(Baonghean) - Hiện nay trên địa bàn Nghệ An có nhiều doanh nghiệp được cấp phép khảo sát, thăm dò, khai thác cát, tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng thủ tục này tiến hành khai thác cát trái phép trên sông Lam.
Trưa đứng bóng nhưng đoạn sông Lam thuộc xã Bồi Sơn, Tràng Sơn - Đô Lương vẫn có hàng chục con tàu đang hút cát, tiếng máy nổ đinh tai nhức óc. Những con tàu thọc “vòi rồng” hút cát giữa lòng sông rồi lại lầm lì tiến vào bờ để hút, cả dòng sông Lam cuộn lên ngầu đỏ. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ thì tàu nào cũng trồi lên lặc lè tiến vào bến để xả cát.
Lần theo những con tàu chở cát, chúng tôi đã tìm được 2 bến cát. Đầu tiên là bến cát của Công ty TNHH xây dựng Hoa Bình do Lê Hữu Bé làm giám đốc. Bến cát được mở ngay trong vườn nhà và được đổ đất cơi nới chiếm diện tích ra lòng sông Lam. Có 3 tàu hút cát dưới sông, phía trên là những đống cát ngồn ngộn được máy xúc liên tục đổ vào xe tải. Sát bên là bến cát của Công ty TNHH Bảo Ngân do Lê Hữu Quế làm giám đốc, xe ô tô vận tải đang vào ra nhộn nhịp chở cát. Được biết 2 doanh nghiệp này vừa mới có thủ tục thăm dò khai thác cát nhưng đã đầu tư mở bến bãi, hệ thống máy xúc lật và cần trục hoạt động công khai y như được cấp giấy phép. Điều khiến người dân bức xúc là những “quái vật sắt” này hút cát gây sạt lở ruộng, bờ kè, ảnh hưởng tới Trạm bơm Động Đỏ phục vụ nước tưới cho trên 100 ha lúa.
Chị Thường ở xóm 5, xã Bồi Sơn bức xúc: Trước đây gia đình tôi có gần 2 sào đất bãi bồi để trồng ngô, đậu, lạc, do khai thác cát trái phép bừa bãi nên đất ruộng nương bị sạt lở chỉ còn khoảng 0,6 sào để canh tác, trong khi gia đình có 7 miệng ăn. Theo chị Thường thì hút cát diễn ra cả ngày lẫn đêm, người dân đã có ý kiến với chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết. Nếu không ngăn chặn kịp thời nạn khai cát trái phép thì chỉ vài năm nữa bờ kè sẽ bị hỏng, đe dọa khu dân cư.
Hoạt động khai thác cát diễn ra nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm tại 2 bến cát mà chỉ cách UBND xã Bồi Sơn trên 300 mét. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bồi Sơn lý giải: Thời gian qua xã đã cấm 2 đơn vị trên không cho khai thác và đã từng đóng cọc bê tông để cấm xe ô tô vận tải vào bến chở cát, nhưng do mấy tháng nay xã xây dựng công trình trường mầm non nên chúng tôi cho tháo cọc bê tông, cho phép 2 đơn vị trên khai thác phục vụ công trình của xã.
Ông Trần Kim Đoàn - Quyền Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Đô Lương cho biết: Địa bàn huyện Đô Lương hiện nay chỉ mới có một công ty được cấp phép khai thác mỏ cát là Công ty TNHH đầu tư phát triển tài nguyên Thái Cực. Hiện có 7 đơn vị đang làm thủ tục khảo sát thăm dò khai thác cát, và có một số đơn vị đang khai thác trái phép, huyện đang thành lập đoàn để kiểm tra. Đồng thời trong tháng 3/2014 cũng đã trực tiếp có công văn về việc “chấm dứt khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn huyện” đối với các đơn vị là Công ty TNHH Bảo Ngân, Công ty TNHH xây dựng Hoa Bình… Giao cho UBND các xã Tràng Sơn, Bồi Sơn, Đặng Sơn thường xuyên kiểm tra giám sát, nếu công ty nào không chấp hành thì giao cho UBND xã xử lý, báo cáo kết quả để UBND huyện đề nghị UBND tỉnh không cấp phép khai thác.
Còn tại Nam Đàn, tình trạng lợi dụng “thăm dò” để khai thác cát trái phép cũng đang diễn ra. Công ty Phú Quý Trọng (Hùng Tiến - Nam Đàn) do Lê Văn Hạ làm giám đốc đã tự động mở con đường từ thân đê để mở bến cát, quy mô bến khá lớn, được đầu tư 2 máy xúc lật và 3 cần trục, xe ô tô vận tải liên tục vào ra chở cát. Theo người dân phản ánh, tại đoạn sông Lam kéo dài từ xã Hùng Tiến đi Hồng Long do cát đẹp, vàng và mịn nên tàu thuyền hút cát của Lê Văn Hạ hoạt động cả ngày lẫn đêm gây nên sạt lở bờ kè và đất canh tác. Bà Dương Thị Phượng ở xóm 2, xã Hồng Long cho biết: Họ cho tàu hút suốt ngày, hút cả hai bờ khiến nhiều đoạn kè bị sạt lở đã trôi hết cả đá xuống sông, phía bờ bên kia thì đất lở vào đất canh tác. Trước đây gia đình tôi có 3,5 sào đất bãi mà nay lở hết chỉ còn 0,3 sào để trồng lạc. Nhiều đoạn sông giờ là hố sâu, đe dọa đến tính mạng người dân, môi trường nước ô nhiễm nghiêm trọng. Theo người dân địa phương cho biết, tại bến cát của Công ty Quý Phú Trọng mỗi ngày có trên 30 xe vận tải vào mua cát với giá từ 25.000 - 30.000 đ/m3, mỗi xe ô tô bình quân chở trên 10 m3 cát, doanh thu đạt gần 10 triệu đồng/ngày. Hỏi Lê Văn Hạ đã có quyết định cấp mỏ chưa mà tiến hành khai thác cát nhiều năm qua, Hạ cho biết: Chúng tôi thuộc HTX Lam Sơn Đại Thành, chỉ mua cát tự do thôi.
Ngược lên Thị trấn Nam Đàn, ven chân cầu Nam Đàn có 7 bến cát là thành viên của HTX Lam Sơn Đại Thành. Tại vị trí sát với chân cầu Nam Đàn là bến cát khổng lồ của ông Nhưng, thấy chúng tôi chụp ảnh, ông Nhưng dừng máy nói: Cứ lên HTX Lam Sơn Đại Thành mà hỏi, chúng tôi đã được huyện cấp thuê mặt bằng bến bãi, vừa nghỉ cả tuần nay, từ sáng tới giờ mới hút được 2 tàu. Phía trên đó là bến của ông Phạm Văn Hoàn máy móc hoạt động khá nhộn nhịp. Ông Hoàn nói: Chúng tôi khai thác cát theo sự chỉ đạo của HTX Lam Sơn Đại Thành, 2 ngày mới hút được một tàu. Khi đề cập tại sao chưa được cấp phép mà HTX Lam Sơn Đại Thành vẫn ngang nhiên khai thác cát, ông Nguyễn Trung Châu - Chủ nhiệm HTX Lam Sơn Đại Thành giải thích: HTX với 64 thành viên có trên 46 tàu thuyền hút cát, hiện đang làm thủ tục thăm dò 3 địa điểm 43 ha trên sông Lam.
Lý do khai thác là điều kiện của người dân trước đây theo nghề đánh bắt cá trên sông khó khăn, nếu không làm nghề cát thì không biết làm nghề gì. Hiện nay chúng tôi chỉ khống chế mỗi ngày cho 10 tàu khai thác, tương đương 35 m3 cát. Tuy nhiên, theo khảo sát thì tàu thuyền của HTX Lam Sơn Đại Thành và các doanh nghiệp trên địa bàn có khoảng gần 100 tàu thuyền lớn nhỏ hút cát bất kể ngày đêm. Theo quy định thì việc khai thác và kinh doanh cát phải thực hiện các khoản đóng góp như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp... Thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp khai thác, kinh doanh cát trái phép đều trốn thuế hoặc không nộp đầy đủ. Theo cách tính toán của một số đầu nậu, ví như khai thác được 6.000m3 cát, doanh thu khoảng trên 180 triệu đồng thì số tiền thuế và phí tương ứng khoảng 25-28 triệu đồng. Với doanh thu “khủng” như vậy mà không phải nạp thuế, các tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép được hưởng lợi nhuận rất lớn.
Ông Trần Sáu - Chuyên viên phòng Tài nguyên - Môi trường Nam Đàn nói thêm: Địa bàn Nam Đàn hiện có 4 đơn vị đang trong giai đoạn làm thủ tục khảo sát thăm dò là: HTX Lam Sơn Đại Thành, Công ty Hoàng Long, Công ty Hùng Long, Công ty Hùng Anh. Từ tháng 7/2013 đến nay, UBND huyện xử lý và phạt các thuyền khai thác cát tự do 52 triệu đồng. Đến thời điểm này huyện đang tiếp tục kiện toàn đoàn liên ngành để kiểm tra xử lý hoạt động khai thác cát trái phép.
Hoạt động khai thác cát trái phép ở Nam Đàn đe dọa nhiều công trình thủy lợi như đê, kè, cống ba ra Nam Đàn, đặc biệt là cầu Nam Đàn nhiều chỗ đã bị hút rỗng, nguy cơ sập cầu có thể xảy ra. Trao đổi xung quanh vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường - ông Võ Duy Việt cho biết thêm: Sở Tài nguyên Môi trường đang thành lập đoàn kiểm tra chấn chỉnh công tác khai thác khoáng sản, trong đó có khai thác cát. Đối với các doanh nghiệp lợi dụng giấy phép thăm dò để khai thác cát trái phép rất cần sự phối, kết hợp giám sát của chính quyền địa phương. Nếu phát hiện được thì tiến hành làm rõ nguyên nhân đình chỉ, xử lý và thu hồi giấy phép khảo sát thăm dò.
Đối với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép, theo quy định tại Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010 và Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND ngày 5/2/2013 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện và UBND cấp xã đối với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép; nếu địa phương nào để xẩy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhưng không có biện pháp xử lý kịp thời thì trách nhiệm trước hết thuộc về UBND huyện, UBND xã nơi có hoạt động khoáng sản trái phép. |
Vương Trần