(Baonghean) - Thị trường nước uống đóng chai đang phát triển chóng mặt với hàng loạt cơ sở nhỏ lẻ dạng hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo ATVSTP. Ngay lúc này, cần phải "gạn đục, khơi trong", đảm bảo sự phát triển lành mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nước đóng chai và trên hết người tiêu dùng cần tỉnh táo để bảo vệ sức khỏe.
Hãy là nhà tiêu dùng thông thái
Người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu và phân biệt được sự khác biệt giữa nước tinh khiết và nước khoáng. Bên cạnh đó, tâm lý chuộng đồ rẻ vẫn còn phổ biến. Hầu như các khách hàng, thậm chí các cơ quan, tổ chức khi đặt mua nước chỉ quan tâm đến nhãn mác, giá thành sản phẩm.
Nắm bắt được tâm lý này, các cơ sở sản xuất nước nhỏ lẻ đã đưa ra tên gọi na ná với những sản phẩm có uy tín như: ViTa, Xpro, ANILIM, KiWi, Vistar, Aquavita gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, trên nhãn hiệu sản phẩm còn in kèm dòng chữ quảng cáo như: sản xuất trên thiết bị hoàn toàn tự động, siêu lọc, tiệt trùng bằng tia cực tím… Từ đó, nhiều cơ sở vẫn lừa được vô số các "thượng đế" bỏ tiền ra tiêu thụ sản phẩm của mình.
Chị Nguyễn Thị Phương, khối 12 phường Bến Thủy cho biết: Lâu nay, tôi chọn mua sản phẩm nước giá rẻ, gần nhà và có nhãn mác đầy đủ chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng. Hơn nữa, cơ sở nào cũng cam kết là sản phẩm của mình đã được khử trùng, sản xuất trên dây chuyền thiết bị hiện đại. Trong khi bản thân những người dân như chúng tôi làm sao đánh giá, kiểm tra được sản phẩm mình đang sử dụng có đạt chất lượng hay không.
Sự mù mờ thông tin, thiếu quan tâm của người dân, cộng với sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng khiến cho thị trường nước uống đóng chai trở nên phức tạp. Hiện phong trào sản xuất nước uống đóng chai lan rộng khắp nơi. Do hám lợi, nhiều cơ sở đã bất chấp quy định, sẵn sàng sản xuất ra những chai nước chứa đầy vi khuẩn độc hại bán cho người dân.
Trước khi chờ đạo đức kinh doanh của các cơ sở này thay đổi, người dân phải thực sự là những nhà tiêu dùng thông thái. Khi sử dụng nước đóng chai nên chọn sản phẩm của các cơ sở công bố chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu rõ ràng, đáng tin cậy. Khi mua nên xem kỹ tên sản phẩm, nguồn nước, cơ sở sản xuất, thành phần nước, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, ngày sản xuất, hạn sử dụng, địa chỉ sản xuất, số công bố tiêu chuẩn sản phẩm… và thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin trên báo đài để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Xóa bỏ các cơ sở không đủ điều kiện
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Nhà máy nước và đá tinh khiết An Phú, thì việc cấp giấy phép cho các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai hiện còn rất lộn xộn. Trong hơn 90 cơ sở sản xuất nước uống trên địa bàn tỉnh thì chỉ có khoảng 5% là hoạt động nghiêm túc, tức là đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, thật sự quan tâm đến chất lượng nước, quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng trước khi đưa ra thị trường.
“Chỉ cần bỏ ra khoảng 50-70 triệu đồng là có thể mua được một dây chuyền sản xuất nước với đầy đủ các đoạn khử trùng bằng tia cực tím, thẩm thấu ngược R.O… Song, để có sản phẩm với nước tinh khiết đảm bảo VSATTP thì phải có một hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại. Công nghệ này có giá vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, khá tốn kém. Và trên địa bàn tỉnh thì những cơ sở như thế này chỉ đếm trên đầu ngón tay", anh Hùng cho biết.
Đối với những cơ sở này, một bình nước loại 20 lít không thể bán dưới 10 ngàn. Khi đến tay người tiêu dùng thì đã được nâng lên khoảng 20 ngàn. Thế nhưng, trên thị trường còn tồn tại nhiều nhãn hàng nước chỉ với giá bán 5-7 ngàn/bình, khi đến tay người tiêu dùng khoảng 12-15 ngàn/bình.
Ông Phạm Duy Chung, Giám đốc Công ty CP Hồng Vinh cho biết: Cơ sở của tôi sản xuất nước uống bằng nước máy, giá bán ra thị trường là 10 ngàn/bình. Nhưng do có nhiều cơ sở bán giá thấp hơn, trong khi người tiêu dùng chỉ chuộc sản phẩm giá rẻ mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng nước nên cơ sở mình không cạnh tranh được. Vì thế, tôi bắt buộc phải đóng cửa công ty.
Trước thực trạng trên, trong tời gian tới, Sở Y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai. Đặc biệt, cần yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước uống tinh khiết đóng chai trên địa bàn tỉnh có cam kết chấp hành nghiêm túc, tự giác các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh… Khi phát hiện sai phạm cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc, tránh tình trạng chiếu cố, qua loa, hình thức.
Qua sự việc trên, UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan chức năng triệt để chấp hành các quy định quản lý của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đối với các các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai chưa được cấp Giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; không công bố tiêu chuẩn chất lượng cần dẹp bỏ.
Hơn bao giờ hết, thị trường nước uống đóng chai cần sớm được "gạn đục, khơi trong", đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thông tin sau cuộc họp giữa Sở Y tế và Sở KH&CN, từ ngày 18/11, Sở Y tế sẽ rút giấy phép, đỉnh chỉ hoạt động đối với 37 cơ sở sử dụng phiếu thử nghiệm kết quả giả. Đồng thời, đình chỉ có hoạt động đối với các cơ sở có mẫu nước không đạt chất lượng. Sở Y tế sẽ thành lập đoàn kiểm tra diện rộng đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh. Về trách nhiệm cán bộ liên quan, Sở Y tế sẽ làm rõ hành vi vi phạm và có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định. |
Phạm Bằng