Sinh ra trong một gia đình nông dân có tới 5 anh chị em ở xã nghèo Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu), nơi người dân hầu như chỉ biết sống dựa vào nghề làm muối, học hết lớp 12, chị Dung chỉ quanh quẩn ở nhà. Cuộc sống vất vả cộng với bản tính ít tiếp xúc bên ngoài, nên mãi đến năm 39 tuổi chị mới lập gia đình với người đàn ông lớn tuổi ở xã bên và có một cô con gái năm nay học lớp 4.
Chị Trương Thị Dung tham gia hiến máu tại Trung tâm Huyết học- Truyền máu Nghệ An. Ảnh: Thanh Thủy.
Kể về cơ duyên dẫn chị tới việc tham gia hiến máu nhân đạo, chị Dung vẫn nhớ như in thời điểm năm 2012 khi chăm chồng bị ốm nằm Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Những ngày tại đây, chị chứng kiến rất nhiều người bệnh cần sự hỗ trợ tiếp máu nhưng không phải ai cũng được tiếp kịp thời bởi bệnh nhân rất đông, nhất là những người thuộc nhóm máu hiếm.
Có một lần, chứng kiến một bệnh nhân trẻ bị mất máu quá nhiều và ra đi, trong lòng chị dấy lên suy nghĩ tại sao mình khỏe mạnh như vậy lại không cho bớt máu để cứu họ? Nghĩ là làm, chị hỏi đường đến phòng đăng ký xét nghiệm. Cầm kết quả bác sĩ kết luận mọi chỉ số đều đạt, có thể đăng ký hiến máu bất cứ lúc nào, chị vui mừng về phòng bệnh kể cho chồng nghe. Chồng chị gật đầu bảo: “Em muốn thì cứ làm thôi”.
Được người thân ủng hộ, trong hơn 5 năm, chị Dung tình nguyện 19 lần hiến máu cứu người với gần 5.000 ml máu. Ảnh: Việt Hùng.
Đăng ký là vậy, nhưng phải đến tháng 7/2014, trong lần đưa chồng nhập viện điều trị bệnh ung thư tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An, chị Dung mới có điều kiện để hiến máu lần đầu tiên. Hôm đó, cán bộ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hối hả chạy sang tìm người hiến gấp nhóm máu O để cấp cứu cho một bệnh nhi bị mất nhiều máu. Không chần chừ, chị Dung đã xung phong hiến máu. Với sức khỏe tốt, chị đã hiến 350ml máu, kịp thời hỗ trợ cứu sống cháu bé.
Từ đó đến nay, đều đặn 3 tháng/1 lần chị lại chạy xe máy hơn 60 km vào Trung tâm để hiến máu. Chỉ hơn 5 năm, chị đã 19 lần tham gia hiến máu cứu người. Theo phiếu hẹn, tới tháng 1/2020 này, chị sẽ có mặt ở Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh để tiếp tục làm việc nghĩa.
Ở nhà, chị Dung là người vợ đảm đang, chăm lo cuộc sống cho gia đình. Ảnh: Việt Hùng.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Dung cho biết, chị sẽ tiếp tục hiến máu cho đến khi nào không thể hiến được nữa mới thôi. Hành động cao đẹp của chị đã có sức lan tỏa trong cộng đồng, giúp nhiều người dân ở thôn quê hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo cũng như giải tỏa những băn khoăn về việc hiến máu có bị ảnh hưởng sức khỏe hay không.
Từ đó, có thêm nhiều người cũng đã mạnh dạn đăng ký như chị, trở thành một nét đẹp nhân văn được nhân rộng.