thời khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Đại điện Bộ Công Thương khẳng định riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/ tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Như vậy với 2,11 triệu hộ nghèo, chính sách hiện nay ngân sách nhà nước đang chi 1.274 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện cho nhóm đối tượng này.
Hiện nay, EVN đang bán điện đến hơn 1,4 triệu khách hàng sản xuất, ở mức tăng 8,36%, mỗi hộ trả thêm bình quân 12,39 triệu, tăng 869.000 đồng/tháng.
Bộ Công Thương cũng cho biết đã thực hiện khảo sát với các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, sử dụng điện nhiều, các hộ sản xuất xi măng có thể trả thêm 7,19% tương đương 13 triệu đồng/tháng, nhưng có khách hàng tăng 8,44% và trả 95 triệu đồng/tháng. Với ngành thép, trong các khách hàng sử dụng ít thì tăng khoảng 7,3%, tương đương 50 triệu đồng/tháng.