(Baonghean) - Từ giữa năm 2014 đến nay, nhiều loại rau hàng hóa trên thị trường rơi vào cảnh “rớt giá”, có thời điểm, giá rau rẻ như cho. Thực trạng đó đang đặt ra bài toán cho các cấp ngành quản lý, các doanh nghiệp và người trồng rau trong quy hoạch, trồng cũng như bảo quản, chế biến rau sạch.

images1136653_dsc_0608.jpgSản xuất rau ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu).
 
Nghịch cảnh rau sạch
 
Bên ruộng rau cải “quá lứa”, chỉ có thể muối dưa, chị Hồ Thị Hòa ở xóm 7 xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu không giấu được sự chán nản. Đáng lẽ ruộng rau này đã được nhổ từ lâu, nhưng do giá rau thấp quá, chị cứ nấn ná mãi hy vọng giá lên. Thế rồi cuối cùng chị đành phải nhổ cải già bán dùng muối dưa với mức giá vẫn chỉ 500 - 1.000 đồng/kg, trong khi những thời điểm rau đắt, có thể lên đến 4000 - 5.000 đồng/kg. “Cô lấy rau về mà ăn, tui biếu, đưa vào tận chợ Vinh nhưng cả bịch to thế kia cũng chỉ được 10 nghìn đồng, nhưng cũng phải bòn mót lấy lại phần nào chi phí”- chị Hòa chia sẻ. Ở cánh đồng bên cạnh, gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng (xóm 8) cũng trong tình cảnh tương tự, anh than vãn: “Chừ này rau rẻ như rơm chị nà”. Với 5 sào đất, anh trồng đủ loại rau, từ cà chua, bắp cải, xu hào...
 
Nếu sát Tết, cà chua có giá 10 - 12 nghìn đồng/kg thì nay đưa ra tận chợ nhập cũng chỉ được 2.500 - 3.000 đồng/kg. Hiện tại, ở vùng chuyên canh rau nổi tiếng này, su hào giá chỉ còn gần 2.000 đồng/kg, cải bắp cũng chỉ có giá gần 500 đồng/bắp, rau cải bạch khẩu có giá từ 500 - 1.000 đồng/kg. So với các vụ trước và những ngày trước Tết, giá rau xuống chỉ còn bằng 1/3, thậm chí có loại chỉ còn khoảng 1/5 giá trước đây. Giá đã thấp, tiêu thụ lại khó khăn, nhiều luống rau đã già, ngả vàng, những hộ có nuôi gia súc thì tận dụng mang về làm thức ăn, còn không thì làm phân cho đất, âu cũng là vòng quay của một vụ rau... 
 
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên người trồng rau ở Quỳnh Lương cũng như các vùng chuyên canh rau khác trong tỉnh rơi vào cảnh này. Đã rất nhiều vụ sản xuất, rau được mang cho không, thậm chí bỏ hoang không thu hoạch. Nghịch cảnh ở chỗ mặc dù, các hộ trồng rau cam kết rau được trồng, chăm sóc theo qui trình sạch, thế nhưng, ngày càng nhiều người dân ở các thị trấn, thành phố, thị xã - những nơi không có đất trồng rau, tìm mọi cách để có cây “rau sạch” do chính tay mình trồng cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của gia đình.
 
Trong ngôi nhà “mặt phố” của mình, đã mấy năm nay, bà Trần Thị Chi - phường Hưng Dũng - TP. Vinh tận dụng hết mọi không gian có thể để bỏ thùng xốp trồng rau sạch, thậm chí, bà còn đặt hàng hẳn mấy cái giá inox để đặt thùng trồng rau. Mùa nào thức ấy, cộng thêm “nguồn cung” từ anh em, chú bác ở quê, hầu như không bao giờ gia đình bà dùng rau ngoài chợ.
 
Theo bà Chi, “bây giờ ra chợ không biết đằng nào mà lần. Trời mưa trời nắng gì rau cũng xanh mơn mởn, nhưng không thể nhận biết đâu là rau sạch hoặc “rau bẩn”. Có vài điểm bán rau sạch, nghe nói được chứng nhận rau an toàn, nhưng giá hơi đắt, hơn nữa có nhiều nơi mang cái mác “rau sạch” lừa người tiêu dùng nên không thể an tâm”. Đó là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay. Hoàn toàn không khó để bắt gặp những thùng xốp trồng rau trong các gia đình, những luống rau trồng tận dụng trên những hẻm đất nhỏ hẹp ngay bên đường phố. Từ thực trạng có nhiều diện tích rau được trồng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều người tiêu dùng đã quay lưng lại với chính sản phẩm rau xanh được sản xuất trên địa bàn.
 
Những hướng đi...
 
Sau sự ra đời của HTX Phú Lương, những người lãnh đạo xã Quỳnh Lương đã “ôm tham vọng” biến vùng rau chuyên canh của xã thành vùng sản xuất rau an toàn lớn nhất của tỉnh. Với 20 xã viên tham gia, trồng trên diện tích gần 4 ha, mỗi ngày HTX này sản xuất ra hàng chục tấn rau sạch. Sản phẩm được ký hợp đồng tiêu thụ với một số siêu thị lớn như Metro Vinh, BigC Vinh, Metro Hà Nội, BigC Hà Nội. Người trồng rau được tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn ít nhất 2 lần/năm, theo đó rau được sản xuất theo những quy trình kỹ thuật đảm bảo, đặc biệt người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ít nhất là 10 ngày trước khi thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP). Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2003, lúc đó cách làm của HTX Phú Lương được coi là hướng đi mới mẻ, hiệu quả và cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.
 
Thế nhưng đến nay, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, từ vụ đông năm nay, HTX đã ngừng việc cung cấp rau cho các siêu thị mà chỉ còn bán cho các đại lý thu gom đưa đi tiêu thụ ở Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng. Theo chủ nhiệm HTX - ông Hồ Lâm Thông: “Mỗi ngày HTX sản xuất ra khoảng 2.000 tấn rau an toàn, nhưng số được các siêu thị trên tiêu thụ chỉ khoảng 0,5 - 1 tấn, số lượng ít quá nên lỗ cước vận chuyển. Hơn nữa, sản xuất rau an toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong kiểm định chất lượng sản phẩm, đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch cũng đồng nghĩa với việc người trồng rau sẽ vất vả hơn trong khâu trồng, chăm sóc. Thế nhưng trong khi đó, giá rau được thu mua hầu như luôn thấp hơn giá thị trường, những thời điểm cao hơn thì không đáng kể”. 
 
Trăn trở với vấn đề tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cho người dân, ông Hồ Nguyên Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương chia sẻ: “Từ mô hình HTX Phú Lương, xã đã triển khai nhân rộng các điểm sản xuất rau an toàn trên địa bàn toàn xã. Hiện ở 8 xóm đều đã có những vùng sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, người dân hầu như đang tự “bơi” trong hạch toán trồng, chăm sóc, tìm nơi tiêu thụ, giá cả và thị trường đều bấp bênh. Trong khi đó, trên thị trường, hầu như người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được đâu là rau sản xuất an toàn và đâu là rau không theo quy tắc an toàn, dẫn đến khó khăn, thiệt thòi cho người sản xuất rau an toàn. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con kiên trì tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn nhằm xây dựng và giữ vững thương hiệu rau Quỳnh Lương và mong vào cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt là sự nhận biết, ưa dùng sản phẩm rau sạch của người tiêu dùng...”.
 
Rau an toàn là sản phẩm rau tươi có hàm lượng các chất hóa học, sinh học, vật lý ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và môi trường. Trong điều kiện cuộc sống ngày càng nâng lên, nhưng mối nguy hại tiềm ẩn cho sức khỏe từ các sản phẩm không đảm bảo an toàn VSTP thì nhu cầu về sản phẩm rau an toàn trên thị trường ngày càng lớn. Thế nhưng khi ra chợ, không phải ai cũng có may mắn mua về được một mớ rau sạch. Điều này xuất phát từ việc nhiều hộ trồng rau lạm dụng các loại thuốc kích thích, tăng trưởng, thuốc BVTV để tăng năng suất, rút ngắn thời gian không theo quy trình sạch. Thực tế này diễn ra ở hầu hết các vùng trồng rau, vì vậy làm cho mối nghi ngại của người tiêu dùng về rau không sạch ngày càng tăng cao. 
 
Điều đáng suy ngẫm, đó là ngày càng nhiều những địa phương, dù không có chương trình, dự án triển khai về sản xuất rau an toàn - VietGap, nhưng người dân rất có ý thức trong việc sản xuất sạch để cung cấp các sản phẩm sạch cho thị trường. Bẻ một quả dưa chuột và ăn ngay tại ruộng, bà Trần Thị Toàn ở thôn Hồng xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương cho biết: Gia đình bà có hai sào đất màu trồng rau, mùa nào thức ấy, khi dưa chuột, khi bí xanh, nhưng từ nhiều năm nay, đã thành một nếp quen, gia đình bà cũng như các hộ dân khác trong thôn luôn ý thức sản xuất phải sạch. Cũng chính bởi vậy, nên có những mùa rau rộ, trong khi nhiều nơi khác tiêu thụ rau rất khó khăn, thì sản phẩm rau ở đây luôn được các thương lái từ Nam Đàn, Đô Lương săn đón, tìm mua tận ruộng, giá mua luôn ổn định. Hay tại xã Nghi Ân (TP. Vinh), đã nhiều năm nay chuyên trồng rau sạch. Với các loại giống tốt, chất lượng rau ngon, sạch, giá rau ở đây thường được thu mua cao hơn giá thị trường. Cùng với phương pháp sản xuất rau truyền thống, bà con Nghi Ân còn nắm chắc và sử dụng những tiến bộ KHKT trong trồng rau sạch như ủ phân hữu cơ thành phân hữu cơ sinh học, xử lý đất bằng vôi bột và phân hữu cơ trước khi gieo giống, còn trong suốt quá trình sinh trưởng chỉ tưới nước cho rau. 
 
Con đường nào cho rau an toàn?
 
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Cùng với quy hoạch chung của tỉnh, các địa phương cũng cần có quy hoạch cụ thể, căn cứ trên nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng sản xuất tràn lan, dẫn đến việc có nhiều thời điểm cung vượt quá cầu, khó khăn cho tiêu thụ của người dân. Cùng với đó, tỉnh cũng cần có các cơ chế chính sách đủ mạnh, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm rau của quả trên địa bàn. Hiện tại, mỗi năm Nghệ An có trên 2.000 ha sản xuất rau màu, sản lượng hàng trăm nghìn tấn nhưng chưa có doanh nghiệp nào tham gia vào đầu tư xây dựng cơ sở chế biến hay có biện pháp bảo quản rau sau thu hoạch hiệu quả, hợp lý. 
 
Những nguyên nhân đó dẫn đến tình trạng người nông dân trồng rau sạch phải chịu nhiều thiệt thòi. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cũng cần sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, giúp người dân thoát khỏi tình trạng tự “bơi” như hiện nay. Bên cạnh đó, để xu hướng sản xuất rau an toàn ngày càng phát triển, diện tích trồng rau sạch ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp cụ thể, hoàn chỉnh từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ. Các cơ quan chuyên môn như khuyến nông, bảo vệ thực vật, đo lường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... phải vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo đúng quy trình. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược và hệ thống các cửa hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm cạnh tranh. Sản phẩm rau an toàn phải được các cơ quan chuyên môn như Chi cục BVTV, Chi cục Đo lường chất lượng, Chi cục Vệ sinh ATTP theo sát, chỉ đạo, theo dõi, kiểm nghiệm chất lượng và cấp giấy chứng nhận. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức trong việc lựa chọn, sử dụng rau có địa chỉ uy tín, có nhãn mác để tẩy chay rau trôi nổi, ủng hộ rau sạch... Có như vậy, người trồng rau mới thoát được cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”...
 
Phú Hương