Từ những vụ thực phẩm thiết yếu như khoai tây, gừng, hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc nhiễm độc, nhiều người tiêu dùng ở TP.HCM đã tự vệ bằng cách mua hàng sản xuất trong nước hoặc của nước khác thay thế.


Từ đầu năm đến nay, thị trường TP.HCM ngập tràn hàng Trung Quốc nhập lậu. Từ phụ tùng ôtô, xe máy, điện thoại di động, máy tính xách tay cho đến các mặt hàng tiêu dùng như: Thực phẩm đóng hộp, vải, quần áo, bia, bột ngọt, mỹ phẩm, mũ bảo hiểm, giày dép, tăm, đũa tre... với số lượng ngày càng nhiều.


798620_small_100523.jpg


Ngày 27/6, Công an TP.HCM đã bắt Khưu Viên Huân chở 188 gói bột ngọt Ajinomoto giả đi giao cho khách hàng bằng xe máy. Kiểm tra tiếp nhà số 9 Xóm Vôi và số 41 Trần Chánh Chiếu (quận 5), công an thu giữ 13 thùng và 20 bao tải chứa sản phẩm Ajinomoto thành phẩm, 50 bao bột ngọt (loại 25kg/bao) do Trung Quốc sản xuất và một thùng bao bì in nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto giả. Bà Trần Thị Trang khai, cơ sở của bà làm bột ngọt giả bằng cách dùng bột ngọt xá của Trung Quốc đóng gói thành sản phẩm giả thương hiệu khác và mang đi tiêu thụ.


Ngày 25/6, Đội Quản lý thị trường 6B kiểm tra cửa hàng 99 (Chu Văn An, phường 2 quận 6), tạm giữ 76.000 đôi đũa tre nhập lậu. Trước đó, đã phát hiện 30 bao (35kg/bao) tăm tre ghi bằng tiếng Trung Quốc tại một cơ sở trên đường Hồng Bàng.


6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM xử lý 250 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH), trong đó có 140 vụ buôn bán MBH Trung Quốc nhập lậu, thu giữ hơn 25.000 chiếc (trong đó 11.262 chiếc là hàng giả, không hợp chuẩn).


Bà Trần Thị Lan, tiểu thương bán rau, củ, quả tại chợ Tân Bình cho biết, từ đầu năm đến nay sức mua các loại rau, củ, quả có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là tỏi, gừng, khoai tây, cam, táo của người tiêu dùng giảm rõ rệt. Nguyên nhân là do báo chí đưa tin nhiều về một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm độc tố nên họ
“ngán ăn hàng Trung Quốc!”.


Người tiêu dùng TP. HCM đang có xu hướng “nói không với hàng Trung Quốc” với lý do thực phẩm nhập khẩu từ nước này đang bày bán tràn ngập và khó đoán biết nguồn gốc vì công nghệ “đội lốt” hàng Việt rất tinh vi.

Nhiều tiểu thương tại chợ Tân Bình cũng thừa nhận, các sản phẩm nông sản thực phẩm nhập từ Trung Quốc trước đây bán rất chạy vì hàng đẹp, giá rẻ nhưng nay nhiều người chuyển qua dùng hàng sản xuất trong nước.


Mặt tiền chợ Hòa Hưng (quận 10) trước đây ngập tràn các loại hoa quả như táo, lê, nho, lựu nhập từ Trung Quốc nay cũng đã giảm nhiều. Chị Lương Thị Loan, tiểu thương bán hoa qủa ở chợ chia sẻ: Nhiều khách hàng trước khi mua hoa quả thường hỏi
“Có phải hàng Trung Quốc không?”sau đó mới xem hàng và trả giá.


Bà Mai Thúy Hân (ở đường Trường Chinh, quận Tân Bình) cho biết, từ khi biết được nhiều mặt hàng không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe vì nhiễm chất độc, gia đình bà loại hẳn các thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.


Để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, chị Lưu Ngọc Mai, nhân viên Ngân hàng ACB không còn thú vui chọn các loại thực phẩm da bóng mượt, no tròn, xanh mướt nữa vì sợ hàng Trung Quốc.
“Dù mất nhiều công nhưng tôi chỉ chọn mua các loại rau củ, quả méo mó do nông dân mình trồng cho đảm bảo”- chị Mai chia sẻ.


Theobaocongthuong - .P.H