(Baonghean) - Bây giờ đã trở thành người nổi tiếng, nhưng “nhạc trưởng” của U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng vẫn luôn biết ơn và nhớ đến người thầy đầu tiên đã dẫn dắt mình vào bóng đá từ lúc chưa đầy 10 tuổi, đó là ông Trương Quang Vinh, cựu cầu thủ SLNA từng có hơn 10 năm làm công tác huấn luyện bóng đá phong trào ở Đô Lương.
Ông Trương Quang Vinh nguyên là một tiền vệ khá nổi tiếng của SLNA trong những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 với biệt danh Vinh “khu đen”. Hồi đó, đội bóng xứ Nghệ còn thuộc Tỉnh đội Nghệ An quản lý và ông Nguyễn Hồng Thanh là đội trưởng, về sau kiêm luôn chức HLV. Năm 1982, theo đề nghị của Quân khu 4, Tỉnh đội Nghệ An chuyển giao đội bóng sang cho UBND tỉnh quản lý và từ đó CLB bóng đá SLNA ra đời. Do thu nhập từ nghề đá bóng ngày xưa không đủ nuôi sống vợ con nên sau một thời gian thi đấu, tiền vệ Trương Quang Vinh quyết định treo giày theo bạn bè đi buôn. Tuy nhiên, với tính cách bộc trực vốn ăn sâu trong nghiệp quần đùi áo số, mà việc buôn bán lại đòi hỏi phải khôn khéo, sau gần chục năm bươn chải trên thương trường, thua lỗ, nợ nần chồng chất, anh phải rời thành phố với hai bàn tay trắng đưa vợ con về quê kiếm sống.
Năm 1995, CLB SLNA bắt tay vào xây dựng Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ, trong một chuyến lên huyện Đô Lương khảo sát để mở lớp năng khiếu tuyến huyện, ông Nguyễn Hồng Thanh (lúc đó đang giữ chức Chủ nhiệm CLB bóng đá SLNA) vô tình gặp Trương Quang Vinh đang gò lưng đội từng thúng cát ở dưới sông Lam để mưu sinh. Vị “Khổng Minh xứ Nghệ” lập tức xắn quần xuống hỏi thăm, sau khi biết tình cảnh khó khăn của người đồng đội cũ, ông Thanh bảo: “Mày có còn máu bóng đá nữa không?” Vinh “khu đen” trả lời: “Máu thì vẫn máu, nhưng em giờ làm răng mà đá đấm được nữa”. Ông Thanh bảo Trương Quang Vinh dẫn về nhà, sau đó đến Trung tâm Văn hóa huyện Đô Lương bàn bạc ký hợp đồng mở một lớp năng khiếu bóng đá nghiệp dư ở huyện rồi giao cho Trương Quang Vinh phụ trách công tác tuyển sinh và đào tạo để tạo nguồn cầu thủ trẻ cho SLNA.
Trở lại với nghiệp bóng đá trong vai trò mới, suốt hơn 10 năm qua, ông Trương Quang Vinh không những giúp cho các đội bóng thiếu niên và nhi đồng huyện Đô Lương giành hơn chục danh hiệu Vô địch Giải bóng đá thiếu niên - nhi đồng toàn tỉnh tranh Cúp Báo Nghệ An hàng năm mà còn phát hiện và đào tạo được nhiều cầu thủ xuất sắc cho bóng đá xứ Nghệ như: Công Minh, Quang Tình, Trần Nguyên Mạnh, Phan Doãn Thái Thành Đạt,… con trai của ông là Trương Quang Tuấn chính là một trong những tiền vệ chơi rất nổi bật trong đội hình U16 Việt Nam từng gây ấn tượng ở VCK giải U16 châu Á năm 2000 (sau đó Quang Tuấn đầu quân cho SHB Đà Nẵng và hiện nay đã nghỉ thi đấu). Đặc biệt, Nguyễn Công Phượng, cầu thủ đang đóng vai trò “nhạc trưởng” trong đội hình U19 Việt Nam hiện nay chính là do ông Trương Quang Vinh phát hiện và đào tạo từ lúc chưa đầy 10 tuổi.
Ông Trương Quang Vinh cho biết, đầu năm 2004, Trung tâm VHTT huyện Đô Lương tổ chức tuyển sinh, trong số gần 100 thí sinh về dự tuyển ông thấy một cháu bé loắt choắt được mẹ đưa đến. Thấy Công Phượng quá nhỏ, lại có cái tên yếu ớt như con gái nên ông đến bảo: “Cháu về nhà ăn cơm nhiều cho mau lớn, vài năm nữa hãy đến dự thi nhé!”. Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ Công Phượng cũng khuyên con ra về, nhưng cháu bé bỗng òa khóc nằng nặc đòi dự tuyển. Động viên mãi không xong, cuối cùng ông Vinh cùng Ban tuyển sinh bảo cháu bé ra tâng và sút bóng. Mọi người bất ngờ khi thấy Công Phượng điều khiển trái bóng rất nhuần nhuyễn, cậu bé tâng bóng suốt hơn 10 phút đồng hồ vẫn không để rơi xuống đất. Chuyển sang các bài thi khác, cậu bé cũng thực hiện rất tốt. Điều băn khoăn duy nhất của Ban tuyển sinh là Công Phượng vừa nhỏ người vừa nhỏ tuổi, nhưng cuối cùng HLV Trương Quang Vinh quyết định nhận Công Phượng vào lớp vì thấy có năng khiếu bẩm sinh và đặc biệt là sự đam mê nên không muốn bỏ sót một tài năng bóng đá trong tương lai.
Nhà Công Phượng ở xã Mỹ Sơn, cách Trung tâm VHTT Đô Lương hơn 20 km, bố đi làm ăn xa nên mỗi tuần 3 buổi, Công Phượng được mẹ đạp chiếc xe cà tàng chở đi đi về về. Ông Trương Quang Vinh về bàn với vợ và bảo bà Hoa cho Công Phượng ăn ở tại nhà mình để đỡ phải đi lại vất vả. Một kỷ niệm khó quên của Công Phượng với thầy Vinh là vào mùa hè năm 2004 khi lần đầu tiên cu cậu được đi dự Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An. Do còn quá nhỏ tuổi nên Công Phượng không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của Đội nhi đồng Đô Lương mà thầy Vinh chỉ đưa em đi cùng để làm quen với không khí giải đấu. Hôm đầu tiên xuống dự vòng loại ở huyện Diễn Châu, cả đội vào quán ăn trưa, Công Phượng đã bị ông trưởng đoàn đuổi ra vì không có tiêu chuẩn theo danh sách đã duyệt. HLV Trương Quang Vinh đành nhường suất ăn của mình cho cậu học trò nhỏ, còn ông sang quán bên cạnh bỏ tiền túi ra ăn phở. Những ngày sau đó, phải nhờ sự can thiệp của lãnh đạo huyện Đô Lương thì cậu bé Phượng mới được hòa nhập bình đẳng cùng các bạn trong đội.
Đến năm 2005 và 2006, sau những tháng ngày được HLV Trương Quang Vinh dẫn dắt, Công Phượng ngày càng chứng tỏ là một tài năng bóng đá thực sự, em nhanh chóng trở thành “linh hồn” của đội bóng nhi đồng và đội thiếu niên huyện Đô Lương và góp công lớn đưa bóng đá huyện nhà giành 2 chiếc cúp vô địch. Sau những màn trình diễn ấn tượng của Công Phượng trong màu áo Đội thiếu niên huyện Đô Lương tại Cúp Báo Nghệ An năm 2006, các chuyên gia SLNA đã gọi Công Phượng xuống Vinh tập huấn 1 tháng để dự tuyển vào lớp năng khiếu SLNA. Tuy nhiên cuối cùng Công Phượng bị SLNA loại vì ông Trưởng ban tuyển sinh lúc đó là HLV Nguyễn Văn Thịnh chê thể hình Công Phượng quá “mỏng cơm”.
Mùa hè năm 2007, khi Học viện bóng đá HAGL JMG tuyển sinh khóa I, Công Phượng tiếp tục nuôi ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, trước khi đăng ký dự thi em đến hỏi ý kiến thầy Vinh và được thầy động viên: “Thầy thấy em rất có năng khiếu, em cứ thi đi, bóng đá khó nói lắm, mỗi người có một cách nhìn người khác nhau. SLNA không nhận nhưng biết đâu HAGL lại nhận”. Nhờ lời động viên này của HLV Trương Quang Vinh mà Công Phượng đã quyết tâm vào Gia Lai dự tuyển và cuối cùng ước mơ cháy bỏng của cậu bé mang tên một loài chim quý đã trở thành hiện thực.
Niềm đam mê, sự kiên trì và quyết tâm chính là những tố chất cần thiết để Nguyễn Công Phượng tỏa sáng trên sân cỏ như ngày hôm nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó công lao vun vén tài năng cho Công Phượng của HLV Trương Quang Vinh cũng không hề nhỏ. HLV Trương Quang Vinh tự hào nói: “Thỉnh thoảng Công Phượng vẫn gọi điện thoại hỏi thăm thầy và Tết nào về quê hai bố con cũng sang nhà chúc Tết gia đình chúng tôi. Công Phượng chính là tấm gương sáng cho sự đam mê và nỗ lực mà tất cả mọi cầu thủ bóng đá Việt Nam cần học tập”.
Bài, ảnh:Hoàng Hảo