Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành
Chủ tịch Hồ Chí Minh là con trai của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) và bà Hoàng Thị Loan (1868-1901). Ngày 19/5/1890, Người ra đời tại nhà ngoại tại làng Hoàng Trù, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1901, khi làm lễ vào làng Kim Liên (nhà nội) cùng thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Người được cha đổi tên thành Nguyễn Tất Thành.
Năm 1903, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cụ Nguyễn Sinh Sắc đến xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thời gian này, cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy chữ Hán tại nhà ông Nguyễn Thế Văn. Trong thời gian theo cha đến học ở Võ Liệt, Người có dịp nghe chuyện thời cuộc của các sĩ phu đến đàm đạo với cha mình.
Trả lời nhà báo Mỹ Anna Louise Strong vào năm 1965, Người nhớ lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[1].
Năm 1905, Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ Nguyễn Sinh Sắc xin cho theo học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh (Nghệ An). Chính tại trường tiểu học này, Người lần đầu tiên tiếp xúc với khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Trong bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” của nhà văn Liên Xô Osip Mandelstam đăng trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” (Ogoniok) số 39 ra ngày 23/12/1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[2].
Do đó, cách đây 110 năm, vào ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang độ tuổi 20 tuổi đã lên con tàu Pháp mang tên L'Admiral Latouche Trévill, một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách của hãng Chargeurs Réunis của Pháp, xin vào làm phụ bếp nhằm bắt đầu lý tưởng cứu nước, cứu dân vĩ đại của Người.
Về sự kiện trọng đại này, sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên viết rằng: “Một vị trí thức ở Sài Gòn kể lại cho tôi: “Trong khi còn học ở Trường Chasseloup-Laubat, tôi gặp một người thanh niên ở Trung bộ vào Sài Gòn ở nhà một người bạn. Vì cùng một lứa tuổi, cho nên chúng tôi lập tức trở nên đôi bạn thân. Tôi đưa anh đến trước tiệm cà phê của Pháp xem đèn điện, xem chiếu bóng và máy nước. Những cái đó trước kia anh chưa hề thấy.
Một hôm tôi mời anh ăn kem. Anh rất lạ. Lần đầu tiên anh mới nếm mùi kem.
Sau ít hôm, anh đột nhiên hỏi tôi: “Anh Lê, anh có yêu nước không?”.
Tôi ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!”.
“Anh có thể giữ bí mật không?”.
“Có”.
“Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”.
“Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”.
“Đây, tiền đây” - Anh bạn của tôi vừa nói vừa giơ hai bàn tay - “Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?”.
Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh, tôi đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ về cuộc phiêu lưu, tôi không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Vài ngày sau, tôi không gặp lại anh bạn nữa. Tôi đoán là anh ta đã đi ngoại quốc. Anh ta đi bằng cách nào? Tôi không biết. Về sau, tôi chỉ biết người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy là Cụ Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chủ tịch của chúng ta ngày nay”[3].
Nguyễn Ái Quốc - ngọn cờ yêu nước của nhân dân Việt Nam
Trên cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Pháp, Mỹ, Anh… Tại những nơi này Người đã nghiên cứu một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhất thời cận đại và nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa phương Tây “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[4] và kết luận “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”[5]. Đặc biệt, tại nước Mỹ, một nước từng là thuộc địa của thực dân Anh và sau độc lập trở thành một nước tư bản chủ nghĩa tiên tiến, Người đã nhận xét: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”[6].
Cuối năm 1917, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Pháp lần thứ hai. Thời gian đầu khi tới Paris, Người được các đồng chí trong Ban đón tiếp những người lao động nhập cư của Đảng Xã hội Pháp giúp đỡ. Sau đó, Người thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp có tư tưởng yêu nước như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường. Năm 1918, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đảo Réunion thăm vị vua yêu nước Thành Thái đang bị an trí tại đây. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, Vua Thành Thái đã nói: “Ngay từ năm 1918 khi trốn ra ngoại quốc, cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Réunion. Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt” (Báo “Cứu Quốc”, số 748, ra ngày 6/11/1947).
Đúng như nhận định của Vua Thành Thái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quý tin tưởng và trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Tiếp đó, đại diện Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người dùng tên Nguyễn Ái Quốc để gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Hòa bình Versailles vào ngày 18/6/1919, đòi Chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Cùng ngày 18/6/1919, Người cũng đã gửi Bản yêu sách cho Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ Woodrow Wilson với mong muốn ông này “ủng hộ trước những người có thẩm quyền”. Woodrow Wilson khi đó đã đưa ra 14 nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia sau cuộc đại chiến. Đặc biệt, tại Điểm số 14 của Tuyên bố này nêu rõ: “Thành lập Liên minh các dân tộc để đảm bảo độc lập cho tất cả các dân tộc trên thế giới, dù lớn, dù nhỏ”. “Chủ nghĩa Wilson” với sự hô hào về “quyền dân tộc tự quyết” sau đó được Người đánh giá là “bánh vẽ”, “trò bịp bợm lớn”[7].
Bản yêu sách đã được đăng toàn văn trên báo “Nhân Đạo” (L' Humanité) và trên báo “Dân Chúng” (Le Populaire). Ngoài bản tiếng Pháp, Bản yêu sách còn có bản chữ Quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề “Việt Nam yêu cầu” và một bản chữ Hán nhan đề “An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư” để gửi cho Việt kiều ở Pháp và bí mật gửi về nước. Một tiếng vang nữa, Bản yêu sách được đăng trên báo “Nghị Xã” xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc). Ngày 2/8/1919, bài “Vấn đề bản xứ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo “Nhân Đạo” (L’ Humanité) cũng nhắc lại những nội dung chính Bản yêu sách và khẳng định nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là chính đáng.
Năm ngày sau khi Bản yêu sách được gửi đi, Tổng thống Pháp đã yêu cầu điều tra dồn dập về Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và người đại diện đã gửi Bản yêu sách với cái tên “Nguyễn Ái Quốc”. Trong một lần theo dõi buổi nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris, viên mật thám Pháp Paul Arnoux đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”[8]. Ngày 6/9/1919, Albert Sarraut - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa (trước đây từng là Toàn quyền Đông Dương) đã đích thân gặp cho kỳ được Người tại trụ sở Bộ Thuộc địa. Ngay ngày hôm sau, Người viết thư đòi Albert Sarraut thực thi Bản yêu sách: “Tiếp theo cuộc trao đổi với Ngài hôm qua, tôi xin phép gởi đến Ngài kèm theo đây bản trình bày các yêu cầu của người An Nam. Vì Ngài có nhã ý nói với tôi rằng Ngài luôn luôn muốn làm sáng tỏ mọi vấn đề, tôi xin phép yêu cầu Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện, và chúng tôi phải liên hệ với những tư liệu nào để chứng minh điều đó. Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thỏa đáng”[9].
Từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức một điều sâu sắc đó là: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản”[10]. Sau này, nói về lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam - động lực cho cách mạng giải phóng dân tộc, Người đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[11].
Mốc quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước
Sau 8 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một sự kiện lớn của cách mạng thế giới đã xuất hiện. Đầu năm 1919, V.I.Lênin và những người theo chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của Lênin họp đại hội ở Thủ đô Mátxcơva của nước Nga Xô viết và thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III). Sự kiện này đã cổ vũ cho phong trào cách mạng thế giới, trước hết là phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở phương Tây và phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông.
Cũng đầu năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia vào Đảng Xã hội Pháp. Nói về lý do vào Đảng Xã hội Pháp, Người trả lời: “Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy - hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế - đã tỏ ra đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức”[12]. Vào những tháng cuối năm 1919, Ủy ban Quốc tế Cộng sản của Đảng Xã hội Pháp được thành lập. Mục đích của Ủy ban này là vận động Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế Cộng sản và bảo vệ nước Nga Xô viết đang bị các chính phủ tư sản kể cả Chính phủ Clémanceau của Pháp, tấn công dữ dội.
Do đó, trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tham dự các cuộc họp của Đảng Xã hội Pháp và Ủy ban Quốc tế Cộng sản của Đảng Xã hội Pháp. Trong các cuộc họp, Người thường thông báo cho các bạn Pháp về tình hình Việt Nam và những tội ác của thực dân Pháp ở đó. Người cũng đã cùng một số đảng viên Đảng Xã hội Pháp đi quyên góp tiền trong các phố Paris để giúp cách mạng Nga vượt qua nạn đói, hậu quả của việc Chính phủ Pháp và chính phủ các nước Đồng minh bao vây nước Nga Xô viết. Cùng với việc quyên tiền, Người đã tham gia phân phát các truyền đơn của Đảng Xã hội Pháp kêu gọi nhân dân lao động Pháp lên án sự can thiệp vũ trang của Chính phủ Pháp vào nước Nga Xô viết, hoan nghênh Cách mạng Tháng Mười Nga.
Như vậy, năm 1919 là một năm quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu năm, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng cánh tả có truyền thống đấu tranh mạnh mẽ ở nước Pháp. Giữa năm, Người trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp với việc ký tên đại diện của Hội trong “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam”. Cuối năm, Người tích cực tham gia ủng hộ nước Nga Xô viết và bắt đầu có cảm tình sâu sắc với V.I.Lênin. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhớ lại: “Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình… Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[13].
Tất cả các sự kiện này sẽ dẫn đến một sự kiện vĩ đại vào năm 1920, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin trên Báo “Nhân Đạo” và sau đó Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Đúng như đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nhận định: “Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước… Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử”[14].
Huế, ngày 2/6/2021
[1]Báo Nhân Dân, ngày 18/5/1965.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 477
[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Trẻ - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 13-14
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 268.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270.
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 416.
[8] Hồng Hà, “Thời thanh niên của Bác Hồ”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr. 81
[9] Thu Trang, “ Nguyễn Ái Quốc ở Pari (1917 - 1923)”, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 420.
[10] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.33.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 38.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127.
[14] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969.