“Lý” và “tình” để trẻ đến trường
Những năm trước, cuộc sống khó khăn đã khiến cho sự học ở xã Tri Lễ (Quế Phong) kém phát triển, đặc biệt là ở cộng đồng người Mông với gần 4.000 người sống ở 10 bản trên núi cao, trong đó có 8 bản sát biên giới. Sự học của đồng bào Mông tại xã Tri Lễ chỉ thực sự đi lên trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Và theo đồng bào thì “nhờ công của thầy Thò Bá Sinh” nhiều lắm.
Anh Xồng Bá Thái, bản Mường Lống, xã Tri Lễ chia sẻ: “Năm lại năm, thầy Sinh đã lặn lội khắp dãy núi Phà Cà Tún, đi đến từng bản, từng nhà để vận động gia đình cho con em đi học”.
Cuộc sống nương rẫy vất vả của đồng bào Mông đã khiến những đứa trẻ mới lên 6-7 đã là trụ cột của gia đình khi chỉ quanh quẩn ở nhà. Trẻ lên 8-10 đã là lao động chính khi ngày ngày theo cha, mẹ lên nương rẫy. Để vận động các gia đình “từ bỏ” một lao động chính, cho trẻ xuống trường là một điều không hề đơn giản. Muốn phân tích cho họ hiểu thì không những phải có “lý” mà còn phải có “tình”.
Tôi đem chính cuộc đời tôi ra kể để làm dẫn chứng cho cái “lý” mà thuyết phục.
Thầy giáo Thò Bá Sinh
Bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong Cuộc đời của thầy giáo Thò Bá Sinh được tóm gọn trong một dòng “không ngừng cố gắng vươn lên để thành người”. Người thầy giáo 48 tuổi người Mông này sinh ra và lớn lên ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ. Cũng như bao nhiêu người Mông khác, cuộc sống gia đình thầy gắn bó với nương rẫy, với sự vất vả. Nhiều đứa trẻ trong bản chưa kịp lớn thì đã theo cha mẹ lên núi kiếm sống; chưa kịp trưởng thành thì đã dựng vợ gả chồng. Thầy may mắn hơn là được đi học nhưng cũng phải 10 tuổi mới bắt đầu vào lớp 1, học ở điểm trường Huồi Mới.
Sau 4 năm học và tốt nghiệp tiểu học, Thò Bá Sinh có hai lựa chọn: Một là nghỉ học, ở nhà làm nương rẫy, rồi thành gia lập thất. Hai là tiếp tục ra thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong để học cấp 2. Lựa chọn một thì rất dễ dàng. Bản thân ông không muốn sống một cuộc đời nghèo khổ quanh quẩn sườn núi mà muốn được học nhiều hơn, muốn đi để biết nhiều hơn và học để lập thân, lập nghiệp. Thò Bá Sinh quyết tâm ra huyện lỵ theo học 2 năm bổ túc cấp 2 tại Trường Phổ thông Lao động huyện.
16 tuổi, Thò Bá Sinh là người Mông đầu tiên ở Tri Lễ học hết cấp 2. Con đường xuống núi đã ngắt quãng lại khi ông quyết định quay về bản. Sự học tạm dừng lại khi ông không có người định hướng nên tiếp tục như thế nào. Quay về núi nhưng những kiến thức đã được học, được nghe và thấy đã giúp Thò Bá Sinh áp dụng, phát triển tốt kinh tế gia đình. Về Huồi Mới 1, Thò Bá Sinh làm trang trại chăn nuôi bò. Lúc đỉnh điểm, trang trại của ông có tới trên 30 con bò.
Tri Lễ là xã biên giới phía Tây Nam của huyện Quế Phong, cách trung tâm huyện hơn 30 km, có chiều dài đường biên giới 17,5 km với 8 cột mốc giáp huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.
Xã Tri Lễ có 4 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú sinh sống với 10.233 nhân khẩu với 2.038 hộ dân; phân bố ở 33 xóm bản, trong đó xóm bản nhiều nhất có 123 hộ và xóm ít nhất là 24 hộ. Với địa hình núi cao, hiểm trở, độ cao lớn trên toàn địa bàn, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, khe lạch, đời sống người dân ở đây dựa vào nông nghiệp, hết sức khó khăn...
Năm 1990, cơ duyên đến với Thò Bá Sinh khi Nhà nước có chủ trương kêu gọi những người dân tộc thiểu số đã hoàn thành cấp 2 đi làm giáo viên. Thò Bá Sinh đã ra huyện học cấp tốc phương pháp sư phạm, trở về làm thầy giáo ở điểm trường Nậm Tột, rồi điểm trường Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4.
Với khát khao học tập cháy bỏng để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, thầy giáo Thò Bá Sinh đã được các cấp, ngành tạo điều kiện bố trí cho theo học các lớp nâng cao kiến thức. Từ năm 1995 đến nay, thầy giáo Sinh đã học xong chương trình cấp 3 và tốt nghiệp đại học. Năm 2002, thầy Sinh được bố trí làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4.
Thầy giáo Thò Bá Sinh - Hiệu phó Trường Tiểu học Tri Lễ 4 luôn đề cao tính tự học. Qua cuộc đời của thầy giáo Thò Bá Sinh, người Mông ở Tri Lễ đã nhận thấy rằng: Ông là nhân chứng sống động và chân thực nhất của người Mông dám vượt qua mọi rào cản để tìm đến sự học, để có cuộc sống ấm no hơn. Và người Mông ở Tri Lễ đã nhìn vào tấm gương thầy giáo Sinh để học tập, để đổi thay.
Mong con em người Mông đi xa hơn
Thầy giáo Thò Bá Sinh kể rằng những năm 1990-2002, đi vận động con em người Mông ở Tri Lễ đến trường không chỉ có mỗi riêng thầy mà còn một số thầy giáo người Mông khác. Mỗi thầy giáo là một minh chứng sống từ việc học nên thời gian này, bà con quyết tâm cho con, em mình xuống núi, tới trường...
Song vẫn còn đó những nỗi buồn khi các năm gần đây vẫn có trường hợp trẻ bỏ học do điều kiện gia đình. Những lúc như vậy, các thầy giáo trẻ trong trường lại lọ mọ leo núi hằng đêm đi vận động.
Trong những thầy giáo trẻ ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có thầy giáo Thò Bá Chờ. Anh là con trai thứ của thầy giáo Thò Bá Sinh. Kể chuyện đi vận động trẻ đến trường, thầy giáo Thò Bá Chờ cho biết: “Bây giờ cũng giống ngày xưa thôi. Để vận động được thì các thầy cũng phải thật sự tâm huyết. Và chính bản thân mỗi thầy giáo là nhân chứng sống để các phụ huynh, học sinh người Mông nhìn thấy học tập”.
Được biết, thầy giáo Thò Bá Sinh có 5 người con (4 trai, 1 gái). Với sự chăm lo, nuôi dạy chu đáo, cả 5 người đều đã học xong cấp 3. Con trai cả là Thò Bá Chư hiện là cán bộ Công an huyện Quế Phong. Con trai thứ Thò Bá Chờ hiện là “đồng nghiệp” cùng bố ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Con trai thứ ba là Thò Bá Chia vừa tốt nghiệp Cử nhân Luật - Đại học Vinh, hiện đang ở nhà làm trang trại. Con gái thứ 4 hiện đã lập gia đình, sinh sống tại tỉnh Điện Biên. Con trai út là Thò Tồng Giờ vừa tốt nghiệp THPT...
Chuyện học của gia đình thầy giáo Sinh thêm một lần giúp cho nhận thức của người dân các bản Mông thay đổi: Đi học sẽ giúp mình đi xa hơn. Học thành tài có thể làm cán bộ. Nếu không thành người Nhà nước thì cũng cho mình nhiều kiến thức để chăn nuôi, trồng cây, trồng rừng; giao dịch, buôn bán dễ dàng hơn. Người Mông ở Tri Lễ bây giờ xem việc trẻ xuống núi học lên cấp 2, cấp 3 là để lập thân, lập nghiệp, có kiến thức mới có thể phát triển cuộc sống và xây dựng bản làng.
Trong mắt nhiều người Mông ở Tri Lễ, thầy giáo Thò Bá Sinh là điển hình của “thành công” nhờ sự cố gắng học tập và tự học. Ở cái tuổi gần 50, thầy giáo Sinh vẫn luôn nghiên cứu sách báo. Ông giáo người Mông này luôn tự nghiêm khắc với bản thân và dạy các con, cháu: “Sống không khó, làm giàu cũng không khó. Mà sống sao cho đúng hướng mới khó. Hướng ở đây là chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; là đạo đức, là tình cảm yêu thương giữa con người và con người”..
Ở cương vị hiệu phó trường tiểu học, đến thời điểm này thầy Sinh vẫn luôn là người “đi đầu” trên con đường vận động trẻ người Mông đến trường. Những người già đến cháu nhỏ đã quen với hình ảnh ông giáo gầy gò dắt xe qua những triền dốc trơn trượt trong những ngày mưa, mây dày xám xịt, sương mù giăng trắng các quả đồi vào các bản.
“Nếu chưa có điều kiện hay thi đậu ngay cao đẳng, đại học thì học từng bước cũng được. Quan trọng của việc học là có kiến thức chứ không chỉ là bằng cấp. Có học mới đi xa hơn, cao hơn”, thầy giáo Thò Bá Sinh tâm niệm và ông vẫn luôn mơ ước làm sao cho những đứa trẻ người Mông ở quê nhà đi xa hơn con đường ông đã đi, biết nhiều hơn những điều ông biết.
Trong 2 - 3 năm trở lại đây, công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học ở Tri Lễ đã được quan tâm nhiều hơn. Số học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng, học sinh giỏi tỉnh, giỏi huyện năm sau cao hơn năm trước, chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học cơ bản đáp ứng với yêu cầu...
Trong thành công chung đó, có công đóng góp của bố con thầy Sinh, thầy Chờ. “Câu chuyện bố con thầy Sinh, thầy Chờ là một “huyền tích” giữa đời thường, có tác dụng động viên, khuyến khích việc học ở huyện miền núi Quế Phong này” - Ông Lữ Thanh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong cho biết.
Còn Thượng tá biên phòng Đàm Thiên Thương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tri Lễ khẳng định: “Thầy giáo Thò Bá Sinh là một đảng viên gương mẫu, là một “già làng” có uy tín của bà con người Mông ở địa phương. Nhờ thầy, phong trào học tập ở địa phương ngày càng phát triển”.