(Baonghean) - “Viên gạch chịu lửa”, ấy là tên một bài báo khá ấn tượng cách đây hơn 40 năm của cô phóng viên trẻ Phan Thị Thúy Liên khi mới về nhận việc tại tòa soạn Báo Nghệ An. Tôi đã mượn tên bài báo ấy, để nói về chính tác giả của nó, một nhà báo, một người thầy, một người chị đầy yêu mến của nhiều thế hệ làm báo Nghệ An trong mấy chục năm qua.

Nói nhà báo Thúy Liên, nguyên Tổng Biên tập Báo Nghệ An, là “viên gạch chịu lửa” quả không sai. “Nếu để vẽ chị Thúy Liên bằng các nét tính cách cơ bản, thì đó là: cần mẫn, tận tụy, kiên trì, can đảm”- nhà báo Hoàng Chỉnh đã nhận xét như vậy về đồng nghiệp cũng là vị nữ lãnh đạo một thời kỳ gắn bó lâu dài của mình.  
 
images1179252_img_4674.jpgĐồng chí Phan Thị Thúy Liên, nguyên Tổng biên tập Báo Nghệ An.
Năm 1973, khi 21 tuổi, nhà báo Thúy Liên về nhận công tác tại Báo Nghệ An. Quãng thời gian đầu tiên, chị là phóng viên, có lúc kiêm cả biên tập viên, thậm chí làm chân mo rát và vẽ mi trang. “Đó là những tháng ngày nhiều gian nan, vất vả nhưng là quãng thanh xuân sôi nổi, nhiệt thành. Thế rồi, cùng với tình thương mến, sự dìu dắt của lớp đàn anh đi trước, cộng với lòng yêu nghề lớn dần từ lúc nào không hay, nhà báo Phan Thị Thúy Liên đã trưởng thành từng ngày để trở thành một cây viết xuất sắc. Mỗi một chặng đường gắn với biết bao nhiêu kỷ niệm của một nhà báo cần mẫn, chịu khó, biết sẻ chia, biết lăn xả. Cơ quan ngày ấy là mấy dãy nhà tranh ở Phong Toàn, Hưng Dũng, bữa cơm tập thể thì 2 phần độn ngô, nhưng chị vẫn ở lại hàng đêm, chép lại những bài viết đã qua biên tập cho sạch sẽ đưa đi nhà in. Những lần lặn lội xuống cơ sở, đói và rét nhưng vẫn chịu nhịn để kịp viết bài mang về tòa soạn. “Có lần đi họp tổng kết công nghiệp cá - muối ở Cửa Lò, mình đi với phóng viên Xuân Hương. 2 anh em chở nhau trên chiếc xe đạp cũ. Lúc trở về, trời thì tối, đường thì cát, xe lại thủng săm, vậy mà anh Hương vẫn bắt mình: Ngồi yên đấy, o mà xuống khéo xe lại nặng hơn ấy! Mình nhớ, nói về nghề báo, nhà báo Dương Xuân Hương đã tự trào lộng: “Phóng viên bản báo tỉnh nhà/Đạp xe khắp nẻo đường xa lối gần…”- nữ tổng biên tập một thời nhắc lại. 
 
Từ một cô sinh viên trẻ mới ra trường, trở thành một tay viết “cứng”, rồi lấy chồng, sinh lần lượt 2 đứa con… Mọi buồn vui, riêng tư của nhà báo Thúy Liên đều gắn với tòa soạn nhỏ bé của mình. Những ngày đó, đa phần là “ăn cơm cơ quan”, nhất là sau khi chồng chị đi công tác nước ngoài biền biệt 10 năm. Những khi làm báo tết, 2 con nhỏ lại theo mẹ lên tòa soạn trực đêm, trở thành những khách hàng quen thuộc của quán bún bà Lý. Rồi, kẽo kẹt sau lưng mẹ quãng đường trở về nhà. Những ngày đó, chở con về ngang qua đường tàu hun hút gió đêm, người mẹ sau một ngày lao động mệt nhoài vẫn có cảm giác ớn lạnh. Thế nhưng, sức dẻo dai, bản năng yêu thương, chở che của người mẹ cùng với bản lĩnh cứng rắn được tôi luyện qua nghề báo đã giúp chị vượt qua hết thảy, kể cả những đận khó khăn khi con trai chị đau ốm suốt nhiều năm trời. 
 
Từ năm 1993, nhà báo Thúy Liên làm Phó tổng biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Báo Nghệ An cho đến năm 2007. Giai đoạn này, Phòng Thư ký là một tập thể đoàn kết, không khi nào ngớt tiếng cười. Mọi người thường đùa với nhau rằng chúng ta “tu ở chùa bà Liên”, thường gọi vị nữ lãnh đạo ấy là “mẹ”. Mẹ Liên đi họp rồi. Ồ, mẹ Liên về chia kẹo kìa. “Các con ngoan ngoãn/ Mau mở cửa ra/ mẹ đã về nhà…”. Cuối năm, tòa soạn lại có thơ vui: “Năm nay tòa soạn lắm vần “iên”/ 10 năm phò tá đức mẹ Liên/ Ông Chỉnh mua xe đừng sợ thiếu/ Vay dăm ba triệu có tiền liền” (ấy là nói về đận nhà báo Hoàng Chỉnh- biên tập viên Phòng Thư ký có ý định mua xe máy. Hồi đó, Tổng biên tập là nhà báo Thanh Tiên, Phó tổng là nhà báo Văn Hiền và nhà báo Thúy Liên, nói “lắm vần iên” là vì thế!). Sự lặng lẽ miệt mài, tận tụy và đầy trách nhiệm của nhà báo Thúy Liên được đánh giá, ghi nhận khi cất nhắc chị lên vị trí Tổng biên tập của báo vào năm 2003. Nhà báo Thúy Liên, khi làm lãnh đạo, quản lý được đánh giá là người lấy “đức” làm trọng, đồng thời cũng là người có “con mắt xanh”. Chị đã nhìn thấy những “đốm sáng” lóe lên trong số những đồng nghiệp trẻ, nâng niu nó, gây dựng nó để một ngày giúp nó tỏa sáng. Chị là người có công phát hiện bồi dưỡng một số tài năng, để từ đây họ tiếp tục có những cống hiến to lớn cho sự phát triển của báo Nghệ An sau này.  Một tập thể đoàn kết, biết trân trọng lớp trẻ, có những bài viết ghi dấu ấn mạnh mẽ trong làng báo, đã biết nói tiếng nói đấu tranh, nhưng đấu tranh để mà xây dựng, cho cuộc sống tốt hơn lên, ấy chính là dấu ấn của nữ tổng biên tập đầu tiên của Báo Nghệ An Phan Thị Thúy Liên.
 
Biết chúng tôi tìm đến để mong viết chút gì đó về một nhà báo lớp trước, chị Thúy Liên chối: “Mình không có gì để viết đâu! Thú thực, nhìn báo Nghệ An bây giờ, các bạn đã có bước tiến xa quá, mình thì làm được rất ít ỏi nên nhắc đến thêm…ngại. Nhắc đến, có nhiều điều nuối tiếc thôi”. Nói rồi, chị lại tâm sự những trăn trở về nghề. Sau ngày nghỉ hưu (2007), chị trở về làm bí thư chi bộ của khối 11 (phường Cửa Nam - TP. Vinh), nhưng vẫn không quên đọc báo Nghệ An mỗi ngày. Xa tòa soạn, nhưng tờ báo đã là một phần máu thịt trong mình, chị nói với một niềm xúc động, tự hào.v
 
Thùy Vinh