Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Nghệ An đã tập trung cao cho công tác chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư và xây dựng, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư; từ đó, kết quả thu hút đầu tư là một trong những dấu ấn phát triển quan trọng trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 với nhiều dự án quy mô, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo nguồn lực góp phần để Nghệ An xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
“Đưa công nghiệp về làng”
Đưa công nghiệp về vùng nông thôn là một thành tích nổi bật trong thu hút đầu tư của Nghệ An ở nhiệm kỳ này. Nhiều nhà máy đã được mở ngay tại các làng quê, sử dụng nguồn lao động khá dồi dào trên từng địa bàn. Đó là thực tế ở các huyện Yên Thành, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Đô Lương...
Là xã bán sơn địa, thuần nông, giá trị sản xuất công nghiệp không cao, con em thiếu việc làm... nên Đảng ủy, UBND xã Nam Giang (Nam Đàn) đã xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu. Đảng bộ ra nghị quyết chuyên đề, chính quyền xây dựng đề án, tiến hành quy hoạch sử dụng đất đai một cách khoa học, hợp lý. Với sự nỗ lực tích cực của huyện, xã trong thu hút đầu tư, đến nay Cụm công nghiệp Nam Giang cơ bản lấp đầy với 3 dự án khá lớn, trong đó có 2 dự án đi vào hoạt động ổn định là Nhà máy Haivina Kim Liên và Hanosimex chi nhánh Nghệ An, thuộc Tổng Công ty Dệt may Hà Nội. Chị Bùi Thị Hiền - Công nhân nhà máy Dệt may Hanosimex chia sẻ: “Nhờ có nhà máy về trên địa bàn, tôi vừa có việc làm thường xuyên, lại gần nhà, hàng tháng thu nhập hơn 3 triệu đồng tiền lương”.
Cũng tại Nam Giang, dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại Nam Giang do Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An đầu tư với tổng số vốn đăng ký 2.100 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 25 ha, chế tác kim loại quý. Có thể thấy rõ sự chuyển động tích cực của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ làm nông nghiệp sang công nghiệp ở xã Nam Giang. Hiện trên địa bàn có 14 cơ quan, doanh nghiệp. Riêng tại Cụm công nghiệp Nam Giang có gần 5.000 lao động, trong đó con em địa phương trên 900 người. Ngoài ra, các doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo cơ hội cho lao động địa phương phát triển các dịch vụ phục vụ cho các nhà máy như phòng trọ, hàng hóa, lương thực thực phẩm...
Phát huy tiềm năng, lợi thế, thời gian qua huyện Yên Thành đã thu hút được 2 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư. Đó là Công ty Globe Farm (Hàn Quốc) trồng chuối xuất khẩu tại xã Viên Thành 200 ha, sử dụng 300 lao động, vốn đầu tư 3 triệu USD và Công ty TNHH MLB Tenergy (Nhật Bản) may mặc hàng xuất khẩu, tại cụm công nghiệp thị trấn, sử dụng 500 lao động, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp đang đăng ký đầu tư vào địa bàn. Công ty cổ phần Tây Nghệ Yên Thành xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel tại Cụm công nghiệp Cửa Nương – Đồng Thành trên diện tích 10 ha, sử dụng 150 lao động đã đi vào sản xuất. Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Huyện luôn xác định thu hút đầu tư là một hướng đột phá nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, thu hút hiệu quả nguồn vốn về đầu tư cho quê hương, tạo việc làm cho nhiều lao động. Ngoài những cơ chế chung của tỉnh, lãnh đạo huyện Yên Thành cam kết đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư”.
Tại các dự án, nhà máy xây dựng theo cơ chế thu hút đầu tư ở các huyện Anh Sơn, Đô Lương... cũng đã tạo hình ảnh thân thiện và mới mẻ đối với làng quê; nhất là con em nông dân vào làm trong các nhà máy đã tiếp cận phong cách lao động công nghiệp, ca kíp, công nhân được đảm bảo bữa ăn trưa ở nhà máy không tính vào lương, chiều về với gia đình, có điều kiện chăm sóc con cái và lo việc gia đình. Không chỉ đưa công nghiệp về làng, một số huyện còn thu hút được những dự án công nghệ cao như Nghĩa Đàn với Nhà máy sữa TH, dự án rau, hoa sạch, nhà máy gỗ ép công nghệ mới... Một số nhà máy khác cũng đang khai thác tiềm năng lợi thế đất đai của Nghệ An như các Dự án than củi sạch ở Anh Sơn, Dự án nhà máy xi măng Sông Lam, Khu liên hiệp sợi và dệt may của Tổng công ty Dệt may Hà Nội...
Để thu hút đầu tư vào các địa phương, tạo thêm bước phát triển mới cho các huyện, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải chủ động trong xúc tiến và thu hút đầu tư, tỉnh cũng phân khai ngân sách hỗ trợ thu hút đầu tư cho các địa phương, chỉ đạo địa phương giải phóng mặt bằng. Các địa phương cũng chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư và trực tiếp đi xúc tiến đầu tư.
Giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Nhiệm kỳ 2010-2015, Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong ban hành các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư. Trong đó đã ban hành Quyết định số 02/2010 về một số chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam; UBND tỉnh phê duyệt Đề án Cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Quyết định số 2595//2012; ban hành Quyết định số 21/2014 về ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng bến xe khách và bãi đỗ xe vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trên địa bàn…
Tỉnh cũng đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ ngày một hiệu quả. UBND tỉnh ban hành Quyết định 542/2/2014 về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn và Quyết định số 480/2014 về Kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức tỉnh Nghệ An năm 2014, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 3/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra đời đã tác động mạnh mẽ và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ và các dịch vụ công.
Công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) từng nhanh chóng có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm. Nội dung xúc tiến được đa dạng hóa và đổi mới, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp; từ đó chất lượng hiệu quả các hoạt động XTĐT ngày càng được nâng cao. Trung tâm XTĐT và Tư vấn phát triển đã xây dựng và vận hành trang thông tin xúc tiến đầu tư bằng 4 ngôn ngữ (Việt, Anh, Nhật, Hàn); tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư quan trọng như Hội nghị XTĐT Bắc Trung bộ, gặp mặt nhà đầu tư đầu xuân, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Anh Quốc, Hội nghị XTĐT Hàn Quốc... tập trung vào các đối tác trọng điểm, có tiềm lực, độ lan tỏa cao.
Công tác xúc tiến đầu tư đã mở rộng và gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến đầu tư Trung ương, các cơ quan, tổ chức nước ngoài và các ban, ngành trong tỉnh để làm việc với các tổ chức, đối tác quan trọng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Séc; nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Tôn Hoa Sen, Becamex Bình Dương và VSIP, Nguyễn Kim, FPT, Vinakansai, Tập đoàn dệt may Việt Nam... Liên tục trong các năm 2013, 2014, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức xúc tiến đầu tư ở nước ngoài với các tổ chức JETRO, KOTRA; trực tiếp đi làm việc với các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định, Quảng Ngãi... để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ để tiếp thu ý kiến, có biện pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt, đã tổ chức thực hiện các cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo từng chuyên đề như bất động sản, các dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Các cơ quan tuyên truyền cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh trên các ấn phẩm, từ đó lan tỏa mạnh mẽ môi trường, tiềm năng thế mạnh của Nghệ An.
Với nhiều giải pháp tổng hợp, đồng bộ, mạnh mẽ, thu hút đầu tư trong 4 năm nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Nghệ An đã mang lại hiệu quả to lớn. Số lượng dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh từ năm 2011 đến 2014 là 320 dự án/62.174,4 tỷ đồng, tạo động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH-HĐH. Các dự án đầu tư vào khu vực đô thị đã góp phần chỉnh trang đô thị, hình thành diện mạo mới, hiện đại cho khu vực đô thị, nhất là TP. Vinh, TX. Cửa Lò, Diễn Châu... ;hệ thống dịch vụ ngân hàng, các trung tâm thương mại dịch vụ tương đối phát triển; hệ thống hạ tầng du lịch, trong đó có các hạ tầng cao cấp (sân golf, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, khu nghỉ dưỡng ..); gia tăng kim ngạch xuất khẩu (dệt may, linh kiện điện tử, đồ chơi,..), nhất là các doanh nghiệp FDI tăng nhanh. Các dự án lớn thu hút được có thể kể đến: Nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam, Tôn Hoa Sen, Khu công nghiệp thực phẩm Ma San, nhà máy MDF, Nhà máy điện tử BSE, Nhà máy may Haivina Kim Liên, Nhà máy sữa TH…
Trao đổi với phóng viên tại công trường thi công dự án, ông Hoàng Chí Phan - phụ trách dự án của Nhà máy Royal Foods (Thái Lan) cho biết: “Công ty TNHH Royal Foods Việt Nam có trụ sở tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Công ty tiến hành đầu tư 2 dự án có tên doanh nghiệp là Công ty TNHH Royal Foods Nghệ An và Công ty TNHH Thực phẩm tươi sống và Kho lạnh có địa chỉ tại Khu B, KCN Nam Cấm, KKT Đông Nam, xã Nghi Long, Nghi Xá - Nghi Lộc. Ngành nghề kinh doanh là chế biến đóng hộp thủy sản; sơ chế nông, hải sản, thịt các loại; sản xuất bột cá; sản xuất lon rỗng và kho lạnh tươi sống để bảo quản sản phẩm. Dự án khi đi vào hoạt động (dự kiến tháng 7/2015), sẽ phát huy nguồn nguyên liệu thủy sản, tiềm lực lao động, vị trí địa lý, khả năng phát triển nguồn nguyên liệu của tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận, cũng như nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản của các địa phương này”.
Nói về hiệu quả thu ngân sách từ các dự án, ông Nguyễn Đình Hòa - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết: “Các dự án đầu tư theo từng năm tăng lên là nguồn thu ngân sách mới cho tỉnh và đóng góp rất đáng kể cho ngân sách của tỉnh. Nhiều dự án đóng góp ngân sách rất lớn như: Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam (600 tỷ đồng/năm), Bia Hà Nội (350 tỷ đồng/năm), Thủy điện Bản Vẽ (70 tỷ đồng/năm), Nhà máy sản xuất bao bì Sabeco, Thủy điện Hủa Na, thuốc lá Khánh Vinh...”. Từ làn sóng đầu tư ngoại tỉnh đổ về, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, thu hút vốn, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao như: Chăn nuôi và chế biến sữa công nghiệp tập trung TH, Nhà máy gỗ MDF, Dự án chế biến gừng và chuối của Công ty CP Vật tư NN Nghệ An, Nhà máy may Minh Anh…
Một tin vui đến với Nghệ An trong năm 2014 là Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 67/2014/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 2 Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An tỉnh Nghệ An ban hành kèm theo Quyết định 21/2010/QĐ-TTg ngày 3/3/2010. Cụ thể, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có tổng diện tích khoảng 20.026,47 ha bao gồm: Phần diện tích Khu kinh tế hiện hữu là 18.826,47 ha và phần diện tích điều chỉnh tăng thêm khoảng 1.200 ha toàn bộ diện tích Khu công nghiệp Hoàng Mai và Khu công nghiệp Đông Hồi; đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra thêm nhiều cơ hội mới trong phát triển cho Nghệ An.
Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết: Một trong những giải pháp mạnh phải thực hiện bằng được từ 2015 cho đến những năm tiếp theo đó là phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi và nền tảng cho thu hút đầu tư. Hạ tầng ở đây bao gồm tập trung chỉ đạo xây dựng các hạ tầng quan trọng thiết yếu, ưu tiên bố trí vốn đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cân đối dành vốn hàng năm để giải phóng mặt bằng, chủ động tạo quỹ đất sạch hợp lý sẵn sàng đón các nhà đầu tư; Tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, giao thông, cảng; hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, cung ứng và đào tạo lao động, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xây dựng các mô hình công nghệ chất lượng cao... Tỉnh đã có kế hoạch cụ thể xúc tiến đầu tư một số dự án về hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư và chắc chắn các dự án này với tinh thần trách nhiệm cao, với tiềm lực mạnh sẽ sớm thực hiện, không chỉ ở Khu kinh tế Đông Nam mà còn ở các Khu công nghiệp: Thọ Lộc, Nghi Lộc, Diễn Châu, Đông Hồi, Hoàng Mai 2, Nghĩa Đàn.
Nhóm PV