(Baonghean) - Như đã biết, tiến độ vụ đông năm nay của tỉnh ta bị chậm do hạn hán nặng nề làm chậm thời gian thu hoạch lúa mùa, mưa lụt xảy ra ngay khi nhiều diện tích cây vụ đông mới được gieo trồng… Hiện người dân các địa phương đang tranh thủ trời nắng ráo, nỗ lực chăm sóc và khép kín diện tích cây trồng.

Ông Trần Minh Tân, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Lưu Sơn (Đô Lương) cho  biết: Vụ đông năm 2015 toàn xã phấn đấu gieo trồng trên 163,7 ha cây trồng các loại, gồm  bầu đỏ, bí xanh, dưa chuột, mướp đắng, đậu cô ve, khoai lang... Trước khi triển khai sản xuất vụ đông, HTX phối hợp với bảo vệ thực vật xây dựng kế hoạch diệt chuột bằng biện pháp sinh học và đánh bắt thủ công nhằm hạn chế tối đa chuột gây hại trên diện tích cây trồng. Riêng đối với vụ đông, mức đầu tư sản xuất khoảng 30 triệu đồng/ha, cho thu hoạch 90 triệu đồng/ha, nhà nông có lãi 60 triệu đồng/ha...
 
images1389335_a5_ch_m_s_c_ng____ng___nghi_hoa_nghi_l_c_..jpgChăm sóc ngô đông ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc). ảnh Châu Lan.
 
Vụ đông năm 2015 toàn huyện Đô Lương phấn đấu gieo trồng trên 3.832 ha  cây trồng  các loại. Trong  đó 1.800 ha ngô,  200 ha lạc, 900 ha rau đậu  các loại, 495 ha khoai lang, 137 ha cây trồng  khác và 500 ha  nuôi cá vụ 3. Để sản xuất vụ đông 2015 giành  thắng lợi các chỉ tiêu về diện  tích, năng suất, sản lượng ở  các loại cây trồng, vật  nuôi và tăng thu nhập  trên đơn vị diện tích huyện khuyến cáo, bà con cần phải dựa trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác để gieo trồng các loại rau đậu phù hợp. Trong đó chú trọng phát triển các giống rau cao cấp để tăng thêm hiệu quả kinh tế. 
 
Huyện Thanh Chương, chỉ đạo sản xuất vụ đông phát triển toàn diện cả về diện tích, năng suất và giá trị thu nhập sản phẩm hàng hóa. Bố trí các loại cây trồng hợp lý, tăng cường đầu tư thâm canh, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất hàng hóa. Kế hoạch tổng diện tích sản xuất vụ đông năm 2015 của toàn huyện gồm 6.550 ha, trong đó 3.500 ha ngô, 800 ha rau màu, 700 ha sắn, 250 ha chè, 700 ha cá vụ 3... Vụ đông năm nay huyện Thanh Chương  tăng diện tích trồng ngô trên đất màu đồi và đất hai lúa, chú trọng đưa các loại giống có năng suất cao vào sản xuất để tăng hiệu quả canh tác. Bên cạnh đó, sản xuất rau màu thành vùng tập trung với các loại như: đậu cô ve, dưa chuột, bí xanh, rau ăn lá các loại. Bà con tích cực áp dụng trồng rau an toàn để cạnh tranh thị trường tốt hơn...
 
Làm đất trồng khoai lang vụ đông ở xã Nghi Long (Nghi Lộc).
 
Tại Nghi Lộc, tranh thủ nắng lên, chị Thái Thị Hằng, xóm 13, xã Nghi Long ra đồng phun thuốc trừ nấm và kích thích sinh trưởng cho ngô. Hai sào ngô của gia đình chị, trong đợt mưa lụt giữa tháng 9, vừa mới trồng đã bị ngập 3 ngày liên tục. Trên ruộng ngô, những vồng cao và ít bị ngập hơn hiện đã vươn cao 7- 8 lá, còn những luống ngô bị ngập sâu, may mắn không chết nhưng cây còi cọc, chỉ mới ra được 3- 4 lá. “Sau khi nước rút, gia đình đã tập trung vun lại gốc, xới xáo, chăm bón, nhưng cây ngô vừa còi, vừa bị nấm nên mấy ngày nay phải pha thêm lân vào thuốc BVTV để phun cho ngô. Phun xong, lại cày lên, bón đạm, tấp gốc và làm lại luống...” - chị Hằng cho biết.
 
Là một trong những vùng trọng điểm về cây màu của huyện Nghi Lộc, nhiều năm qua vụ đông luôn được coi là vụ sản xuất “chủ lực” của Nghi Long, với các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao luôn được bà con tập trung khép kín diện tích như ngô, lạc, rau màu. Trước đợt mưa lụt xảy ra, Nghi Long đã trồng được trên 75 ha ngô trên đất màu. Mưa ngập từ ngày 14- 17/9 đã làm hầu hết diện tích, hơn 30 ha ngô mới trồng bị hư hại phải trồng lại; 3,5 ha mô hình lạc L20 và L26 chậm phát triển do mưa làm đất bị chặt, tỷ lệ nảy mầm thấp. Thế nhưng chỉ chờ nước rút, bà con lại tập trung ra đồng, chăm sóc bổ cứu, phun thuốc kích thích sinh trưởng cho những diện tích ngô còn có khả năng hồi phục, gieo trỉa lại ở những diện tích bị mất hẳn bằng các giống ngô nếp và một số giống ngắn ngày khác. Đồng thời tập trung khép kín hơn 30 ha lạc đông. 
 
Ông Đồng Thanh Bình, Phó phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Toàn huyện có hơn 3.000 ha lúa mùa tập trung ở các xã vùng màu như Nghi Trường, Nghi Thạch, Nghi Thịnh… Nếu mọi năm diện tích này được gieo từ tháng 6 và đến nửa đầu tháng 10 đã cho thu hoạch thì năm nay do hạn nặng, thời vụ gieo cấy bị chậm lại nên phải 2 tháng nữa mới gặt được. Bên cạnh đó, mưa lụt xảy ra khi một số diện tích cây vụ đông vừa được gieo trồng đã làm ảnh hưởng khoảng 300 ha. Ngay sau mưa, huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con tập trung gieo trồng lại những diện tích bị mất hoàn toàn, xới xáo, vun gốc và chăm bón những diện tích có khả năng hồi phục. Tuy nhiên, theo ông Bình, diện tích cây vụ đông năm nay khó đạt theo kế hoạch, chủ yếu ở những diện tích ngô trên đất hai lúa. Nghi Lộc dự kiến trồng 3.691 ha ngô, trong đó có 700 - 1.000 ha ngô nếp làm hàng hóa, còn lại là ngô lai. Tuy nhiên đến nay, ngoài 500 ha ngô nếp đã được gieo trỉa, toàn huyện mới chỉ trồng được trên 1.000 ha ngô lai trong khi thời vụ gieo trồng chỉ còn đến ngày 30/9.
 
Là vùng trọng điểm về cây rau của tỉnh, sản xuất vụ đông ở Quỳnh Lưu từ nhiều năm nay chủ yếu tập trung vào phát triển và khai thác hiệu quả của sản xuất rau màu. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, thì mưa lụt đã làm chậm thời vụ một số loại cây trồng. Đến nay toàn huyện đã trồng được 1.500 ha/KH 4.200 ha cây trồng vụ đông. Trong đó ngô trên đất hai lúa 200 ha/KH 600 ha, hơn 200 ha ngô trên đất bãi, một số vùng đất vừng đã được trồng ngay từ sau khi thu hoạch vừng hè thu từ tháng 8 ở các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Quỳnh Văn…
 
Nhưng đáng kể nhất, mưa lụt đã làm thiệt hại của Quỳnh Lưu gần 600 ha rau màu các loại, tập trung ở các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh và Tân Sơn. Rau màu là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, lên tới hàng trăm triệu đồng/ha, đặc biệt là trong vụ đông, nên dù bị thiệt hại, ngay sau khi đất ráo, bà con lại tập trung ra đồng để khép kín ngay diện tích. Trừ một số loại cây như cà chua, bắp cải, su hào trồng trên 3 tháng mới cho thu hoạch, còn lại các loại rau khác như rau cải, rau ngót… có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ trong vòng 1 tháng đã thu hoạch; từ tháng 8, người dân đã tiến hành trồng và thu hái rải rác. Tại vùng rau này, các loại rau vụ đông được phát triển tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, như ở xã Tân Sơn trồng mướp đắng, dưa leo, đậu leo, cà xanh; các xã vùng dưới Quỳnh Văn, Quỳnh Lương phát triển cà chua, bắp cải, rau xanh các loại…
 
Vụ đông năm nay một số địa phương ở Nghệ An lại chịu mưa lụt ngay từ khi nhiều loại cây trồng mới được gieo. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm tiến độ sản xuất vụ đông ở nhiều nơi bị chậm lại. Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT, đến ngày 22/9, toàn tỉnh mới trồng được 6.364 ha ngô trong tổng KH 28 nghìn ha, trong đó ngô trên đất hai lúa chỉ mới trồng được 1.076 ha; 869 ha lạc/KH 1.500 ha; trên 2.000 ha rau đậu các loại/KH 12.500 ha... Những ngày qua, tranh thủ tiết trời nắng ráo, bà con nông dân ở các địa phương đều đang ra đồng tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh, hiện nay một số địa phương như Hưng Nguyên, Yên Thành… người dân đã làm ngô bầu, ngô mạ để trồng, vừa rút ngắn thời gian trên ruộng, kéo dài được thời vụ đưa ra đồng trong điều kiện đất đai, thủy lợi chưa thuận lợi, vừa giúp cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
 
Bên cạnh đó, đến ngoài 20/10 mới hết thời vụ gieo trỉa ngô bãi, các địa phương có diện tích đất vùng bãi nhiều như Anh Sơn, Thanh Chương, Hưng Nguyên… cần tập trung chỉ đạo người dân sử dụng những giống ngô ngắn ngày, hiệu quả cao đưa vào sản xuất, khép kín diện tích theo kế hoạch. Với cây rau, hiện tại vẫn còn một số diện tích ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu bị úng cục bộ, bên cạnh việc khép kín lại diện tích ở những vùng đất đã khô, cần quan tâm đến việc khơi dòng, làm đất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trồng lại rau ngay sau khi đất ráo.
 
Bài, ảnh: Phú Hương, Quỳnh Lan