Ngày 31.1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị sẵn sàng triển khai các giải pháp ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika (vi rút gây bệnh đầu nhỏ) xâm nhập.
Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành chỉ đạo sở y tế địa phương tổ chức chốt kiểm dịch y tế biên giới, giám sát các hành khách nhập cảnh, đặc biệt những người đi về từ vùng có dịch, kịp thời cách ly, chăm sóc y tế...
Theo ông Nguyễn Thanh Long, VN có lưu hành bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes truyền, đây cũng là muỗi truyền vi rút Zika. Do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, người đi về từ vùng có dịch do vi rút Zika cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày; phụ nữ mang thai nên hạn chế đi đến vùng có dịch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có ca bệnh do vi rút Zika, chủ yếu các nước khu vực châu Mỹ.
Cùng ngày, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, Hà Nội cho biết, 2 ngày cuối tuần qua đã có 20 bệnh nhân nhiễm vi rút cúm A nhập BV này điều trị tại khoa truyền nhiễm và nhiều trường hợp bị biến chứng viêm phổi sau khi có các biểu hiện ban đầu của hội chứng cúm sốt, ho, sổ mũi.
TS-BS Lê Hồng Hanh, Phó trưởng khoa Hô hấp của BV này cho biết tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản, sốt vi rút nặng tăng khoảng 30% do thời tiết. Trời lạnh, các loại vi rút rất dễ phát triển, đặc biệt là vi rút gây bệnh đường hô hấp. Viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên (viêm mũi - họng, viêm amidan, viêm tai giữa…).
Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.
Những ngày qua, tại BV Bạch Mai, số trẻ nhập viện do viêm phổi, viêm phế quản nặng cũng tăng khoảng 20 - 30% so với các tháng bình thường trong năm.
Theo Thanhnien