(Baonghean) - Lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, nhu cầu về nguồn nước tưới tăng cao trong giai đoạn vừa qua là những nguyên nhân chủ yếu khiến mực nước trong các hồ đập cũng như sông suối hiện đang xuống thấp. Áp dụng phương án tưới khoa học, hợp lý và tiết kiệm là việc mà người dân, các địa phương và đơn vị thủy nông cần chấp hành nghiêm túc trong giai đoạn hiện nay. 
 
 
Từ cách đây hai tuần, mực nước trên sông Lam bắt đầu xuống thấp, cán bộ Trạm bơm Lĩnh Sơn (Anh Sơn) đã phải đắp thêm những bao tải cát dọc theo bờ sông, nâng cao “đường quai xanh” để giúp dòng nước chuyển hướng, chảy mạnh hơn về phía hầm bể hút, nơi mấy cái máy bơm đang hoạt động.
 
images959314_h__th_ng_m_y_b_m_ch_m_t_i_tr_m_b_m_l_nh_s_n____b__n_i_l_n_tr_n_m_t_n__c_v__ngu_n_n__c_xu_ng_th_p.jpgHệ thống máy bơm chìm tại Trạm bơm Lĩnh Sơn đã nổi lên trên mặt nước vì nguồn nước xuống thấp.
 
Ông Nguyễn Đăng Chiến - Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật - Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Anh Sơn, cho biết: Chỉ cần vài tuần nữa, trời tiếp tục không mưa, nếu muốn sang sông, chỉ cần lội qua chứ không phải đi đò nữa vì dòng sông đã trơ đáy. Còn hiện tại, đến ngày 8/4, mực nước trên sông chỉ còn 10,24m, trong khi với hệ thống máy bơm chìm của trạm, để máy có thể hoạt động bình thường, mực nước yêu cầu phải  là 10,36m.  “Hiện tại, chúng tôi vẫn đang khắc phục được, nhưng nếu 2 tuần nữa không có mưa bổ sung, Thủy điện Bản Vẽ điều tiết nước không hợp lý, mực nước xuống khoảng 30 phân nữa thì sẽ không khắc phục nổi. Có nhiệm vụ cung cấp nước cho 380 ha lúa nước của xã Lĩnh Sơn, nhưng từ 2 năm nay, khi Thủy điện Bản Vẽ bắt đầu chặn dòng, nguồn nước trên sông thường xuống rất thấp, như năm 2013, có thời điểm trạm bơm phải ngừng hoạt động 4 - 5 ngày vì không có nước để bơm. Với tình hình như hiện nay, chúng tôi sẽ phải tiếp tục đắp “đường quai xanh” cao thêm, đồng thời nạo vét lòng sông, áp dụng biện pháp bơm cách quãng”- ông Chiến cho biết. 
 
Mực nước hồ Chọ Quan xã Khai Sơn (Anh Sơn) đang xuống thấp.
 
Quản lý 5 hồ đập lớn trên địa bàn là Khe Nậy, Đồng Quan, Ruộng Xối, Cao Can và Khe Chung, mỗi hồ có dung tích trên dưới 2 triệu m3, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Anh Sơn có trách nhiệm quản lý, cung cấp nước tưới cho trên 30 nghìn ha lúa nước của huyện Anh Sơn. Tuy nhiên, nếu ở thời điểm này năm ngoái, lượng nước trong các hồ vẫn còn ở mức 75 - 80% dung tích thì hiện tại, do từ trước Tết đến nay không hề có mưa bổ sung nên các hồ này chỉ còn 45 - 50% dung tích thiết kế. Theo ông Lê Văn Đàn - Giám đốc công ty, nếu mọi năm nước vẫn đủ tưới cho cả gieo cấy của vụ hè thu thì năm nay ngay, từ giai đoạn lúa trổ vụ xuân đã khó khăn về nguồn nước, lượng nước hiện tại chỉ còn đủ tưới “miễn cưỡng” cho hai đợt tưới tập trung còn lại của vụ xuân. Bên cạnh đó, 4 trạm bơm trên sông Lam hiện cũng đã bắt đầu gặp khó khăn, nguồn nước giảm, một số trạm bơm đã phải đắp “đường quai xanh” để tạo nguồn nước bơm. 
 
Lấy nước từ cống Nam Đàn, hệ thống thủy lợi của Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi nam Nghệ An có nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 46 nghìn ha lúa của các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh và TX Cửa Lò. Từ đầu vụ xuân đến nay, mực nước tại cống Nam Đàn luôn dao động từ 0,3 m - 0,9 m, thấp thua so với mức nước thiết kế từ 0,25 - 0,85m, có nghĩa là có những thời điểm, nước trong nội đồng đã ở mức cao hơn và chảy ngược qua cống Nam Đàn, nguy cơ hạn sẽ xảy ra trên toàn hệ thống là rất lớn, đặc biệt tại cống Nghi Quang đã có nguy cơ mặn xâm nhập do mực nước biển cao hơn nước đồng. Hiện tại, do nguồn nước không đủ, đơn vị đã phải dùng đến các biện pháp chống hạn như ưu tiên bơm trước cho những trạm khó khăn, xa nguồn nước ở Nghi Lộc, Hưng Châu, Hưng Phúc, Hưng Thắng (Hưng Nguyên)… Đồng thời huy động lực lượng khơi thông các tuyến kênh dẫn, các trạm bơm nước để tranh thủ bơm dự trữ ngay khi có nước. “Từ nay đến cuối vụ xuân, vẫn còn 2 - 3 đợt tưới tập trung, riêng Nghi Lộc còn 4 đợt do có một số diện tích cấy muộn hơn.
 
Để đảm bảo nước tưới, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm túc lịch tưới khoa học, hợp lý, không bơm thừa, không lãng phí nước, đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm. Đặc biệt, do đặc thù của hệ thống thủy lợi nam là các công trình như cống Bến Thủy, Nghi Quang đều nằm sát biển, nên chúng tôi rất chú trọng đến việc kiểm tra chất lượng nguồn nước, việc đo độ mặn được thực hiện thường xuyên trước, trong và sau khi bơm nhằm đảm bảo không cung cấp nguồn nước đã bị nhiễm mặn quá mức cho phép” - ông Thái Văn Hùng - Phó Giám đốc công ty cho biết.
 
Trong 3 tháng đầu năm, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh ta rất thấp, chỉ đạt 83 mm, thấp hơn lượng mưa cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 40 mm và thấp hơn lượng mưa cùng kỳ năm 2013 là hơn 20 mm. Do không có mưa bổ sung, trong khi từ đầu vụ sản xuất đến nay, nhu cầu về lượng nước tưới phục vụ làm đất, gieo cấy, chăm sóc cho cây lúa rất lớn nên mực nước tại các hồ chứa đã giảm rất nhanh. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, đến cuối tháng 3/2014, trong 50 hồ chứa lớn do các doanh nghiệp quản lý trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ có 6 hồ lượng nước đạt 100% dung tích thiết kế, 8 hồ có dung tích từ 50 - 70% dung tích thiết kế và có 1 hồ có lượng nước nhỏ hơn 50% dung tích thiết kế. Riêng hơn 600 hồ do địa phương quản lý hiện nay chỉ còn từ 50 - 60 % dung tích thiết kế. Tại các công trình đầu mối, mực nước cũng đang giảm nhanh, lúc 7h ngày 03/4/2014, tại thượng lưu cống Nam Đàn đã xuống mức 0,7 m/thiết kế 1,15 m. 
 
Phó Chi cục Thủy lợi Nghệ An - ông Nguyễn Trường Thành cho biết: Hiện trên các cánh đồng chưa xảy ra tình trạng hạn hán, nhưng một số đơn vị cấp nước đã gặp khó khăn về nguồn nước. Mực nước trên các hồ đập, sông suối đang giảm rất nhanh. Trong khi hiện nay, dù mới chỉ bước vào thời kỳ nắng nóng nhưng nắng và nhiệt độ cao đã xảy ra khá gay gắt ở một số địa phương. Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, trong thời gian tới, thời tiết sẽ hết sức bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nắng nóng cao, gió Tây Nam hoạt động mạnh, nguồn nước sông suối giảm nhanh, tình hình hạn sẽ diễn ra và có nguy cơ xẩy ra trên diện rộng. Diện tích lúa trổ bị thiếu nước sẽ tăng lên, thậm chí ở nhiều nơi như vùng Diễn - Yên - Quỳnh, Nam - Hưng - Nghi và vùng hồ chứa, vùng bán sơn địa ở trung du miền núi sẽ thiếu cả nước sinh hoạt. Do đó, các địa phương, đơn vị thủy nông cần rà soát lại phương án chống hạn đã được lập từ đầu vụ để tích cực triển khai, tập trung tuyên truyền đến tận người dân để nhân dân sử dụng nước tiết kiệm. Đồng thời điều hành phân phối nước hợp lý.
 
Toàn hệ thống phải tổ chức bơm luân phiên, từng trạm bơm trên địa bàn các huyện cũng tổ chức bơm luân phiên. Có kế hoạch phân phối nước hợp lý, triệt để tiết kiệm dành nước cho thời kỳ lúa trổ, có các biện pháp chủ động đối phó với tình hình khi hạn hán xẩy ra, nhất là vùng cuối kênh, vùng bán sơn địa và vùng miền núi. Đảm bảo chất lượng nước tưới, không để mặn. Mở hết cửa lấy nước tại các cống Nam Đàn, Mụ Bà kể cả âu thuyền. Các cống cuối kênh (Bến Thuỷ, Nghi Quang, Diễn Thành, Diễn Thủy…)  phải đóng kín tuyệt đối. Bên cạnh đó, cần huy động lực lượng tập trung nạo vét các kênh tưới, các ách tắc cục bộ trên trục kênh chính (kênh Hoàng Cần, Hưng Nghĩa, Lê Xuân Đào, Lam Trà, Bàu Nón, Khe Khuôn), các bể hút trạm bơm, kênh dẫn tuy nhiên cần lưu ý, đối với trạm bơm cuối nguồn nước, các bể hút không được nạo vét quá sâu để tránh mặn xâm nhập.
 
Phú Hương