Những tuabin gió khổng lồ trên biển của Anh đem lại nguồn năng lượng vô hình vừa sạch vừa rẻ cho quốc gia này.

 

Đầu tháng 6, Chris Barani, phóng viên BBC tới trang trại tuabin gió Burbo Bank cách bờ biển Liverpool khoảng 7 km để chiêm ngưỡng những tuabin gió lớn nhất thế giới. 

"Với chiều cao 195 m, tuabin gió này cao gần gấp đôi tháp Big Ben. Ấn tượng hơn nữa là khi những đôi cánh khổng lồ này buông xuống, xé gió, chúng chỉ phát ra những tiếng động nhẹ nhàng", Barani nhận xét.

Anh đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng gió. Trang trại điện gió lớn nhất trên Trái Đất là London Array của Anh, một khu vực có 175 tuabin lớn ở cửa sông Thames. Khoảng 5,2 GW điện của Anh do tuabin gió đem lại, gần bằng tổng năng lượng những trang trại điện gió khác của châu Âu.

Theo báo cáo tháng 12/2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chi phí sản xuất tuabin gió đã giảm hơn 30% trong ba năm qua, chi phí điện gió đã giảm trung bình xuống 50 USD một megawatt giờ, bằng một nửa so với chi phí điện than và rẻ hơn nhiều so với điện hạt nhân.

Burbo Bank là một ví dụ cho thấy năng lượng gió biển đã nhanh chóng phát triển ra sao. Cơ sở điện gió này được xây dựng 10 năm trước, bao gồm 25 tuabin với công suất 3.6 MW, cung cấp điện cho khoảng 80.000 hộ gia đình. Hiện nay, Burbo Bank đã mở rộng quy mô lên 32 tuabin với công suất 8 MW.

Đoàn phóng viên ngồi tàu ra thăm Burbo Bank. Ảnh: BBC.

"Đó là một sự khác biệt lớn", Benj Sykes, phó chủ tịch kiêm giám đốc quản lý tài sản của Dong Energy (Đan Mạch), đơn vị lắp đặt trang trại gió Burbo Bank, cho biết. "Tôi nghĩ đó là minh chứng cho tiến bộ công nghệ trong 10 năm qua".

Ông cho biết, một cánh quạt khổng lồ chỉ cần xoay một vòng là đủ cung cấp điện cho một hộ gia đình trong 29 giờ. Ở tốc độ nhanh nhất, các cánh quạt quay gần 30 vòng mỗi phút. Tuy nhiên, khả năng khai thác những cánh quạt khổng lồ này cũng có giới hạn. Nếu xoay quá nhanh, chuyển động có thể làm hỏng tuabin, vì vậy, các cánh quạt được thiết kế để khóa yên vị trí khi có bão.

Bên cạnh đó, tuabin cũng cần được bão dưỡng thường xuyên. Ở khoảng cách xa bờ, công việc này gặp rất nhiều khó khăn. Tại Liverpool, các đội kỹ thuật có nhiệm vụ theo sát từng tuabin một.

"Công việc này tương tự bảo dưỡng xe hơi. Khi có sự cố, bạn phải đi sâu và tìm ra vấn đề", quản lý Justin Monaghan nhận xét.

Monaghan và đội của ông làm nhiệm vụ sửa chữa hoặc thay thế thiết bị điện, thủy lực hoặc các bộ phận chuyển động. Mỗi tuabin có kho tích trữ đồ ăn và nước riêng trong trường hợp thời tiết thay đổi đột ngột và kỹ thuật viên phải nằm đợi trong đó.

Hiện nay, công việc bảo dưỡng gặp nhiều thuận lợi hơn nhờ việc theo dõi sát dự báo thời tiết. Tuy nhiên, tại những dự án quá xa bờ, nhân viên kỹ thuật vẫn phải ở lại trên biển.

Tuabin ngoài biển thường ở quá xa đất liền, công tác bảo dưỡng thường rất khó khăn. Ảnh: BBC.

Dự án quan trọng tiếp theo của ngành là Hornsea, cách ngoài khơi biển phía tây bắc nước Anh 120 km. Trong dự án này, 150 kỹ thuật viên sẽ sống luôn trên biển, giống kỹ sư trên các giàn khoan dầu.

Khi hoàn thành giai đoạn I năm 2021, Hornsea sẽ trở thành trang trại gió lớn nhất thế giới với công suất lên đến 1,2 GW. Tùy theo quy hoạch cho giai đoạn cuối, toàn bộ trang trại có thể có công suất ​​4-6 GW khi hoàn thành vào giữa thập niên 2020, đủ để cung cấp điện cho hơn 4 triệu hộ gia đình, tương đương 15% hộ dân tại Anh.

Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi cũng có nhược điểm. Bên cạnh chi phí tốn kém để lắp đặt và bảo trì, các tuabin có thể tác động bất lợi đến động vật hoang dã. Các nhà bảo vệ động vật nói rằng chúng đe dọa nhiều loài như chim ưng và sư tử biển. Một số ý kiến khác cho rằng âm thanh từ những rung động của tuabin có thể làm cá voi mất phương hướng. 

Nhiều người phàn nàn rằng các trang trại điện gió làm xấu tầm nhìn ra biển, tuy nhiên một cuộc thăm dò năm 2016 cho thấy 73% số người được hỏi vẫn ủng hộ việc xây dựng trang trại gió ngoài khơi.

Những dự án ở khoảng cách xa hơn nữa cũng đã được các nhà phát triển tính đến như xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở giữa Biển Bắc với hàng trăm tuabin bao quanh và lắp đường dây điện từ Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Bỉ và Anh để đưa điện về đất liền.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN